Nhật ký mặt trận lần đầu tiên công bố của cố CTQH Lê Quang Đạo

Chia sẻ

Sau khi anh Lê Quang Đạo mất, tôi tìm thấy trong cặp của anh một cuốn sổ nhật ký nhỏ bằng bàn tay, giấy đã ngả màu vàng. Anh đã viết nhật ký này trong thời gian chiến dịch.

 
Mùa xuân 1972. Ngày ngày xe ô tô đưa anh Lê Quang Đạo từ căn biệt thự 28D Điện Biên Phủ, nơi gia đình tôi được cấp từ 1955, đến Tổng cục Chính trị ở trong thành, vẫn đều đặn như bình thường. Chỉ khác là sau ngày 12 tháng 3 năm 1972 xe vẫn chạy nhưng trong xe không có thủ trưởng ngồi, vì anh Đạo đã đi chiến dịch. 
 
Nhật ký mặt trận lần đầu tiên công bố của cố CTQH Lê Quang Đạo - ảnh 1 
Đồng chí Lê Quang Đạo (giữa) tại Mặt trận Quảng Trị (1972)
 
Sau này tôi được biết là anh đi Quảng Trị, làm Chính uỷ kiêm Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. Anh Lê Trọng Tấn là Tư lệnh Mặt trận.
 
Thị xã Quảng Trị nằm giữa một vùng nông thôn trù phú ở bờ nam sông Thạch Hãn có diện tích không đầy 3 cây số vuông và có số dân chưa đầy ba vạn người. Trong thị xã có thành Quảng Trị xây bằng gạch. Chính nơi đây năm 1972 xảy ra cuộc chiến ác liệt (chiến dịch Quảng Trị giữa ta và Mỹ).
 
Đầu năm 1972, Mỹ ném bom lại Hà Nội - Hải Phòng. Anh Đạo thường xuyên ở các chiến dịch cách xa tôi hàng ngàn cây số, nhưng tôi cảm thấy anh luôn ở cạnh tôi, vì giữa các trận đánh anh vẫn tranh thủ viết thư về gia đình:
 
Ngày 16 tháng 4 năm 1972. Tôi nhận được bức thư đầu tiên của Anh:

Tuệ thân yêu,
 
Hôm nay chúng nó ném bom Hải Phòng và Hà Nội. Đó là do nó thua to ở miền Nam. Ta cũng đã có dự kiến từ trước rồi. Nó biết rằng không quân ném bom, không thể nào quyết định được chiến tranh. Nó có kinh nghiệm của Jônsơn rồi. Nhưng Nícsơn cũng chẳng có cách nào khác. Bằng cách ném bom miền Bắc nó hi vọng gây khó khăn trở ngại cho ta, uy hiếp ta và củng cố tinh thần bọn ngụy.
 
Dù bằng cách nào nó cũng chẳng thể gỡ nổi thất bại nặng nề ở miền Nam hiện nay và nhất định nó sẽ còn thất bại hơn nữa. Chỉ có nó ném bom như vậy nhân dân ta không thể tránh khỏi một số thiệt hại. Lúc này có thể Tuệ đương công tác ở Thái Bình. Chắc Tuệ cũng phấp phỏng lo cho các con ở nhà. Tuệ đừng lo. Các con lớn cả rồi, cầm súng đánh Mỹ được rồi. Vả lại còn có các anh ấy nữa. Tuệ nên chú ý giữ bình tĩnh nhé.
 
Anh thông tin cho tôi biết những thắng lợi mới ở Mặt trận.
 
… Ta thắng to lắm chắc Tuệ biết cả rồi. Địch hoàn toàn bị bất ngờ. Nó phán đoán sai hướng tấn công của ta, và đánh giá sai lực lượng của ta, nó tưởng ta đánh chủ yếu ở Tây Nguyên, Trị Thiên và miền Đông Nam Bộ, không thể đánh to được. Nó không ngờ quân ngụy thua nhanh, tan rã mau như vậy. Đòn chủ lực của ta các nơi đều đánh tốt. Phong trào phá bình định, nhân dân nổi dậy ở khắp nơi cũng đã lên đều, nhiều nơi cả ở Khu 5 và đồng bằng Nam Bộ đã bắt đầu mở màn, mở vùng. Địch đương ra sức tập trung lực lượng đối phó, chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ và Trị Thiên là hai nơi nó thấy ta mạnh nhất và nguy cho nó nhất. Cuộc đọ sức giữa ta và địch sẽ diễn ra quyết liệt trong một thời gian dài. Nhưng nhất định ta sẽ thắng to hơn nữa…
 
Tuệ đi công tác như vậy sát với thực tế hơn và có thể khoẻ ra hơn đấy, nhưng cũng cần chú ý giữ gìn sức đấy. Anh Song Hào viết thư cho anh nói các con ở nhà, phong trào tự quản cao lắm. Để đẻ về quê cũng phải. Bây giờ ở Hà Nội đẻ lại thêm sợ máy bay, bom đạn.
 
Anh biết tôi đang ở trong tâm trạng rất lo lắng cho người ở chiến trường nên viết để tôi yên tâm:
 
Anh sức khoẻ vẫn như ở nhà. Công tác vui lắm. Có từng hôm, từng lúc rất căng thẳng nhưng không phải thường xuyên nên nói chung vẫn giữ được điều độ.
 
Chúc Tuệ luôn luôn khoẻ, vui công tác kết quả tốt.
 
Anh gửi lời thăm sức khoẻ thầy, đẻ và cả nhà.
 
Hôn Tuệ rõ nhiều
 
Nguyện
 
 Sau khi anh Lê Quang Đạo mất, tôi tìm thấy trong cặp của anh một cuốn sổ nhật ký nhỏ bằng bàn tay, giấy đã ngả màu vàng. Anh đã viết nhật ký này trong thời gian chiến dịch. Quyển sổ bé xíu nằm gọn trong lòng bàn tay tôi, nét chữ tròn tròn, nhỏ li ti quen thuộc. Tôi lặng lẽ giở những trang giấy đã ngả màu vàng theo thời gian. Hôm nay, ngày 24 tháng 4 năm 2012, tôi ngồi viết những dòng chữ này. Cũng ngày này cách đây 40 năm anh Lê Quang Đạo đã ghi trong Nhật ký của mình.   
 
Nhà văn Nguyệt Tú 
 
 Nhật ký
 
Nhật ký mặt trận lần đầu tiên công bố của cố CTQH Lê Quang Đạo - ảnh 2 
Nguyễn Bắc (1)  
3/72
 
24/4:
 
Quyết tâm mới của Quân uỷ đánh hướng Bắc là chủ yếu, hướng Nam phối hợp trực tiếp. Tất cả đều phấn khởi, thấy như vậy phù hợp với thực tế và trên dưới rất nhất trí.
 
27/4:
 
Sau bao lần chuẩn bị (nên tính từ sau đợt chiến đấu đầu tiên 30/3-5/4 thì 22 ngày, nên tính từ khi bắt đầu chuẩn bị đi vào đánh vừa và nhỏ, tạo điều kiện đánh lớn là từ ngày 14/4), năm giờ rưỡi sáng nay bắt đầu đợt tấn công mới đánh vào Đông Hà, Ái Tử. Bộ đội ta phát triển thuận lợi, nhanh chóng tiêu diệt địch, đánh chiếm hầu hết các điểm cao ở Tây Đông Hà và Tây Ái Tử. Đến hết ngày nay về căn bản đã phá vỡ cụm phòng ngự của địch ở Đông Hà nhưng tiêu diệt địch không gọn vì không chiếm giữ được cầu Lai Phước, không chia cắt bao vây được địch.
 
Hướng Nam đã dứt điểm được động Chùa Giang (điểm 367), ta vây ép địch bỏ chạy. Các đơn vị của (sư đoàn) 324 đã xuống cắt đường, thực hiện bao vây chia cắt chiến dịch.
 
28/4:
 
Hôm nay về căn bản đã tiêu diệt được hết địch từ Đông Hà đến Lai Phước, địch bị thiệt hại nặng, nhất là xe tăng và thiết giáp nhưng bộ binh địch ta diệt không được nhiều và không gọn từng đơn vị lớn, rất tiếc lẽ ra có thể thắng to hơn. Xe tăng ta đánh rất tốt, “Bạch tuộc” (tên một loại tên lửa đánh xe tăng của ta – TG) đánh cũng rất tốt. Bộ binh nhiều đơn vị đánh tốt, nói chung đều chiến đấu rất dũng cảm. nhưng quá trình phát triển có lúc nắm không chắc địch, ta. (Sư đoàn) 308 đánh chưa thật linh hoạt táo bạo, bộ đội còn ỷ lại vào tăng và hoả lực cấp trên. Từ chiều tối nay, (sư đoàn)  304 đánh chiếm cầu Quảng Trị và đánh vào Ái Tử.
 
Làm sao chiếm được cầu này mới chia cắt được địch. Và làm sao cắt được đường từ Quảng Trị đi Mỹ Chánh mới có thể tiêu diệt lớn quân địch. Đã nói chuyện với tất cả các đồng chí phụ trách các hướng về vấn đề này.
 
29-30/4:
 
Tiếp tục đánh địch ở Ái Tử, cắt đường từ Quảng Trị đi Mỹ Chánh và đẩy mạnh hoạt động ở phía đông đơn vị, đánh chiếm đầu cầu phía bắc cầu Quảng Trị chiến đấu vô cùng anh dũng, giành đi giật lại với địch mấy lần, tiêu diệt 2D (tiểu đoàn) địch, phá huỷ 3 khẩu pháo, phá sập cầu. Rất lo các đơn vị phía Nam không cắt được đường, địch chạy mất.
 
Trưa ngày 29/4, từ 12 giờ trở đi ta cắt được đường, địch không đi qua được nhưng anh em chỉ mới đánh xe địch bằng hoả lực mà chưa đánh được tiêu diệt bộ binh địch.
 
30/4:
 
Địch chạy mất khỏi Ái Tử bằng cầu phao. Anh em ta ở đó không biết các đơn vị ta vào Ái Tử, rất tiếc chưa tiêu diệt được nhiều địch ở đây. Các đơn vị chắn đường ở phía Nam Quảng Trị đánh tốt hơn, diệt từng đoàn hàng trăm xe địch tiêu diệt nhiều địch, bắt được nhiều tù binh. Địch lên giải toả cũng thất bại, địch rút đi cũng không được.
 
Tăng thêm lực lượng sang bờ nam sông Quảng Trị để thực hiện bao vây và tiêu diệt địch ở Quảng Trị, La Vang.
 
Nhiều hy vọng thắng lớn, đề phòng tối nay địch chạy mất và phòng địch sẽ bốc bọn chỉ huy đi bằng trực thăng
 
1/5:
 
Hôm qua là vừa tròn một tháng kể từ khi nổ súng bắt đầu chiến dịch.
 
Hôm nay bộ đội ta tiếp tục xuất kích tiêu diệt địch trên đường Quảng Trị, Mỹ Chánh. Địch vẫn không lên giải toả được. Có những đơn vị, đoàn xe địch đi được một quãng bị diệt một bộ phận lại phải quay trở lại. Ta xung phong đánh vào bọn địch ở La Vang - Quảng Trị, địch chạy tán loạn. Được tin 18 giờ hôm qua ta giải phóng quận lỵ Triệu Phong. Các đơn vị ta ở đây vừa ép vào Quảng Trị vừa tiến xuống Hải Lăng hiệp đồng với cánh phía tây. Sáng sớm nay hai chiếc trực thăng bốc bọn cố vấn Mỹ đi mất rồi.
 
Có những tốp địch phân tán nhỏ chạy qua các làng ở phía Đông.
 
Đã điện cho tỉnh uỷ từ trước đề nghị phát động quần chúng nổi dậy và phối hợp với bộ đội bắt tàn binh.
Địch chắc chắn tan nát hết nhưng vấn đề lớn đặt ra là làm sao bắt cho được bọn chỉ huy cấp cao nhất sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn. Một vấn đề cấp bách đặt ra là làm sao nhanh chóng phát triển thắng lợi.
 
14 giờ rưỡi, ngày 1/5/1972 ta giải phóng thị xã Quảng Trị sau gần 26 năm bị Pháp, rồi Mỹ chiếm đóng, kể từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến 1946”...
 
 (1) Nguyễn Bắc là tên bí danh của anh Lê Quang Đạo trong chiến dịch này. 

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.