Những hiểm họa đe dọa nữ công nhân

Chia sẻ

Những tai họa như cướp giật, trêu ghẹo, dụ dỗ quan hệ tình dục, thậm chí cưỡng hiếp… vẫn không ngừng rình rập và đe dọa tính mạng của chị em, nhất là trong những ngày tăng ca, làm thêm.

 
Mối đe dọa không thể lường trước
 
Đã có nhiều tai họa giáng xuống, không phải do chủ quan của người LĐ nên chị em khó lường trước. Khá hy hữu là trường hợp bị cướp… tóc của chị Nguyễn Thị Thanh (22 tuổi, quê Thanh Hóa) xảy ra đầu tháng 4 này. “22h hơn tan ca, tôi đạp vội xe về nhà trọ nhưng đến đoạn đường vòng cuối thôn Bầu thì bị hai đối tượng đi ngược chiều áp sát. Dao nhọn lăm lăm trên tay, mũ lưỡi chai sùm sụp che mặt, có gì trên người tôi, chúng lột sạch.
 
Nhưng có lẽ thất vọng vì làm việc khuya, chị em chúng tôi không ai mang nhiều tiền hay tài sản có giá trị, hai tên nhìn tôi trừng trừng rồi một tên giữ chặt tóc để tên kia cầm dao cắt. Đau nhưng tôi không dám khóc to. Cũng may lúc đó có mấy chị em cùng cơ quan đi phía sau, nghe tiếng người xôn xao, hai tên cướp phóng vọt xe đi” – chị Nguyễn Thị Thanh nhớ lại. “Lúc đó hoảng sợ đến mức không thể nói được gì, các chị em đến gần tôi cũng chỉ líu lưỡi ú ớ”.
 
Những hiểm họa đe dọa nữ công nhân - ảnh 1
Những con đường từ nhà trọ đến nhà máy lúc về đêm vắng vẻ có
thể gây nguy hiểm cho nữ công nhân
 
 
Trên cung đường đó, mới chỉ tháng trước, một nữ công nhân trẻ đi làm muộn đã bị trêu ghẹo, gạ gẫm. Chân tay bủn rủn, mặt tái, chị Lê Thanh H. càng cố thoát thân thì đối tượng càng sấn sổ đeo bám... “Đi thêm đoạn nữa đến cuối đường về nhà, một bên là nhà dân, một bên là đường ra đồng, chắc tôi cũng… hết đường”. Nằm nhà chờ em gái, thấy sốt ruột, anh trai chị H. lững thững đi bộ ra đón em. Thoáng nhìn thấy bóng người, chị H. hét to còn gã đàn ông bệnh hoạn cuống cuồng bỏ chạy. Từ sau hôm đó, không chỉ chị H. mà tất cả chị em ở trọ trong khu vực đó không dám một mình về khuya mà phải có sự hộ tống của bạn bè hoặc người thân.      
 
Không chỉ tại Kim Chung mà ở các KCN khác cũng đã xảy ra tình trạng nữ công nhân phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại thân thể trên những cung đường bất an từ nhà đến xưởng thợ. Nhẹ thì là tán tỉnh, trêu ghẹo và có những lời nói, hành động bất nhã; hơn nữa là bị nhòm trộm khi tắm, thay quần áo rồi gạ gẫm, dụ dỗ, đề nghị cho quan hệ tình dục; không được thì cưỡng ép quan hệ tình dục. Ngoài phải chịu đựng nỗi đau về thể xác, tinh thần, các vụ việc này còn trở thành nỗi lo sợ thường trực của nhiều nữ công nhân khác.
 
Kẻ đồi bại - Nguyễn Văn Tuân, SN 1974, trú tại thôn Phú Thụy đã phải “bóc lịch” để trả giá cho hành vi đê tiện của mình nhưng nhiều chị em công nhân không còn dám qua lại trên đường làng thôn Phú Thụy, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm - đoạn qua nghĩa trang xã vào buổi tối. Trước đó, chị Nguyễn Thị B., 29 tuổi là công nhân KCN Phú Thị, sau khi tan ca, đi ngang đoạn đường này đã bị Tuân xô ngã và kéo vào nghĩa trang hãm hiếp. Đau lòng hơn, chị B. không phải là nạn nhân đầu tiên mà cũng tại đây, một nữ công nhân da giày sau khi hết ca về nhà cũng trở thành nạn nhân của Tuân nhưng do xấu hổ và đau khổ nữ công nhân này đã không dám đứng lên tố cáo.

 
Những cặp tình nhân – đích nhắm của các vụ cướp
 
Không cần phải đến cuối tuần mà ngày thường, khi màn đêm bắt đầu buông, ghé thăm KCN Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, HN) mới hiểu rõ vì sao loại án đặc thù có tên gọi: “cướp của các đôi tình nhân” lại mặc nhiên gắn riêng cho các KCN. Sau 20h, chỉ cần đi hết những con đường chính của 3 thôn, đằng sau những khu nhà trọ đông đúc, nơi ánh đèn cao áp không thể “can thiệp” là địa điểm lý tưởng để các cặp đôi đang tuổi yêu đương kề vai tâm sự.
 
Ông Hoàng Đức Khang – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hơn 80% công nhân ở đây là nữ, phần đông đều ở độ tuổi thanh niên, có tới hơn nửa là người chưa lập gia đình. Nhà trọ đông đúc, có bạn trai đến thăm, tâm sự không tiện nên chỉ có rủ nhau ra đường. “Mỗi lần tuần tra, chúng tôi đều yêu cầu và buộc công nhân về nhà, không ngồi chỗ vắng tâm sự, đề phòng cướp giật, nhưng chỉ cần chúng tôi đi khỏi là đâu lại vào đó” – anh Lê Văn Nam, Phó Công an xã chia sẻ.
 
Tương tự như vậy, khu vực cuối phố Sài Đồng, quận Long Biên khá vắng vẻ. Đến 21h, người dân ở đây không dám đi bộ, tập thể dục nhưng vẫn còn thấy nhiều cặp đôi say sưa trò chuyện. Có không ít đôi, bất chấp nguy hiểm, chọn chỗ kín đáo, càng khuất càng tốt, thậm chí “đáp” vào những ngôi nhà đang xây dở dang để tâm sự.  
 
Sự chủ quan đó chẳng khác nào “mang mỡ đến miệng mèo”. Bằng chứng là mấy năm nay hầu như là năm nào cũng có chuyên án trộm cắp, cướp giật tài sản của các đôi tình nhân được phá. Thủ phạm đa phần không phải là người làng, người xã, mà là đối tượng từ nơi khác dạt về hay chính công nhân và các vệ sỹ từng làm việc tại KCN. “Sa cơ lỡ vận”, mất việc làm, các đối tượng vẫn bám trụ tại đây, tối tối mò ra bờ mương, cánh đồng để “hành nghề” hoặc tranh thủ lúc công nhân đi làm, khu nhà trọ vắng vẻ để “khều” quần áo, giày dép...  
 
Chuyên án cướp tài sản vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Đông Anh triệt phá giữa tháng 4 cũng cho thấy, khu vực này vẫn được xem là “mỏ vàng” của bọn tội phạm. Manh động và táo tợn, luôn mang theo hung khí bên mình, phát hiện “con mồi” đang trò chuyện trên các đoạn đường vắng là chúng tiếp cận và tha hồ lục soát. Sự chống cự của nạn nhân gần như là không có hoặc rất yếu ớt vì ba bề bốn bên đều là… đồng không vắng vẻ. 
 
Vì vậy, gần như lần nào ra tay là lần đó các thủ phạm: Nguyễn Đình Thiêm, SN 1988, trú quán tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; Bùi Văn Sơn, SN 1989 và Bùi Trọng Hiệp, SN 1985, đều trú quán tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đều không phải ra về tay trắng. Với thủ đoạn này, trong mấy tháng đầu năm 2012, bọn chúng đã thực hiện trót lọt 5 vụ cướp nghiêm trọng, lấy đi nhiều tài sản có giá trị như xe máy, điện thoại, ví, tiền… mà các công nhân phải vất vả tích cóp mới có được.

Thiếu các biện pháp hỗ trợ công nhân
 
Để triệt phá các vụ án trên, cơ quan CA huyện Gia Lâm, Đông Anh cho biết, phải mất nhiều công sức và thời gian. Việc xác định được thủ phạm khá khó khăn vì chúng thường gây án vào buổi tối, ở chỗ khuất, kể cả nếu không ngụy trang thì nạn nhân cũng khó nhìn rõ mặt tội phạm, nhân chứng cũng không có. “Tội phạm là người làng, người xã không nhiều, chủ yếu là đối tượng nơi khác, hoạt động lưu động như các đối tượng của các vụ cướp tài sản vừa được phá, chúng đều từ Tam Nông, Phú Thọ, gây án xong, ngay trong đêm đã mang tang vật về Phú Thọ tiêu thụ” – ông Lê Nam Thắng, đội trưởng đội CSHS, Công an huyện Đông Anh cho biết.
 
 Cũng giống như tại HN, nhiều tuyến đường về đêm tại KCN Tân Bình, quận Tân Phú; KCX Linh Trung I, quận Thủ Đức luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm từ nạn cướp giật, trấn lột, sàm sỡ phụ nữ… Vì vậy, Liên đoàn LĐ các địa phương trên đã chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên KCN và chế xuất TP HCM tổ chức lớp dạy võ miễn phí cho nữ công nhân giúp chị em phòng thân, tự tin, bình tĩnh đối phó, bảo vệ lẫn nhau khi gặp tình huống xấu... Các lớp học này thường diễn ra trong 3 ngày, những đòn thế tự vệ được huấn luyện rất thực tế, dễ học, dễ tiếp thu, dễ ứng dụng nhất. Từ thành công của lớp học đầu tiên, các lớp tương tự đã từ nhà văn hóa quận xuống tới từng doanh nghiệp và nhận được sự hưởng ứng, quan tâm tạo điều kiện của chủ sử dụng LĐ. Sáng kiến hay của TP HCM hoàn toàn có thể áp dụng và triển khai tại các tỉnh, thành khác, trong đó có Hà Nội.
   Với tính chất phức tạp như vậy nên dù được tăng cường thêm lực lượng, thành lập các tổ tự quản tại các nhà trọ… cũng khó có thể xóa sổ hết cạm bẫy đe dọa công nhân. Trong khi đó, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, vẫn còn không ít doanh nghiệp gần như đứng ngoài cuộc. Tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên chưa được phủ kín nên việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, đối phó với nguy hiểm cho công nhân rất hạn chế, nếu có cũng chỉ thực hiện theo kỳ cuộc nhân các dịp kỷ niệm và cũng chỉ tập trung ở một số KCN lớn.
 
   Các trung tâm trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý và những trợ giúp vật chất lúc cần thiết cũng chưa có hoặc chưa phát huy tác dụng. Những lúc khó khăn, hoạn nạn đó, nữ công nhân chỉ có thể trông đợi và trông cậy vào sự chia sẻ của đồng hương, bạn bè và chủ nhà trọ tốt tính. Ngay tại phiên tòa xét xử tên Nguyễn Văn Tuân, ngoài bạn bè và người nhà, đại diện công ty của nạn nhân không có mặt.
 
   Trong hoàn cảnh đó, trước khi chờ được bảo vệ, chị em nên học cách tự vệ. Theo khuyến cáo của cơ quan công an, chị em tuyệt đối không tìm nơi vắng vẻ để tâm sự và không tâm sự quá lâu, quá muộn; không đi về một mình, không mang tài sản có giá trị như đồ trang sức, điện thoại, xe máy và nhiều tiền theo người khi phải làm thêm muộn, có thể rủ bạn đi cùng hoặc nhờ người thân đến đón về. Chọn khu trọ đảm bảo an ninh, đã được thành lập tổ tự quản càng tốt. Đồ đạc có giá trị, chìa khóa các loại phải cất giữ cẩn thận, trước khi đi ngủ, kể cả vào ban ngày cũng phải luôn luôn kiểm tra hệ thống cửa chính, cửa phụ thật chắc chắn, khóa xe, để tránh mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
 
Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.