Phụng dưỡng bố mẹ già: Nghĩa vụ hay đạo làm con?

Chia sẻ

PNTĐ-Từ khi đọc được vụ việc cụ Ngô Vi Nhân 87 tuổi bị các con đùn đẩy trách nhiệm "vứt" nằm ngoài vỉa hè, tôi thật sự muốn biết cuối cùng câu chuyện này sẽ như thế nào?

 
Sự việc xảy ra sau 2 tháng nằm viện, cụ Nhân bị các con đưa về nhà con dâu cả. Nhưng cô dâu cả không đồng ý cho cụ vào nhà với lý do đã nuôi mẹ chồng nên không thể nuôi cả bố chồng. Sau một hồi đôi co, kết quả ông cụ bị các con trải chiếu cho nằm vỉa hè phơi nắng từ sáng, 8h tối, mới được cô con gái thứ hai đón về.
 
Khi biết rõ hơn hoàn cảnh của cụ Nhân và cuộc sống hiện tại của các con cụ, tôi thật sự buồn trước sự xuống cấp của đạo làm con thời nay. Vợ chồng cụ Nhân sinh được 4 người con (hai trai, hai gái) tất cả đều được ăn học đàng hoàng và có cuộc sống ổn định, kinh tế vững vàng; thậm chí còn có địa vị xã hội. Trách nhiệm nuôi bố, mẹ khi về già được chia đều cho hai người con trai: con cả nuôi mẹ, con út nuôi bố.
 
Từ ngày anh con cả mất đi, việc nuôi dưỡng bố, mẹ vẫn diễn ra bình thường. Cho đến khi cụ Nhân ốm đau, bệnh tật, việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các con cái bắt đầu xảy ra. Kết quả là cụ già không thể tự chăm sóc nổi bản thân ấy bị các con "vứt" ngoài vỉa hè trong bất lực, xót xa. Thậm chí khi sự việc được dư luận lên tiếng, đám con cháu của cụ lần lượt lên tiếng tố cáo nhau mà không một lời hối lỗi về việc làm mất đạo đức của mình.
 
Tôi cũng có một chị gái 70 tuổi bỗng nhiên trở thành "kẻ ở nhờ" hết nhà con này đến con khác sau khi sang tên cho con cái toàn bộ tài sản của mình. Trước đây, hai vợ chồng bà sở hữu gần 1000m2 đất, đó là công sức khai hoang, tôn tạo mấy chục năm của ông bà. Chồng mất sớm, bà tảo tần ở vậy nuôi ba đứa con (hai trai, một gái) trưởng thành.
 
Khi chúng thành lập gia đình, bà bán đất rồi xây cho mỗi đứa một căn nhà khang trang. Số tiền dư thừa, bà cho con mua sắm tiện nghi đầy đủ, chỉ trừ lại cho mình một khoản tiền để dưỡng già. Rồi khoản tiền đó cũng bị các con "mượn" mỗi đứa một ít để đầu tư làm ăn. Đứa nào cũng bảo bà giữ tiền làm gì, ăn uống, ốm đau đã có các con lo.
 
Từ ngày bà chuyển quyền sở hữu đất đai hết cho các con, sống với đứa nào bà cũng bị chúng xem là "kẻ ở nhờ". Trong những ngôi nhà khang trang ấy, khi bố trí công năng sử dụng tuyệt nhiên không một ngôi nhà nào có chỗ dành cho bà. Gần 4 năm nay, bà lúc thì ở nhà con cả, lúc ở nhà con thứ; có lúc về nhà con rể ở vì "tiền dưỡng già nó mượn nhiều nhất".
 
Mỗi lần nghe các con đùn đẩy trách nhiệm, đẩy qua đẩy lại việc phụng dưỡng mẹ khi đau ốm, bệnh tật, bà không khỏi đau lòng. Đã có lúc bà tâm sự với tôi rằng sẽ đòi lại hết số tiền dưỡng già cho các con mượn trước đây, mang đóng vào nhà dưỡng lão rồi vào đó sống cho tới lúc chết; chứ sống kiểu nay nhà này mai nhà khác như bây giờ vừa khổ tâm vừa khổ xác.
 
 Hai câu chuyện trên khiến người ta phải giật mình về vấn đề phụng dưỡng bố mẹ già trong xã hội hiện nay. Chuyện "già cậy con" như đạo lý phải chăng đã không còn? Liệu đã đến lúc mỗi bậc làm bố mẹ nên hoạch định sẵn “tương lai già” của mình? Hay hệ thống luật pháp cần chặt chẽ và tăng chế tài hơn nữa để mỗi một bậc làm con không thể chối bỏ nghĩa vụ đối với bố mẹ? Mời bạn đọc cùng Phụ nữ Thủ đô tham gia thảo luận để có cái nhìn thấu đáo hơn trong vấn đề này.
 
Trần Văn Thạch
(Cầu Giấy, HN)

Tin cùng chuyên mục

Vợ đẹp con khôn sao chồng vẫn ngoại tình?

Vợ đẹp con khôn sao chồng vẫn ngoại tình?

(PNTĐ) - Trong cuộc sống, không ít trường hợp đàn ông có gia đình êm ấm, vợ xinh đẹp, giỏi giang nhưng lại ngoại tình với “con giáp thứ 13” già, xấu hơn “chính thất”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đàn ông chấp nhận đánh đổi mọi thứ để chạy theo một người phụ nữ có nhiều mặt thua kém vợ?
Phụ nữ sao không thể độc thân?

Phụ nữ sao không thể độc thân?

(PNTĐ) - Bữa đó, Lê về nhà, nhìn mặt bố mẹ, cô biết ngay ông bà đang giận mình. Quả nhiên, khi Lê xuống bếp giúp mẹ nấu cơm thì bà vùng vằng, nói dỗi: “Hai thân già này có thể tự lo cho nhau, không khiến cô suốt ngày quanh quẩn quanh chúng tôi. Cứ mãi thế này, tôi và bố cô chết không nhắm được mắt”.
Trầm cảm trẻ em và vị thành niên

Trầm cảm trẻ em và vị thành niên

Liên tiếp các vụ trẻ vị thành niên tự sát xảy ra trong thời gian qua làm dấy lên một nỗi lo ngại của xã hội về vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên. Trong đó trầm cảm – căn nguyên phổ biến nhất dẫn đến tự sát ở lứa tuổi này đã được đề cập nhiều.