"Tăng lực" cho y tế cơ sở

Chia sẻ

Với việc xây mới và xây dựng hệ thống các bệnh viện vệ tinh, Hà Nội kỳ vọng sẽ dẫn đầu cả nước về giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, câu chuyện lại không đơn giản như vậy.

 
Nói dễ, làm mới khó…
 
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, Đề án phát triển hệ thống y tế TP Hà Nội lần này là đề án có quy mô, và mức độ đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, Hà Nội sẽ xây mới 25 bệnh viện, thực hiện nâng cấp, cải tạo 20 bệnh viện khác theo hướng mở rộng diện tích và từng bước hiện đại hoá, triển khai kỹ thuật. Đồng thời, tăng tỷ lệ giường bệnh lên 20 giường/10.000 dân vào năm 2015; 25 giường/10.000 dân vào năm 2020 và 30 giường/10.000 dân năm 2030, dự kiến đến năm 2015 tỷ lệ bác sỹ đạt 12,5/10.000 dân...
 
Cùng chung ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng cho rằng giải bài toán giảm tải “nói dễ, nhưng làm mới khó”. Đại biểu Bùi Đức Hiếu, Từ Liêm, dẫn chứng về câu chuyện của Bệnh viện Mê Linh. Mặc dù đã được phê duyệt và giải phóng xong mặt bằng cách đây hai năm nhưng đến nay công trình này vẫn chưa thể khởi công. Lý do chính được đưa ra là thiếu kinh phí xây dựng và kể cả khi có kinh phí thì xây xong lại khó hoạt động. Ông Hiếu cho biết: “Xây dựng rồi nếu không có trang thiết bị và bác sĩ có tay nghề thì chưa chắc đã đi vào hoạt động được”.
 

Nếu không tăng lực cho y tế xã phường, tình trạng quá tải bệnh
viện ở Hà Nội sẽ khó cải thiện.
 
 
Trong khi các bệnh viện cấp 2 đang phải “còng lưng” gánh bệnh nhân, “chia lửa” với bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn, thì chỉ tính riêng tại huyện Từ Liêm, tại 16 trạm y tế và 2 phòng khám đa khoa một năm qua cũng chỉ thu hút được 44.000 lượt bệnh nhân bảo hiểm. Số bệnh nhân ấy tỷ lệ nghịch với số tiền mà thành phố phải bỏ ra để đầu tư.
 
Tháng 12/2011, tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cũng không khỏi ngỡ ngàng khi đi “thị sát” các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ cách nhau 15 cây số, nhưng Trung tâm y tế huyện Từ Liêm và BV Đa khoa Xanh Pôn có sự đối lập rõ ràng. Mặc dù nằm giữa trung tâm thị trấn, đạt chuẩn quốc gia và có đầy đủ trang thiết bị máy móc phục vụ khám chữa bệnh nhưng Trạm Y tế Cầu Diễn và Trung tâm Y tế Từ Liêm lại rất đìu hiu. Cả năm trạm chỉ phục vụ khám bệnh cho khoảng 4.000 bệnh nhân, trong đó có 5 ca vào cấp cứu, điều trị bệnh. Có khi cả 10 ngày liền, Trạm Y tế Cầu Diễn không có một bệnh nhân nào.
 
Trong khi đó, Bệnh viện Xanh Pôn với quy mô chỉ 500 giường lại tiếp nhận mỗi ngày gần 2.000 bệnh nhân (có tới 800 bệnh nhân nội trú) và tập trung đến hơn 400.000 thẻ BHYT/năm. Với cơ sở vật chất như vậy, số giường bệnh như vậy nhưng số bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT cao gấp gần 800 lần thì quá tải là cầm chắc.
 
Lý giải về điều này, ngành y tế cho rằng, nguyên nhân quá tải là hệ thống khám chữa bệnh tuyến dưới không đáp ứng được nhu cầu của người dân, số giường bệnh mới đạt 14 giường/10.000 dân. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao còn thiếu…
 
Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là trong tương lai, Hà Nội có cần đầu tư 16.400 tỷ đồng để xây thêm mới 25 bệnh viện như trong bản quy hoạch trong khi hàng chục cơ sở khám chữa bệnh khác trên địa bàn vẫn đang trong tình cảnh “đắp chiếu”?.

Cần “tăng lực” cho y tế cơ sở
 
Nhằm “chia lửa” với các bệnh viện trên địa bàn, TP Hà Nội đã đưa ra nhiều phương sách giảm tải. Tuy nhiên, gốc của vấn đề giảm tải, vẫn là phải nâng cao năng lực của y tế cơ sở.
 
Ông Nguyễn Văn Phong, đại biểu HĐND huyện Sóc Sơn cho rằng: “Việc xây mới bệnh viện là chủ trương đúng cần ủng hộ nhưng chưa thể giải quyết được tận gốc tình trạng quá tải nếu bệnh nhân vẫn đổ xô lên bệnh viện tuyến trên”. Đồng tình với ý kiến này ông Đặng Đình An, đến từ HĐND quận Đống Đa, kiến nghị: “TP cần “tăng lực” cho y tế xã phường, bệnh viện tuyến dưới để giảm khám vượt tuyến”.
 
Nhìn nhận ở góc độ nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Văn Phong (Sóc Sơn) cho rằng: “Xây bệnh viện là một chuyện, cái khó là làm sao để “vận hành” các bệnh viện đó. Mà người vận hành không ai khác chính là đội ngũ bác sỹ”. Tuy nhiên, ông Phong cũng chỉ ra một thực tế hiện nay, việc thu hút bác sỹ về các bệnh viện tuyến huyện, xã rất khó khăn. Vì như Sóc Sơn, nhiều bác sỹ tốt nghiệp Đại học Y đã xin chuyển khỏi địa bàn hoặc rút ra bệnh viện ngoài làm.
 
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế HN đã gật đầu “tiếp thu” các ý kiến đóng góp và kiến nghị: “Ngoài các chính sách như đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ ở cơ sở, thành phố cũng cần xem xét lại các chế độ ưu đãi, đồng thời thực hiện chế độ tuyển thẳng bác sĩ đã được đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội hoặc các trường Đại học chuyên ngành y có nhu cầu về Hà Nội làm việc”. Có như vậy, thì Hà Nội mới có cơ hội “về đích” sớm hơn so với các tỉnh thành trong cả nước.
 
P.V

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.