Sự thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực quản lí của cán bộ

Chia sẻ

Chỉ trong một tháng, ngôi nhà 5 tầng đã mọc lên. Xây sai phép, thi công ẩu nên nhà vừa xây đã lún, kéo nghiêng 3 hộ liền kề rồi ngả vào ban công nhà hàng xóm.

 
UBND phường khuyên “sống chung” với nhà nghiêng?!
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ căn hộ đang phải làm “điểm tựa” bất đắc dĩ cho nhà nghiêng và nhiều  bà con sinh sống trong ngõ Đại Đồng cho biết, hai năm trước, ông Nguyễn Thành Được mua căn nhà cấp bốn tại ngõ phố này. Ngôi nhà ở vị trí giáp nhà các bà: Đinh Thị Liên (số 26), Vũ Thị Môn (số 24); Nguyễn Thị Nhạn (số 30 B) Nguyễn Thị Thu Hà (số 36).
 
Ngày 17/1/2011, ông được UBND quận Đống Đa cấp phép xây dựng nhà 3 tầng. Đầu tháng 4 ông khởi công thì đến ngày 20/4 đã bị UBND phường Khâm Thiên lập biên bản về hành vi “xây dựng sai với nội dung giấy phép đã được cấp”. Chính quyền yêu cầu ông ngừng thi công, nhưng ông  không chấp hành mà khẩn trương xây lên 5 tầng thô. UBND phường tiếp tục ra quyết định số 23/QĐ-TTXD đình chỉ thi công công trình, yêu cầu ông Được tự dỡ bỏ phần xây dựng sai phép, nhưng ông chỉ dỡ bỏ một tầng.
 
Sự thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực quản lí của cán bộ - ảnh 1
 Bà Vũ Thị Môn: Trước đây hai nhà số 24 và 22 sát nhau,
nay bị công trình nhà 28 kéo tách xa tới gần 30 cm
 
Khi hoàn thành (vào cuối tháng 5/2011), căn nhà mới của ông Được “đứng” cách ban công nhà bà Hà hơn 10 cm. Bà Hà phản ánh, “một sáng cuối tháng 5/2011 tôi ra ban công thì thấy trên mảng tường sân thượng có vết nứt lớn. Tôi càng hoảng hơn khi thấy nhà ông Được “ngoạm” vào ban công nhà mình. Lát sau, các hộ liền kề cũng kêu lên: tường nhà, bể nước bị nứt, không đóng được cánh cửa, lồng sắt phía trước bị bẻ cong. Các hộ nhà bà Muôn, Liên, Nhạn cũng nhận thấy rõ nhà của họ bị công trình nhà ông Được kéo nghiêng theo… Bà Hà 2 lần cắt lan can ban công, mỗi lần bỏ đi 10 cm. Nhưng cắt đến đâu thì nhà ông Được lại đổ sâu sang đến đó.
 
Trở lại ngõ Đại Đồng vào những ngày cuối 4/2012, chúng tôi nhận thấy tình trạng nguy hiểm do công trình nhà 28 gây nên về cơ bản vẫn chưa được khắc phục. Bà Môn cho biết, nhà bà “mang tiếng” được phía ông Được 3 lần cho thợ sang “chát chít”  mà tường vẫn nứt, trần tầng 2 mỗi khi mưa nước vẫn ngấm qua… Bà con trong ngõ cho biết: “Chủ công trình 28 chỉ sửa qua quýt, cốt để báo cáo với chính quyền phường rằng đã khắc phục hậu quả. Chúng tôi nhiều lần liên lạc thúc giục họ thực hiện cam kết nhưng họ tỏ thái độ rất thờ ơ”. Chỉ vào vị trí ban công bị nhà 28 đè lên, bà Hà bức xúc: “Nếu không tựa vào nhà tôi thì nhà ông Được đã sập đổ từ lâu.
 
Vậy mà trong cuộc họp do UBND phường Khâm Thiên vừa tổ chức vào ngày 14/4/2012, lãnh đạo phường vẫn khuyên chúng tôi chấp nhận phương án sống chung với nhà nghiêng. Chúng tôi không đồng ý với nội dung cuộc họp. Tôi  đề nghị nếu nhà 28 không thể kéo đứng thẳng lên được thì phải dỡ bỏ. Phải giải quyết triệt để như vậy thì mới đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân”. Không chỉ bà Hà mà bà Muôn, bà Liên và những người trực tiếp bị nhà 28 gây hại đều có chung đề nghị ấy.
 
Vi phạm trật tự xây dựng không còn là trường hợp hy hữu
 
Tại HN còn nhiều vụ tương tự như vụ việc xảy ra ở ngõ Đại Đồng. Trong nhiều năm qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP  diễn biến phức tạp. Hai năm trở lại đây, TP có sự chỉ đạo quyết liệt nhưng mới chỉ thu được kết quả khiêm tốn: số công trình xây (mới) không phép đã giảm. Còn số vụ sửa chữa, cải tạo không phép, đặc biệt là những công trình xây dựng sai phép vẫn tiếp tục gây bức xúc dư luận. Đơn cử như nhà số 3, ngõ Yên Thế, phường Quốc Tử Gám, quận Đống Đa có lịch sử gần một trăm năm. Khi chủ hộ trên gác tự ý cải tạo thì nhà tầng một bị hư hỏng nghiêm trọng, khiến ông Bùi Doãn Tạo phải đi thuê nhà nơi khác để ở. Lúc ngôi nhà được chính quyền cho phép cải tạo thì mãi vẫn chưa thu xếp được mặt bằng thi công nên đến nay người dân vẫn chưa biết bao giờ mới được “an cư”.
 
Sự thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực quản lí của cán bộ - ảnh 2
Nhà 28 ngõ Đại Đồng bị lún nghiêng, nhìnbằng mắt thường cũng thấy rõ
 
Cũng vì làm liều như vậy mà sau khi được tân trang, căn nhà 5 tầng ở đầu ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng đã từ từ lún, nghiêng rồi sụp đổ, chém vào khu tập thể kế bên làm sạt  4 căn hộ ở tầng 3-4 và đè nát nhà kho của siêu thị điện máy, thiệt hại ước tính lên tới nhiều tỷ đồng. May mà nhà đổ vào giờ tan tầm, mọi người hò nhau chạy thoát nạn. Nếu đổ vào ban đêm thì tai họa khôn lường…
 
Số vụ xây dựng sai phép do chủ đầu tư tự ý chồng tầng nhiều đến mức báo động. Công trình tại ngõ 168 Thụy Khuê, quận Tây Hồ được phép xây 3 tầng – chủ đầu tư xây lên 7 tầng. Công trình ở phố Đặng Dung, quận Ba Đình được cấp phép 13 tầng, chủ đầu tư tự ý chồng thêm tới 8 tầng. Khu đô thị mới ở quốc lộ 32 huyện Hoài Đức do Cty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư. Theo giấy phép các khu nhà liền kề được xây 3,5 tầng; các khu biệt thự được xây 3 tầng, nhưng nhiều căn đã được chủ đầu tư xây lên 5 tầng… Nhà tự ý  cải tạo sửa chữa, nhà xây sai phép không làm ảnh hưởng đến các công trình liền kề đã gây dư luận xấu, thì những công trình đã sai lại  còn gây họa cho các hộ liền kề thì không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn kéo theo nhiều hệ lụy.
 
 
 Hà Nội và TP. HCM đang thực hiện thí điểm mô hình thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường theo Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ. Điều 9, 10 Quyết định này quy định cụ thể trình tự kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm TTXD. Trong vòng 72 giờ (3 ngày) lực lượng thanh tra xây dựng xã phường từ khi phát hiện  có hành vi vi phạm phải lập biên bản ngừng thi công. Nếu chủ công trình vi phạm không chấp hành thì 24 giờ sau phải ban hành quyết định đình chỉ thi công. Đình chỉ rồi mà công trình vẫn tiếp tục xây lên thì phải chuyển hồ sơ lên thanh tra xây dựng quận để trình Chủ tịch UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế dỡ bỏ.
  Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Trần Viết Ngôn, P. Chánh thanh tra Sở Xây dựng HN thẳng thắn chỉ ra: Một là, “chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, thi công không đảm bảo an toàn cho các hộ liền kề; quá trình thi công không thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật; khi xảy ra sự cố thì trốn tránh trách nhiệm”; Hai là, “khi sự việc xảy ra chính quyền xã phường không làm hết trách nhiệm, thẩm quyền”. Các văn bản luật, Nghị định điều chỉnh hành vi vi phạm TTXD đều đã có, nhưng chính quyền cơ sở đã không thực hiện đúng nên mới để xảy ra nhiều “sự đã rồi”.

 Cần xử lý nghiêm những người vi phạm
 
Thực tế cho thấy,việc tháo dỡ công trình khó gấp nhiều lần so với khi xây. Vì vậy mà trong buổi làm việc với PV Báo PNTĐ, khi nói về biện pháp giải quyết sự cố tại ngõ Đại Đồng, ông Bạch Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên đã tỏ ra rất thận trọng. Ông nêu lên 2 bước phường đã, đang và sẽ tiến hành: 1. Xác định trách nhiệm dân sự của chủ công trình nhà 28 đối với hậu quả họ đã gây ra cho các hộ liền kề; 2. Nếu công trình nhà 28 tiếp tục gây nguy hiểm, phường sẽ lập hồ sơ báo cáo UBND quận Đống Đa. Khi UBND quận ra quyết định phá dỡ thì UBND phường Khâm Thiên sẽ chiểu quyết định thi hành.
 
Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra lo lắng, vì trong trường hợp nhà 28 ngõ Đại Đồng phải phá dỡ thì áp dụng biện pháp nào để tránh gây nguy hiểm cho dân và không để xảy ra hiệu ứng đôminô khiến các hộ liền kề bị đổ theo là việc làm vô cùng khó.
 
 Để xảy ra tình trạng vi phạm TTXD gây họa cho dân mà vụ việc xảy ra tại công trình nhà 28 ngõ Đại Đồng là một ví dụ điển hình, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, phần lỗi cần xác định rõ là do sự thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực quản lý của cán bộ phụ trách xây dựng và không loại trừ khả năng có những uẩn khúc khác liên quan đến tiêu cực làm tha hóa cán bộ.
 
Để chấm dứt cảnh người dân phải nơm nớp sống trong nỗi lo nhà sập do công trình xây dựng sai phép gây nên, thì ngoài việc khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật  loại bỏ  nguyên nhân gây nguy hiểm, TP cần có chế tài mạnh xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm. Các cơ quan quản lý phát hiện vi phạm, nhận đơn của người bị hại mà không giải quyết trong thời gian cụ thể cũng cần phải xem xét xử lý theo pháp luật, chứ không chỉ phê bình chung chung, tránh tình trạng ai cũng có quyền nhưng khi sự cố xảy ra thì chẳng ai giải quyết, chẳng ai chịu trách nhiệm, làm khổ người dân.
 
Tổ P.V

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.