Thuê người "quản con": Dịch vụ chào thua… khách hàng

Chia sẻ

Câu chuyện của một nữ thám tử tư dưới đây cho thấy một điều: Khi bố mẹ không là tấm gương sáng cho con thì không có một dịch vụ nào có thể giúp họ "quản con" nên người.

 
Nữ thám tử và vị khách hàng đặc biệt
 
Khi nghe tôi đặt vấn đề tìm hiểu về dịch vụ “làm bạn, quản con” giúp các ông bố bà mẹ bận rộn thời hiện đại, nữ thám tử Ngọc Hoa cười bảo: “Bây giờ các dịch vụ đó nhiều lắm, bình thường thì các gia đình chỉ dừng lại ở việc thuê gia sư hoặc quản gia. Nhưng gia đình nào có con cái đang ngoan bỗng nhiên trở nên bất trị thì hay tìm đến dịch vụ thám tử tư.
 
Thuê người
Để con không hư hỏng, cha mẹ phải là tấm gương tốt
 
Tuy nhiên không phải hợp đồng nào, chúng tôi cũng đều thành công". Hoa kể cho tôi nghe về một hợp đồng mà cô đang thực hiện nhưng buộc phải bỏ dở nửa chừng: “Đầu tháng 3/2012, tôi được công ty giao thực hiện một hợp đồng "gia sư kiêm quản gia" cho một cô bé tên Nga, 12 tuổi. Trong hồ sơ đưa cho công ty, người mẹ này ghi vợ chồng chị sống ly thân được 4 năm nay. Con gái chị hiện đang sống cùng mẹ và không biết chuyện bố mẹ sống ly thân. Chị nói với con là để tiện cho việc học của nó và công việc của bố mẹ nên họ không thể sống cùng một nhà như bao người khác.
 
Nga chấp nhận việc thỉnh thoảng bố về nhà một lần hoặc những ngày nghỉ lại đến căn hộ bố chơi vài ngày. Từ nhỏ đến lớn, con gái chị tương đối ngoan, học giỏi nhưng một năm trở lại đây nó trở nên khác thường, bướng bỉnh, hay cãi mẹ, liên tục bỏ học.
 
Những ngày tiếp xúc với Nga, cảm nhận của tôi đó là một cô bé sống tình cảm. Trong phòng riêng của Nga dán rất nhiều bức tranh do em tự vẽ. Đó là những bức tranh gia đình hạnh phúc, có bố mẹ và em đang làm rất nhiều việc: đi chơi, mua sắm, nấu ăn…  
 
 Hiện nay, công ty tôi nhận được không ít hợp đồng thuê dịch vụ “quản con” của nhiều bậc cha mẹ. Trong số đó, chúng tôi phải bỏ dở không ít hợp đồng lớn vì biết trước mức độ thành công sẽ không nhiều. Những bậc cha mẹ không hiểu thì cho rằng chúng tôi không có năng lực biến “trẻ hư thành trẻ ngoan”. Hơn ai hết họ phải hiểu rằng trách nhiệm dạy con thuộc về bố mẹ và họ là tấm gương cho con soi để bước vào đời. Nếu tấm gương ấy mờ đi thì đừng hi vọng một dịch vụ nào đó sẽ “quản” và dạy dỗ được con mình – Ông Nguyễn Minh Long – GĐ Công ty Thám tử VDT.
    Một lần giúp Nga dọn dẹp lại bàn học, tôi vô tình nhìn thấy một tập ảnh cô bé chụp cùng bố mẹ. Tò mò lật thử vài tấm, tôi phát hiện bức ảnh nào em cũng dùng bút chì gạch vào mặt bố mẹ. Tối hôm đó, khi biết mẹ sẽ đi công tác trong vài ngày tới, em nói với thái độ bức xúc: “Đi công tác gì, thực chất là đi chơi với bồ!”. “Sao em biết?”. “Vì mấy lần trước mẹ cũng nói thế nhưng thật ra là mẹ đến ở với người đàn ông gần nhà bạn em”.
 
   Đêm đó, cô bé kể cho tôi nghe về bí mật cuộc sống của bố mẹ mà em vô tình phát hiện được: Một lần đến nhà bạn chơi, em tình cờ bắt gặp mẹ đi cùng với một người đàn ông rất tình cảm. Ban đầu em tưởng mình nhầm vì lúc sáng mẹ bảo đi công tác TPHCM một tuần. Nhưng ngôi nhà mà và người đàn ông đó vào lại nằm ngay sát nhà bạn em vì thế cả ngày hôm đó em đã chứng kiến cảnh họ đi ra đi vào rất nhiều lần.
 
Từ đó, mỗi lần mẹ nói đi công tác là em lại tìm đến nhà bạn để theo dõi và lần nào cũng đều bắt gặp mẹ ở đó. Lần đầu tiên, em sốc nặng nên đã tìm về bên bố. Nhưng thật oái oăm cũng chính lần đó em phát hiện ra bố cũng đang sống cùng với một người phụ nữ khác. Hóa ra cuộc sống mà bố mẹ tạo dựng cho em từ trước đến nay là giả dối”.

Con hư do soi phải gương mờ
 
Câu chuyện của Nga kể khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định tìm hiểu về đời tư của bố mẹ cô bé. Không còn tình cảm nhưng vì nhiều lý do nên cuộc hôn nhân của họ vẫn chưa thể chấm dứt, và phương án sống ly thân được cho là hợp lý trong hoàn cảnh của họ lúc bấy giờ.
 
Người mẹ hiện đang có tình nhân vốn là Việt kiều về đầu tư làm ăn trong nước. Thỉnh thoảng ông ta lại về nước một tuần để kiểm tra công việc. Đó là lý do người mẹ thường có những chuyến công tác dài ngày đột xuất, chị cứ nghĩ làm thế thì con gái sẽ không biết. Về phần người bố cũng bồ bịch, sống buông thả nhưng vẫn cố đóng tròn vai là ông bố tốt mỗi lần ghé về nhà thăm con.
 
Những ngày Nga còn nhỏ, màn kịch của họ tương đối thành công. Tuy nhiên, khi em bước vào tuổi dậy thì, tâm hồn nhạy cảm của cô bé bị tổn thương nặng khi phát hiện ra cuộc sống giả dối của bố mẹ. Cô bé càng có điều kiện để sa đà hơn khi được bố mẹ thường xuyên cho những món tiền lớn. Trong suy nghĩ của bố mẹ Nga, tiền là thứ đền bù  thiệt thòi cho con tốt nhất.
 
Tôi đã thử nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ cô bé nhưng không nhận được sự hợp tác của họ nhiều. Sau một thời gian nỗ lực, tôi về báo cáo với công ty và xin bỏ dở hợp đồng nửa chừng vì thấy mình không thể giúp cô bé từ bỏ những thói hư tật xấu khi chính bố mẹ em là tấm gương mờ bên cạnh.
 
Bảo Nam (ghi)

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.