Những chiêu chiếm đoạt tài sản núp bóng giao dịch dân sự

Chia sẻ

Quá nửa đời tích cóp, bà giáo Đặng Thị Tỵ mới xây được căn nhà ở Q.Hà Đông. Vậy mà học trò cũ của bà đã lừa gán nhà bà cho chủ nợ để lấy tiền rồi bỏ trốn.

 
Bà giáo kêu cứu
 
Đến báo PNTĐ trong tình trạng tinh thần hoảng hốt, chân tay run rẩy, bà giáo lặng đi hồi lâu mới cất được lời: “Bọn xã hội đen kéo đến tuyên bố đã bỏ tiền mua nhà của tôi, đòi đuổi tôi khỏi cửa. Nhà tôi đang ở, không hề có ý định bán cho ai… Trời ơi! Tôi bị trò Tâm lừa mất nhà rồi”…
 
Tìm hiểu gia cảnh của bà giáo, chúng tôi không khỏi ái ngại trước nỗi bất hạnh của bà. Người phụ nữ đơn thân này vừa chăm lo gia đình đông anh đông em, vừa thu xếp theo học ngành sư phạm và trở thành hiệu trưởng trường mầm non, sau đó là giảng viên trường Cao đẳng sư phạm cho đến khi nghỉ hưu. Khởi nguồn của nỗi bất hạnh bà giáo phải gánh chịu hôm nay là cuộc gặp gỡ với trò Phạm Thanh Tâm vào năm 1995, khi Tâm nhập học tại trường CĐSP. Thấy Tâm thông minh, chăm học, bà hết lòng dìu dắt. Theo năm tháng, tình cảm giữa bà và trò Tâm ngày càng gắn bó.
 
Những chiêu chiếm đoạt tài sản núp bóng giao dịch dân sự - ảnh 1
Bà giáo Đặng Thị Tỵ
 
Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc hay chuyện buồn về tình cảm, Tâm lại tìm đến bà để cậy nhờ, tâm sự. Luôn theo sát  bước đi của cô học trò, bà Tỵ đã rất mừng khi Tâm được nhận về dạy ở trường mầm non công lập quận Hà Đông, được kết nạp Đảng, lập gia đình... Rồi Tâm bỏ trường công để ra làm trường tư thục, bà giáo lại trở thành người cố vấn cho Tâm về nghiệp vụ mầm non. Sự thật là Tâm  đã đến phòng Giáo dục quận Hà Đông xin mở hai điểm trường, nhưng Phòng  chỉ cho phép  Tâm thành lập một điểm tại phường Nguyễn Trãi.
 
Ngày 7/6/2011, khi bà đang ốm phải đi viện khám thì Tâm hối thúc bà về, thuyết phục bà cho mượn sổ đỏ “để con thế chấp vay tiền đầu tư vào… bốn điểm trường”. Thấy bà giáo lưỡng lự, Tâm khẩn khoản: “Xin bà hãy cứu con. Bà giúp con nhanh đi không thì con phải vào tù”. Tâm liến thoắng rất nhiều, bà nghe một hồi thì hiểu ra rằng Tâm muốn “mượn sổ đỏ” đem đặt cho chủ nợ lấy tiền không chỉ để đầu tư mở thêm trường mà còn để trả những khoản nợ “nóng” Tâm đã vay trước đó từ nhiều nguồn, trong đó có đối tượng  trong đường dây tín dụng đen – cho vay nặng lãi. Thương học trò, tin vào lời hứa “sau ba tháng con sẽ trả lại sổ”, bà giáo đã đưa cho Tâm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S 571396, do UBND thị xã Hà Đông cấp ngày 12/12/2001.
 
Có được sổ đỏ của bà, cô ta lại ngọt nhạt khuyên bà đi làm lại CMND (CMND cũ của bà đã hết hạn) và làm hộ khẩu mới cho khớp với địa chỉ nhà tại quận Hà Đông (hộ khẩu cũ bà đăng ký tại huyện Ứng Hòa). Sau đó Tâm năn nỉ nhờ bà cùng cô ta đi vay tiền. “Tôi kêu mệt không muốn đi thì Tâm đem cho tôi cốc nước cam. Không biết cô ta bỏ gì vào mà uống xong  thì đầu óc tôi choáng váng, không tự chủ được. Cô ta dẫn tôi đi đâu tôi cũng đi theo, bảo tôi ký giấy tờ gì tôi cũng ký. Tâm đã dẫn tôi đến nhà một người tên là Tuấn ở đường Quang Trung (quận Hà Đông) để vay tiền.
 
Tại đây Tâm đã viết giấy mượn nhà của tôi từ 7/6 đến 7/9/2011 để  tôi tin rằng cô ta không có ý khuất tất. Đến ngày 29/6/2011, lấy lý do  anh Tuấn đòi lãi cao Tâm lại thuyết phục tôi đi vay tiền chỗ khác… Bây giờ tôi mới biết Tâm không chỉ dẫn tôi đến chỗ vay tiền mà còn lừa tôi đến phòng công chứng để ký  vào bản Hợp đồng ủy quyền cho người khác (đồng bọn của Tâm) và người ấy có quyền bán đi ngôi nhà của tôi. Nghe tin Tâm bỏ trốn, tôi tới nhà Tâm ở phố Tô Hiệu, quận Hà Đông thì thấy rất nhiều đứng quây trước cửa căn nhà đã bị niêm phong…” – bà giáo kể.  

Nhà gán nợ = tài sản khó đòi
 
Biết tin bà Đặng Thị Tỵ, hội viên phụ nữ phường Hà Cầu có nguy cơ  mất nhà, ngày 3/4/2012 Hội LHPN quận Hà Đông đã có công văn số 32/KH-PN đề nghị CA quận Hà Đông, CA phường Hà Cầu xem xét vụ việc. Đại tá Trần Hanh, Chánh Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra CATP cho biết, CA TP đã nhận được đơn của nhiều người tố cáo Phạm Thanh Tâm với nội dung tương tự như đơn kêu cứu của bà Đặng Thị Tỵ. Vụ việc đang được CA điều tra, xác minh.
 
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng HN ngày càng có nhiều người bị “xã hội đen” siết nhà mà các nạn nhân đều trực tiếp hoặc gián tiếp vướng vào hoạt động tín dụng đen, ông nhận định: Cho vay nặng lãi là một phần của hoạt động kinh tế trong thời kinh tế thị trường. Hoạt động kinh tế làm nảy sinh nhu cầu rải vốn nhanh, kịp thời; sự phức tạp của tình hình tệ nạn xã hội (cờ bạc, ăn chơi…) khiến một bộ phận dân cư dám “liều” gán tài sản, giấy tờ nhà đất của gia đình mình hoặc lợi dụng mối thân tình nhờ người khác giúp đỡ bằng cách “cho mượn” giấy tờ có giá trị để họ vay tiền, bất chấp hậu quả.
 
Những chiêu chiếm đoạt tài sản núp bóng giao dịch dân sự - ảnh 2
Giấy mượn nhà của Phạm Thanh Tâm
 
 
Thủ đoạn của đối tượng là sẵn sàng cho vay nhưng buộc con nợ phải thế chấp, viết giấy mua bán tài sản rồi thông qua đó siết nợ. Hoạt động  của đối tượng có dấu hiệu có tổ chức và phía sau chúng là  sự tiếp tay của côn đồ (đe dọa, khủng bố bằng chất bẩn, siết nhà…) khiến không ít gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, đổ vỡ. Trong cuộc đấu tranh với loại tội phạm này, cơ quan CA gặp không ít khó khăn vì đối tượng có dấu hiệu chiếm tài sản của công dân nhưng lại ngụy trang dưới hình thức giao dịch dân sự (tự nguyện thỏa thuận). Vì vậy người dân cần xác định rõ: tài sản, giấy tờ nhà đất khi đem  gán nợ sẽ trở thành tài sản khó đòi.

Bị lừa là do thiếu hiểu biết
 
Đồng tình với quan điểm này, LS Nguyễn Văn Mích, Trưởng Văn phòng công chứng Hoàng Mai, HN bày tỏ, ngoài việc đem sổ đỏ cho những người thân quen mượn rồi bị lừa như bà Tỵ, một thủ đoạn lừa đảo khá phổ biến trong thời gian vừa qua là việc một số người, trong đó có nhiều doanh nhân, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì cần vốn làm ăn, trả nợ… đã mang sổ đỏ của mình giao cho một số đối tượng để nhờ cậy vay vốn của ngân hàng một cách nhanh nhất hoặc với lãi suất ưu đãi.
 
Đổi lại, người có sổ đỏ phải làm giấy hoặc hợp đồng ủy quyền để người cầm sổ đỏ được toàn quyền quyết định với khối tài sản đó. Một số trường hợp khác, bên trung gian che giấu thỏa thuận “được toàn quyền định đoạt tài sản” vào một điều khoản cụ thể nào đó trong hợp đồng một cách khéo léo khi lập hợp đồng ủy quyền vay vốn. Quyền quyết định ở đây – theo cách hiểu của những người giao sổ đỏ chỉ là để thế chấp, vay tiền của ngân hàng. Sau khi vay được tiền, sổ đỏ sẽ được trả lại cho chính chủ.
 
 Về khả năng đòi lại nhà của những “chủ nợ” bất đắc dĩ, LS Mích và nhiều chuyên gia về luật khi trao đổi đều cho rằng, sẽ rất khó và càng không thể nếu hợp đồng ủy quyền được thực hiện tại các văn phòng công chứng có thẩm quyền. Khả năng xử lý hình sự các đối tượng lừa đảo cũng khó tương tự như vậy. “Việc một công dân ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức thay mặt mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản thuộc quan hệ dân sự. Do vậy, khi sự việc trên bị phát giác, việc khắc phục hậu quả cũng như xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bên có dấu hiệu lừa đảo rất khó khăn”.
   Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Rất nhiều trường hợp, giấy ủy quyền được văn phòng công chứng xác nhận chưa khô mực thì khối tài sản đó đã được chuyển nhượng thành công cho người thứ ba, thậm chí là thứ tư, thứ năm… một cách nhanh chóng mà chủ sở hữu thực sự của khối tài sản đó có biết cũng trở tay không kịp. Không chỉ đánh trúng vào lòng tham của mỗi người, bị lóa mắt bởi mức lãi suất hấp dẫn hoặc thủ tục nhanh gọn, đơn giản hay lợi nhuận cao… một điểm chung nhất của tất cả các trường hợp bị lừa là sự thiếu hiểu biết.
 
Hầu hết chị em đều không lường hết được những hậu quả, hệ lụy khi ủy quyền sử dụng sổ đỏ của mình cho người khác. Khi giao sổ đỏ, chủ nhân thường nhận được tờ giấy cam kết của người nhận nhưng tờ giấy đó, thường mang tính chất giao kèo cá nhân, không có giá trị pháp lý như giấy ủy quyền định đoạt tài sản đã được công chứng viên xác nhận. Chủ nhân thực sự của khối tài sản đó không thể biết cũng như kiểm soát được người ủy quyền sẽ làm gì với khối tài sản của mình.
 
Xét về mặt luật pháp, họ hoàn toàn được phép chuyển nhượng quyền sử dụng mục đích cho người khác mà không cần phải qua chính chủ khi đã có giấy ủy quyền được công chứng. “Trở lại với vụ việc của bà giáo Tỵ, đó là lý do tại sao Tâm có thể dễ dàng bán hoặc gán nợ căn nhà của cô giáo mình cho người khác một cách hợp pháp” – LS Mích nói.
 
 
 Tổ P.V

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).