Một cô gái Hà Nội ghi dấu ấn ở cảng Hải Phòng

Chia sẻ

Do có sự can thiệp của NS Trần Hoàn, tốp chúng tôi gồm 8 người được cử về Đội kịch. Sau này anh Trương Công Lê về, còn lại 7 anh em.

 
Như bóng câu qua cửa sổ, năm tháng trôi đi nhanh quá, vèo một cái đã qua gần nửa thế kỷ. Bảy người về tăng cường cho Hải Phòng ngày ấy, đến nay còn nhõn một mình tôi!
 
Bài viết này muốn nhắc đến một gương mặt bạn bè cùng trong tốp tăng cường cho Hải Phòng ngày ấy... không, không phải chỉ là bạn học, chị như một người chị gái của tôi, chị Đoàn Bích Lân...
 
Một cô gái Hà Nội ghi dấu ấn ở cảng Hải Phòng - ảnh 1
Nghệ sĩ Đoàn Bích Lân trong vở “Cửa mở hé”
 
Khi mới 15 tuổi, được anh Doãn Hoàng Giang đưa đến tập kịch tại Đội kịch Thành đoàn Hà Nội, tôi còn nhút nhát và bỡ ngỡ làm sao. Ở Đội kịch Thanh niên Hà Nội, mọi người gọi chị là “Chị Cả”. Lúc ấy chị chỉ nhỉnh hơn lứa chúng tôi mươi tuổi nhưng chúng tôi xem chị đã là một phụ nữ trưởng thành lắm rồi! Chị luôn là người lo toan mọi việc hậu cần, những công việc không tên của một đoàn biểu diễn nghiệp dư cho anh chị em trong các buổi tập, trong các buổi diễn ở sân khấu ngoài trời cũng như những lần lưu diễn xa Hà Nội. Mà các vai diễn của chị trong các vở chủ yếu của Đội kịch đều là những vai chủ chốt, luôn được chị diễn nghiêm túc và có hiệu quả.
 
Những vai diễn nổi bật khi chị còn đang hoạt động ở Đội kịch Thanh niên Hà Nội, những vai diễn mà sau hơn nửa thế kỷ, mọi người vẫn còn nhớ mãi: bà mẹ trong vở kịch Trung Quốc “Gia đình Cách mạng”, bà Đoán trong “Hỏi vợ” của tác giả Lộng Chương, bà mẹ trong “Rổ cá chim” của tác giả Huỳnh Chinh, vợ bộ trưởng thông tin nguỵ quyền trong “Bức ảnh” của tác giả Nguyễn Văn Niêm...
 
Số phận còn gắn kết tôi với chị khi tháng 2 năm 1961, cả hai đều trúng tuyển khoá diễn viên đầu tiên, trường nghệ thuật sân khấu đầu tiên của nước ta. Bọn chúng tôi đã được thụ giáo những ông thầy giỏi vào bậc nhất nước lúc đó, tự hào khi được đánh giá là thế hệ vàng với những tên tuổi lẫy lừng trên sàn diễn cả nước. Hầu hết học sinh khoá ấy đều được phong nghệ sỹ nhân dân và nghệ sỹ ưu tú ngay từ những đợt đầu tiên và sau này rất nhiều anh chị được giao đảm nhiệm công tác quản lý các đơn vị nghệ thuật và các hội chuyên ngành.
 
Là học sinh trường sân khấu, đương nhiên chị Đoàn Bích Lân là người lớn tuổi nhất so với bọn tôi, những nữ sinh lớp 10 phổ thông vì yêu nghệ thuật mà phá ngang, bỏ học văn hoá để thi vào trường sân khấu. Với tư chất cần cù sẵn có, chị lại vẫn là người “chị cả” trong mọi công việc hậu cần, cơm áo gạo tiền của khoa kịch.
 
Trừ chị Minh Nhu (phu nhân nhà viết kịch Bửu Tiến), và chị Nhị Hà, cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam theo học lớp đạo diễn đã lớn tuổi, còn tất cả lũ chúng tôi, những Mỹ Dung, Kim Yến, Hoàng Yến, Định Tân, Bích Thu, Minh Mẫn, Tú Mai, Kim Thư, Phan Phúc, Ngọc Hiền... chẳng ai bảo ai đều nhất loạt coi chị như một người chị lớn và sẵn sàng “mè nheo” mỗi khi có việc nhờ chị hỗ trợ, nhất là trong những công việc nữ công gia chánh.
 
Chị vốn là một tổ trưởng đan len giỏi nổi tiếng ở khu vực phố Hà Trung – Hàng Da – Hà Nội. Không ít lần, chị đã phải “cầm tay chỉ việc” mỗi khi bọn tôi cầm lấy đôi kim đan len. Nào công thức, nào mẫu đan... tất tần tật những công đoạn hình thành một chiếc áo len. Chưa hết, cả những việc chữa lỗi đan hoặc cắt quần cắt áo, bọn tôi cũng đòi chị xử lý giúp.
 
Thời bao cấp gian khó, tôi thường tự đan lát may khâu quần áo cho con nhờ sự chỉ vẽ của chị. Mà lạ thật, chị sẵn sàng giải quyết hết những công việc mọi người nhờ vả, không một chút khó chịu, ngại ngần... Ngắm lại những bức ảnh của con gái cách nay bốn thập kỷ với xông xênh váy áo xinh đẹp, tôi lại chẳng thể nào quên bàn tay khéo léo của “bác Lân”.
 
Gia đình chị thuộc tầng lớp trung lưu gốc của Thủ đô. Chị là chị lớn trong nhà. Dưới chị còn 3 cô em gái và 2 cậu em trai đang tuổi ăn tuổi học. Khi vào học ở trường sân khấu, chị vẫn tiếp tục công việc đan len để có thêm thu nhập nuôi cha mẹ già và các em. Hơn 50 năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị ngồi cặm cụi vừa đan len, vừa học bài bên ngọn đèn nhỏ trên chiếc giường hai tầng của khu ký túc xá. Bọn tôi, đang tuổi ăn tuổi ngủ đã làm một giấc dài ngay từ chập tối, bất chợt thức dậy vẫn nhìn thấy chị miệt mài như thế...
 
Mùa hè năm thứ 2, bọn tôi có một đợt diễn dài tại tuyến lửa theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Những khi phải vào bếp hỗ trợ anh nuôi, chẳng buổi nào vắng mặt chị, trong khi bọn tôi chỉ luân phiên nhau khi được phân công. Mùa hè khắc nghiệt ở miền Trung khiến chúng tôi, những “tiểu thư Hà Nội” ngần ngại mỗi khi đến lượt “thực thi nhiệm vụ”. Nhưng như một con ong cần cù, chị chăm chỉ cùng với các anh bộ đội lo lắng ngày 4 bữa ăn cho mọi người trong cả chuyến đi, chẳng chút so đo...
 
Mùa thu năm 1964, tôi và chị cùng được phân công trong tốp 7 người về tăng cường cho Đoàn kịch Hải Phòng (khi ấy còn là đội kịch trong Đoàn văn công tổng hợp Hải Phòng). Buồn vì không rõ tại lý do gì mà con gái mình không được công tác tại Hà Nội, nhưng cha mẹ tôi yên lòng hẳn lên vì biết trong tốp đi về Hải Phòng “có cả chị Lân”. Các cụ động viên tôi như vậy.
 
Cùng là dân “Hà Nội lưu vong”, những dịp Tết, phải ở lại Hải Phòng phục vụ, chị em chúng tôi rủ nhau gói bánh chưng – Và chị là người phụ trách mọi công đoạn từ A đến Z. Nhớ những đêm bên bếp lửa bập bùng canh nồi bánh hơn 40 năm trước, lòng vẫn thấy ấm lại như còn đó ngọn lửa năm nào!
Không chỉ là những công việc chăm lo “cơm áo gạo tiền”, chăm lo bữa ăn sáng và các bữa ăn cho mọi người theo tiêu chuẩn bồi dưỡng phức tạp hồi đó. Không chỉ là người chỉ đạo chính trong việc xẻ thịt một con heo 40, 50 kg, tiêu chuẩn thực phẩm của thành phố cấp cho diễn viên theo định lượng, chị còn đảm nhiệm thành công nhiều vai chính trong các vở diễn chủ chốt của Đoàn.
 
Ngay từ ngày đầu tiên về Hải Phòng, chị đã ghi dấu ấn của mình trong vai mụ gián điệp nằm vùng, dưới lốt vợ lão thợ may Phó Ngạc. Khán giả Hải Phòng bất chợt thích thú và phát hiện ra một gương mặt mới trên sân khấu của thành phố khi đi xem vở Lưới thép (đạo diễn Dương Ngọc Đức). Vở diễn đem về “trình làng” tại Hà Nội, chị khiến các thầy hài lòng vì thấy mình đã không uổng công dậy dỗ.
 
Năm 1970, với vai bà vú nuôi Mochia trong vở kịch Liên Xô Masa (vở diễn đầu tiên làm nên tên tuổi của Đoàn kịch Hải Phòng trong giới sân khấu miền Bắc những năm 70 của thế kỷ trước), Đoàn Bích Lân đã khẳng định được chỗ đứng trên miền đất mới, nơi mà chị gắn bó hết mình cho đến năm 1978, ngày chị theo  chồng vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
 
Một cô gái Hà Nội ghi dấu ấn ở cảng Hải Phòng - ảnh 2
Nữ nghệ sĩ Đoàn Bích Lân
 
1971, khán giả thành phố Cảng lại một lần nữa ngỡ ngàng khi chị xuất hiện và thành công trong một vai hài kịch độc đáo: Phu nhân giáo sư Tòng trong “Cửa mở hé” (đạo diễn Trần Hoạt). Vai diễn không chỉ làm hài lòng khán giả miền Bắc khi lưu diễn tại Hà Nội, Nam Định mà trong những ngày đầu giải phóng, tháng 5 năm 1975, khi Đoàn kịch Hải Phòng được giao nhiệm vụ giới thiệu sân khấu miền Bắc XHCN với khán giả phía Nam, vai diễn này của Đoàn Bích Lân cũng lập tức được người xem tán thưởng vì cách diễn hài kịch tinh tế của chị.
 
Có thể nói những thành công trên sân khấu của Đoàn Bích Lân trong hơn 10 năm chị gắn bó với Hải Phòng là những vai diễn đã được mặc định, khó có người thay thế. Có được những thành công đó là nhờ đức tính chăm chỉ, cần cù của một người phụ nữ mẫu mực.
 
Những ghi nhớ về sự khổ luyện nghề nghiệp của chị đã luôn là những ví dụ sinh động cho học sinh mỗi lần tôi có dịp đứng trên bục giảng của trường sân khấu. Biết mình không có nhiều lợi thế về tiếng nói, chị đã để lại những bài học cho lớp trẻ khi lẳng lặng một mình lên tầng thượng của khu tập thể đoàn kịch, tập cười bằng được cho việc thể hiện vai diễn mụ vợ Phó Ngạc.
 
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sáng sớm từ lúc chưa có mặt trời, chị đã một mình trèo lên gác chuông Chùa Hà (Cầu Giấy – Hà Nội), ngôi chùa toạ lạc ngay cạnh khoa kịch trường sân khấu, chỉ để tập một từ “Tư !!!”. Đó cũng chính là tiếng gọi xé lòng của bà má miền Nam cất lên, gọi đứa con trai lầm đường của mình trở về với cách mạng trong “Viên đạn đầu tiên” của tác giả Ngô Y Linh (chùm kịch Nửa đất nước trong đêm). Sự cần mẫn ấy khiến thầy Chu Ngọc nổi tiếng khó tính đã hài lòng và không ngần ngại đặt bút viết số 5 (thang điểm Liên Xô) môn biểu  diễn cho Đoàn Bích Lân.
 
Được biết, khi chuyển vào sinh sống tại miền Nam, chị đã là một giảng viên có uy tín, có công đào tạo nhiều khoá học sinh tại trường Nghệ thuật sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều nghệ sỹ thành danh ở thành phố này đã từng được chị góp phần hướng dẫn từ những buổi đầu tiên.
 
Chị lập gia đình muộn. Buồn là hạnh phúc của chị không được lâu bền. Sau khi theo chồng vào thành phố Hồ Chí Minh, chị đã nuôi con một mình. Như để bù đắp lại, chị đã có một cậu con trai thành đạt, một kiến trúc sư trẻ, điển trai và hiếu đễ, đã tặng mẹ mình đứa cháu đích tôn thông minh và khoẻ mạnh.
Tôi đã dùng đại từ “chị” để nói về nữ nghệ sỹ Đoàn Bích Lân. Bởi vì với chúng tôi, nữ nghệ sỹ mãi là một người chị cả hiền lành đôn hậu và chân thành. Bài viết này chỉ mong được là một bông hồng thắm, chúc thọ nữ  nghệ sỹ khi mùa xuân này, BÀ bắt đầu bước sang tuổi 80...         
    
 Ngọc Hiền
 
Hải Phòng
Ngày 3 tháng 3 năm 2012

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: