Nặng về thu thuế, nhẹ phần dân sinh

Chia sẻ

PNTĐ-Trong khi đời sồng người dân còn nhiều khó khăn thì việc đề nghị giảm mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và thu hẹp các đối tượng giảm trừ gia cảnh là chưa thuyết phục.

 
TNCN – vấn đề động chạm đến quyền lợi đông đảo người dân một lần nữa lại trở thành vấn đề gây tranh cãi khi mà chính sách thuế đang tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Khi mới đây, trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN, Ủy ban Tài chính ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) đã đề nghị hạ mức khởi điểm chịu thuế TNCN từ 9 triệu đồng theo đề xuất của Chính phủ xuống còn 7 triệu đồng; mức GTGC là 2,8 triệu đồng/tháng thay cho mức 3,6 triệu đồng như đề nghị và mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp nhằm mở rộng đối tượng chịu thuế để tạo sự công bằng, mọi đối tượng có thu nhập đều phải đóng thuế cũng như không làm cho ngân sách Nhà nước bị “hụt” khoảng 5.000 tỉ đồng.
 
Nặng về thu thuế, nhẹ phần dân sinh - ảnh 1
Với mức lạm phát tăng cao như những năm qua, thu nhập thực tế của
người làm công ăn lương giảm chứ không tăng.   Ảnh: N.T
 
Thuế chồng thuế
 
Trong lúc mà hàng triệu người đóng thuế TNCN chưa kịp thấm niềm vui nhờ được miễn giảm thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm 2012 thì thông tin trên đưa ra chẳng khác nào “gáo nước lạnh” dội vào họ và cả không ít các chuyên gia kinh tế. TS Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn quá khó khăn, lạm phát cao, sức mua giảm như hiện nay, việc làm, thu nhập và đời sống của rất nhiều người lao động đang chịu tác động mạnh thì lý lẽ đưa ra để bảo vệ cho việc mở rộng đối tượng chịu thuế không hợp tình, hợp lý. 5.000 tỉ đồng mất đi do điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế đã được cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính tính toán rất chặt chẽ và khẳng định rằng, chỉ cần tiết kiệm, có thể tăng thu ở những chỗ khác thì hoàn toàn có thể bù đắp được.
 
Hơn nữa, số liệu thống kê sau 3 năm thực hiện thuế TNCN cho thấy, có đến 2/3 những người nộp thuế TNCN là người làm công ăn lương, cán bộ công chức sống bằng lương, nhận tiền công, tiền lương qua sổ sách, chứng từ. Đông người đóng nhưng số tiền thuế nộp không lớn so với tổng thuế thu từ lương, tiền công (chiếm khoảng 10%). Vì thế, dù có mở rộng đối tượng thì phần thu thêm cũng không thể cải thiện cho nguồn thu ngân sách Nhà nước là mấy. Trong khi một bộ phận đáng lẽ phải đóng thuế với mức khấu trừ cao như những người kinh doanh bất động sản, buôn bán bên ngoài thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng mà không cần chứng minh thu nhập, không thể hiện trên sổ sách thì lại được bỏ qua một cách dễ dàng.
 
Chưa hết, báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2012 mới được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thực hiện đã cho thấy, người dân VN đang phải gánh quá nhiều các thuế, phí, trong đó nhiều khoản bị đánh chồng chéo dẫn đến thuế trùng thuế. Đơn cử, người lao động đã đóng thuế TNCN nhưng đến khi nhận cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông lại phải đóng tiếp thuế TNCN; tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu thường xuyên chịu thuế giá trị gia tăng ở mức cao... Trong biểu tính thuế TNCN hiện nay, có nhiều khoản như tiền đồng phục, tiền xăng xe… trong thu nhập hàng tháng đáng lý cần được miễn trừ nhưng lại bị “nhét” chung vào một “rọ”...
 
Mở rộng diện chịu thuế TNCN trong hoàn cảnh này không phải là cách khôn ngoan, trái lại - theo TS Cao Sỹ Kiêm có thể sẽ rơi vào tình trạng lợi bất cập hại. Tác động dễ nhận thấy nhất trước mắt là thu nhập giảm vì lạm phát, thêm thuế cao sẽ khiến người dân thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho không được giải phóng, doanh nghiệp càng bị đẩy vào đường cùng… Các ngả đường thoát khỏi khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế gần như bịt kín.

Siết chặt giảm trừ gia cảnh là thiếu thực tế
 
Luật Thuế TNCN đã quy định rất rõ mức GTGC bao gồm 2 phần: với người nộp thuế và với những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định bao gồm bố mẹ không có lương hưu hoặc có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng, con đẻ và con nuôi dưới 18 tuổi... Vì thế có bao nhiêu người phụ thuộc thì người nộp thuế sẽ giảm trừ bấy nhiêu. Mức giảm trừ theo tờ trình của Chính phủ được nâng lên 3,6 triệu đồng/tháng/người. Nhưng, khi qua cơ quan thẩm tra luật, quy định này được hạ thấp bằng việc chỉ cho phép mỗi người nộp thuế được giảm trừ cho 2 trường hợp phụ thuộc và mức giảm trừ còn 2,8 triệu đồng.
 
 Ý kiến này, ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Bác Nguyễn Thị Dần – thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm nói, “nếu gia đình nào có 2 người con đã “gánh” đủ 2 người phụ thuộc, còn bố, mẹ già hoặc giả gia đình đó có thêm đứa con thứ 3 phải chịu. Có thể hiểu, đã nuôi bố mẹ thì khỏi nuôi con và ngược lại. Đề xuất này hoàn toàn không phù hợp với đạo lý, truyền thống của gia đình và hoàn cảnh của người Việt Nam”. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi và trẻ em hiện nay chưa thực sự tốt để có thể sẵn sàng hỗ trợ cả về vật chất, chăm sóc sức khỏe và tinh thần.  
 
Như vậy, giỏ chi tiêu hàng tháng từ thu nhập của những người làm công ăn lương không chỉ có chuyện ăn, uống hàng ngày mà là hàng trăm thứ bà rằn khác như chi phí cho các loại bảo hiểm, giáo dục, y tế, tiền nhà, tiền điện, nước, nghĩa vụ với cha mẹ và một số nhu cầu giải trí tối thiểu khác… Với những người ở ngoại thành, nông thôn, mức khởi điểm 9 triệu đồng có thể là cao nhưng tại các TP, không cần chờ đến tháng 7/2013 – khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực mà ngay trong giai đoạn hiện nay, chỉ cần vài lần điều chỉnh giá xăng, giá gas, viện phí… như vừa qua, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã thiết lập mặt bằng mới, chỉ số giá tiêu dùng đã bị tác động thì số tiền trên đủ để người lao động lo cho cuộc sống của mình. Phần dư để tích lũy gần như là không có hoặc rất ít.
 
Vì thế, thu hẹp đối tượng và các mức GTGC như đề xuất của Ủy ban Tài chính ngân sách chẳng khác nào “làm nghèo” những người có thu nhập trung bình trong khi Nhà nước lại phải chi ra hàng tỷ đồng hỗ trợ ngược lại để nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ và con em như triển khai dự án nhà ở xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…

Cần khoa học hơn khi tính thuế TNCN
 
Một trong những lo ngại của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khi xem xét tờ trình của Chính phủ là nâng mức khởi điểm chịu thuế, tăng thêm mức GTGC sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế vô hình trung làm sai lệch bản chất của thuế TNCN và chuyển thành thuế thu nhập cao. Đây sẽ là bước lùi trong việc thực hiện và ban hành chính sách.
 
Tuy nhiên, những người tham gia soạn thảo dự thảo sửa đổi thuế TNCN cũng có cái lý của mình khi đưa ra mốc khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng và nâng mức GTGC. Con số này được đưa ra cho năm 2013, ở đó đã có cả phần trượt giá, lạm phát và tăng lương tối thiểu hàng năm. Hơn nữa, bài học của mốc khởi điểm “cứng” 4 triệu đồng khi cơ quan soạn thảo đưa vào Luật Thuế TNCN cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Do quá lạc hậu so với thực tế nên 3 năm qua, có lẽ đây là đạo luật khiến Quốc hội khá chật vật với 2 lần ra nghị quyết miễn thuế TNCN vào các năm 2009 và 2011 và nay là yêu cầu sửa Luật Thuế TNCN với thời gian áp dụng dự kiến sớm hơn 6 tháng so với đề xuất.
 
Vì thế, TS Kiêm cho rằng, nếu không có sự tính toán kỹ dựa trên các cơ sở khoa học có tính thuyết phục để đưa ra mức khởi điểm chịu thuế hợp lý thì không ai dám chắc, dự thảo luật lại sẽ nhanh chóng lạc hậu và bị dư luận phản đối do mức khởi điểm không còn phù hợp cho các giai đoạn tiếp theo sau 2015 khi thu nhập người dân đã khá hơn, mức lương tối thiểu được điều chỉnh.
 
Cùng với việc sửa đổi mức khởi điểm, GTGC, TS Kiêm và các chuyên gia đều cho rằng, đã đến lúc phải dãn bậc thuế lũy tiến. Với 7 bậc như hiện nay, khoảng cách giữa các bậc thuế quá hẹp và quá dày. Mức thuế bậc 1 (thấp nhất) là 5 triệu đồng và bậc 7 (cao nhất) là 80 triệu đồng - cách 16 lần, trong khi khoảng cách bậc thuế của Trung Quốc là 53 lần, Thái Lan 27 lần sẽ khiến tác dụng điều chỉnh thuế TNCN gần như không thay đổi đáng kể. Từ 0 đến 5 triệu đồng/tháng người có thu nhập chỉ phải chịu mức thuế 5%, nhưng chỉ vừa tăng thêm vài trăm nghìn đồng, họ đã rơi ngay vào mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng và phải chịu mức thuế suất cao gấp đôi (10%). Vì thế nên nới lỏng khoảng cách giữa các biểu thuế hoặc giảm mức thuế suất giữa các bậc từ 5% xuống còn 3% để hỗ trợ cho những người nộp thuế.
 
Còn về lâu về dài, tối ưu nhất, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để Luật thuế TNCN sửa đổi không bị lạc hậu từ khi chưa áp dụng, không nên đưa một con số cứng vào Luật mà dựa theo mức lương tối thiểu, nâng mức khởi điểm chịu thuế lên gấp 10 lần lương tối thiểu chung để khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu thì người lao động trong các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi và việc điều chỉnh thuế sẽ dễ dàng hơn.
 
 Số liệu thống kê của Tổng cục dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, số lượng người cao tuổi có lương hưu, sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội mới là hơn 20%. Khoảng 70% số người cao tuổi còn lại phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình.
 
Việt Bách

Tin cùng chuyên mục

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).
Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

(PNTĐ) - Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.