Người phụ nữ bình dị phía sau một chính khách

Chia sẻ

PNTĐ-Dường như với bà, không có gì có thể trở nên nặng nề, đúng hơn bà đã biết vượt qua những điều đó, để mọi thứ được hóa giải một cách đơn giản nhất.

 
“Tôi cũng mong muốn qua những trang viết sẽ nói lên những cảm nghĩ, suy tư, những cảm xúc mạnh mẽ, sâu sắc của lớp thanh niên Việt Nam ở thế hệ tôi trong giai đoạn đấu tranh cách mạng vô cùng gian khổ nhưng hết sức vinh quang...” - Đó là tâm sự của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại buổi ra mắt hồi ký của mình.
 
Ước mơ thành bác sĩ để chăm sóc mẹ
 
Rất hiếm hoi để bắt gặp những tình tiết lãng mạn trong cuốn hồi ký, nhưng chính sự dung dị của nó đã chạm đến cảm xúc người đọc. Cô gái 16 tuổi ngày ấy đã có những mơ ước thật bình dị: “Trước đây tôi mong ước sau khi học xong tú tài sẽ xin học trường Y , trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo. Sở dĩ tôi có ý nghĩ và mong ước đó là vì tôi thấy bác sĩ đến chữa bệnh cho mẹ tôi tuy đã được trả tiền nhưng không sốt sắng và tận tâm, gia đình phải cầu cạnh họ. Có lẽ chúng tôi không gặp được những bác sĩ tốt…”. Bà nhớ về kỷ niệm khiến mình đi đến suy nghĩ về nghề nghiệp sau này khi còn trẻ.
 
Có điều đó là vì bà đã phải chứng kiến một sự kiện khá buồn, khi vượt cả ngày đường từ PhnomPenh về Sài Gòn thăm mẹ bệnh tại Đa Kao, khi bà vừa thiếp đi vì mệt mỏi của chặng đường thì người giúp việc đã gọi dậy thông báo mẹ bà đã ra đi. Đó cũng là sự kiện đánh dấu sự kết thúc của những ngày bình yên của gia đình.
 
Người phụ nữ bình dị phía sau một chính khách - ảnh 1 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký sách tặng độc giả
tại buổi ra mắt hồi ký của mình
 
Tình yêu mãnh liệt và bền bỉ của mối tình đầu được cô gái gửi trao cho một chàng sinh viên Bách khoa, sau này anh trở thành một người lính công binh. Một cuộc tình kéo dài 9 năm, đúng bằng thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp. 9 năm đằng đẵng bà chỉ nhận được một mẩu giấy nhàu nát ghi vẻn vẹn một dòng chữ: “Chúc em và gia đình mạnh khỏe”.
 
Khó có thể coi đó là một bức thư, dù là trong thời chiến nhưng vì nó bà biết người mình yêu vẫn nhớ đến mình. Yêu say đắm, chân thành đến mức dù biết rằng không biết kháng chiến khi nào mới thắng lợi để có cơ hội gặp nhau, dù tổ chức đã gợi ý rằng xa xôi cách trở thế liệu có nên chờ đợi, thì bà vẫn tự nhủ “nếu có ai mà tôi yêu hơn anh Khang thì tôi sẽ tính, còn quả thật tới lúc đó trong lòng tôi vẫn chỉ có anh là duy nhất.”
 
Thế rồi 9 năm sau, khi bà tập kết ra Bắc, họ đã làm lễ kết hôn tại số 2, Đinh Lễ, Hà Nội. Cuộc hôn nhân có cha bà dự và được Bộ trưởng Bộ Thương binh xã hội khi ấy trực tiếp làm chủ hôn.
 
Thương em, thương con nhưng phải nén tình riêng
 
Là chị cả trong nhà, khi mẹ mất bà hiểu rằng trách nhiệm chăm sóc các em của mình sẽ nặng nề hơn. Phong trào kháng chiến lên cao, cha bà rời PhnomPenh đưa các con về nước. Vừa tham gia hoạt động cách mạng, bà đã cùng cha chăm sóc dạy dỗ năm người em. Dành trọn tình cảm cho một người, cũng là mối tình đầu, thế nhưng khi có cơ hội để đến với người ấy khi có đoàn cán bộ từ Nam Bộ ra Trung ương muốn tạo điều kiện để bà đi cùng, để được gặp người yêu, thì bà lại đứng trước sự cân nhắc để rồi câu trả lời là không. Chẳng phải đã có ai khác khiến trái tim bà rung cảm mà là: “vì anh Khang không có tôi chắc có thể tìm người khác, còn các em tôi, không có tôi sợ chúng khó sống”. Cho đến giờ bà vẫn không hề hối hận về quyết định ấy. Nhưng rồi như là duyên nợ, họ vẫn đến được với nhau.
 
Người phụ nữ bình dị phía sau một chính khách - ảnh 2 
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
 
Những đứa em thơ là nỗi lo canh cánh trong bà suốt chặng đường hoạt động cách mạng. Sau này, khi các em đã trưởng thành và khi bà đã làm mẹ thì tình thương yêu, lo lắng ấy được chuyển sang các con. “Có đồng chí hỏi tôi, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được Đảng, Nhà nước giao phó, tôi có khó khăn gì nhất? Khó khăn thì không ít, nhiệm vụ được giao luôn cao hơn sức mình… Nhưng có một khó khăn mà tôi không vượt qua được và tôi cho là một sự hi sinh của mình: đó là việc chăm sóc hai con tôi”.
 
Nặng tình với những người dân lao động
 
Năm 1946, lúc này cả nước bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, địch tăng cường bố ráp, những người cùng hoạt động đến ở cùng gia đình bà tại đền thờ Cụ Phan ở Đa Kao, Sài Gòn. Lúc này gia đình rất khó khăn về tài chính. “Để nuôi sống mấy chục con người ở Đa Kao, chúng tôi phải làm đủ nghề, kể cả đi xúc chai ở các xí nghiệp. Thấy bên cạnh nhà thờ Cụ Phan có mấy căn phố, tôi mở tiệm bán gạo, nước mắm và đủ thứ linh tinh như trứng vịt, cà chua, hành tỏi”. Người chị lớn trong gia đình quen được lo lắng, bao bọc đã phải đứng ra kiếm tiền nuôi các em và giúp cho tổ chức.
 
Dù sinh ra trong gia đình công chức, không phải chịu cảnh lam lũ nhưng bà luôn gần gũi, cảm thông và thấu hiểu với người lao động. Sau này, khi hoạt động phụ nữ tại Sài Gòn, tổ chức đã sắp xếp cho bà xuống ở với một gia đình ở Lái Thiêu, hàng ngày phải lo cơm nước, dọn dẹp và quét lá vườn cây. Thời gian công tác tại Trung ương Hội phụ nữ bà cũng có điều kiện đi xuống các địa phương miền Bắc tìm hiểu về đời sống người phụ nữ nông thôn trước khi đặc trách sang làm công tác ngoại giao. Vì thế, trong bà, nhân dân là hai tiếng gần gũi như thể những người thân xung quanh mình.
 
Không như nhiều người khác ra hồi ký thường có người chấp bút, toàn bộ cuốn sách do tác giả tự thể hiện, văn phong ngắn gọn, rõ ràng, khúc chiết, ít có những trang dòng sa đà vào đời sống riêng tư, mọi thứ được kể lại với một giọng điệu trung hòa, tĩnh tại. Dường như với bà, không có gì có thể trở nên nặng nề, đúng hơn bà đã biết vượt qua những điều đó, để mọi thứ được hóa giải một cách đơn giản nhất. Và có lẽ chính điều đó đã tạo nên sức mạnh của một phụ nữ chính khách vượt lên những lo toan đời thường.
 
Nguyễn Xuân Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.