Sinh con và nỗi lo của sản phụ

Chia sẻ

PNTĐ-Tâm lý sinh con năm Rồng đang tạo sức ép đến bệnh viện lẫn tâm lý của các sản phụ. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay số ca tai biến sản khoa đã tăng đột biến.

 
Càng cuối năm, càng quá tải
 
TS. BS Nguyễn Mạnh Trí, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp - BV Phụ sản Hà Nội cho biết: “Trong 8 tháng đầu năm 2012, BV tiếp nhận 27.440 ca đẻ (tăng gần 5.000 ca so với cùng kỳ năm 2011). Cuối năm, dường như áp lực quá tải càng khủng khiếp hơn. Dự báo, số trẻ ra đời tại bệnh viện có thể lên đến trên 40.000 cháu”.
 
Chưa đến 7h sáng, tại các phòng khám sản khoa tại BV Phụ sản HN đã đông chặt người. Sản phụ và người nhà – mỗi người một kiểu – đứng, ngồi, đi lại lộn xộn trước cửa phòng khám. Chiếc quạt hoạt động hết công suất cũng không thể xua hết sự ngột ngạt, nhiều sản phụ mồ hôi nhễ nhại.
 
Sinh con và nỗi lo của sản phụ - ảnh 1
Trẻ sơ sinh nằm ghép nôi tại BV Phụ sản TƯ
 
Trước đây, BV chỉ có hai tòa nhà A và B với 150 giường điều trị, 300 bác sĩ, cán bộ y tế. Năm 2001, có thêm khu nhà C, năm 2006 lại xây tiếp khu nhà D, nâng tổng số giường lên 437 nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Khu dịch vụ lúc nào cũng chật kín người và khó có thể “đặt gạch” trước. Vì quá đông sản phụ nên BV tận dụng mọi khoảng trống hành lang để kê thêm 300 giường.
 
Có mặt tại khoa Sản, nhà G, BV Phụ sản TƯ, chứng kiến hầu hết các giường bệnh đều có đến 3, 4 sản phụ/giường. Người nằm chờ đẻ, kẻ “ngồi” dưỡng thai, nhiều sản phụ bệnh lý phải theo dõi đặc biệt.
 
 “Quá tải là vấn đề muôn thuở của BV Phụ sản TƯ. Số lượng sản phụ đổ về ngày một đông, trong đó có nhiều ca đẻ thường, hoàn toàn có thể sinh ở tuyến dưới” - BS Trần Quốc Việt, PGĐ BV nói. Nhưng họ vẫn nhất quyết “vượt tuyến” để “vượt cạn” vì tâm lý lo ngại năng lực của bác sĩ tuyến dưới không đáp ứng được yêu cầu sinh nở của sản phụ.

Nỗi lo của các sản phụ
 
Các cụ xưa có câu “chửa - cửa mả”, như nhắc nhớ việc phụ nữ phải một mình vượt cạn khó khăn như thế nào và những nguy hiểm rình rập mẹ -con. Cộng với đó, các thông tin dồn dập về các ca tai biến sản khoa lại càng khiến các thai phụ hoang mang. Gần đây nhất là vụ tử vong ngay trên bàn đẻ của sản phụ Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, trú tại tổ 5 Văn Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) khi chưa kịp sinh nở, ngày 29/9, tại BV Phụ sản TƯ.
Xâu chuỗi hơn 30 trường hợp tử vong mẹ – con trước đó, sẽ thấy một điều rằng: Hầu hết các gia đình đều chỉ nhận được những thông báo tử vong của người thân mà không có những giải thích cụ thể, rõ ràng và thuyết phục về nguyên nhân tử vong. “Bệnh viện đã làm hết trách nhiệm và bệnh nhân tử vong là ngoài mong muốn”.
 
Thế nhưng, “phân tích nguyên nhân sẽ thấy sự chậm trễ trong chẩn đoán và xử trí của y bác sĩ trong các trường hợp mẹ – con tử vong là có thật!”- đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) thừa nhận. Điều này càng làm tăng nỗi lo của các sản phụ.
 
Sinh con và nỗi lo của sản phụ - ảnh 2
Giường xếp được đặt ngay lối đi ở phòng đẻ thường
tại BV Phụ sản HN
 
Trước hết là nỗi lo thiếu phòng, giường, rồi kế đến là sự đông đúc khiến cho tình trạng của sản phụ không được quan tâm đầy đủ. Sản phụ Nguyễn Thu Trang (Phương Mai, Đống Đa) nhập viện theo diện mổ “cấp cứu” và đóng tới 12 triệu đồng để vào phòng dịch vụ khi một sản phụ vừa rời khỏi đó. Nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Trang. Có điều kiện kinh tế, nhiều sản phụ khác cũng khó chen chân vào khu dịch vụ, đành sang phòng đẻ thường.
 
Sản phụ Nguyễn Thị Duyên (Vạn Phúc, Hà Đông) được chuyển vào phòng đẻ thường tại khoa Sau đẻ. Căn phòng rộng hơn 10m2 với 6 giường nhưng có tới 13 cặp mẹ con nằm. Nằm ghép 2 sản phụ/ 2 trẻ sơ sinh/giường, 2 cặp mẹ – con phải nằm xoay ngang giường. Một vài sản phụ nằm trên giường xếp. Những đứa trẻ đỏ hỏn, khát sữa vừa mới chào đời đã phải chịu cảnh nằm ghép hoặc nằm giường xếp trông rất tội nghiệp!
 
Chị Quý Hiên (28 tuổi, ở Cầu Giấy) không bao giờ quên được khoảnh khắc mình sinh con. “Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn hãi. Nhiều khi không muốn nhắc lại, thấy sao mình khổ thế”, chị Hiên bày tỏ. 4h sáng, “cơn đau bụng do tử cung co” bắt đầu kéo đến, vợ chồng gọi nhau đến viện. Đến nơi, cô y tá cau có vì bị quấy rầy giấc ngủ, làu bàu: “Làm thủ tục chưa? Vỡ ối chưa?” mà không hề quay lại nhìn sản phụ lần nào. Sau đó, chị “nhập” vào phòng chờ đẻ với 4 sản phụ/giường, ngồi, nằm la liệt, kêu rên thảm thiết, còn nữ y tá “biến mất”.
 
Một sản phụ tâm sự: Tháng nào chị cũng đến khám thai định kỳ tại phòng mạch của bác sĩ H - đang công tác tại BV, với lời hứa: “khi nào cháu đẻ, cô (bác sĩ H) lo tất” nhưng đến khi “lâm bồn” thì “thuê bao quý khách” của bác sĩ “hiện không liên lạc được” nên đành nhờ… “phong bì” vậy. Mọi thứ đều có giá: “Bồi dưỡng bác sĩ đỡ đẻ: 1,5-2 triệu đồng; kíp đỡ (mổ) đẻ: 1-1,5 triệu đồng; tắm bé: 20- 50 ngàn đồng; tiêm không đau: 40-50 ngàn đồng…”. Thế nên, nhiều sản phụ dù đau đẻ đến mấy cũng không quên “dúi” đủ “phí” cho kíp mổ trước khi rặn đẻ. Còn chồng chị Hiên vẫn ân hận vì “đút” 20 ngàn đồng nhờ nữ hộ sinh đi hộ đôi tất cho vợ sau sinh thì đôi tất đó mới chỉ có ở nửa bàn chân và gót chân vẫn hở ngoác.

Có thể lựa chọn những giải pháp an toàn khác
 
Với những cặp vợ chồng “có điều kiện”, họ xác định “bỏ tiền mua sự yên tâm” để “mẹ tròn con vuông”. Chị Lâm Ngọc Thủy (KĐT Định Công) sau lần đẻ thứ nhất ở BV Bạch Mai (khu Việt – Nhật) nói: “Lần này, mình quyết định đăng ký đẻ ở chỗ nào “tử tế” hơn, đời người chỉ đẻ 2 lần, lần trước đã hãi quá!”.
 
Trong khi đó, nhiều sản phụ ở HN có xu hướng quay trở lại nhà hộ sinh. Hiện HN có 4 nhà hộ sinh: nhà hộ sinh A Ngô Quyền; nhà hộ sinh B Lò Đúc; nhà hộ sinh Đống Đa; nhà hộ sinh Ba Đình được đầu tư khá khang trang và hiện đại. Nhà hộ sinh Đống Đa (nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa), năm 2010, được đầu tư xây mới (3 tầng), trang bị thêm các trang thiết bị hiện đại, có hệ thống phòng chờ, phòng sinh, phòng sau đẻ… phục vụ sản phụ “vượt cạn” an toàn.
 
Một sản phụ tâm sự: “Từ lúc mang thai, tôi đã đăng ký khám ở nhà hộ sinh này. Ở đây không gian sạch sẽ, nhân viên y tế lại nhiệt tình chu đáo chứ không chen chúc, phức tạp như trong bệnh viện, 3-4 cặp mẹ - con/giường, mệt mỏi và căng thẳng”. Với trung bình khoảng 50 giường bệnh/nhà hộ sinh, nhà hộ sinh B Lò Đúc (hay còn gọi là Cây đa Nhà Bò) có 34 nhân viên y tế, trong đó có 5 bác sĩ sản khoa chưa hoạt động hết công suất. Trong 7 tháng đầu năm 2012, nhà hộ sinh B mới chỉ đỡ đẻ cho 98 ca. Nhà hộ sinh A Ngô Quyền tiếp nhận khoảng 30 ca sinh… Thêm nữa, “chi phí cho một ca sinh ở nhà hộ sinh chỉ bằng 1/6 chi phí ca sinh ở bệnh viện (khoảng từ 1,5 -2 triệu đồng) mà không phải “phong bì” lót tay cho nhân viên y tế” – sản phụ Lê Thị Thoa (25 tuổi, ngõ Yên Bái, Phố Huế) chia sẻ.
 
Dù chưa để xảy ra trường hợp tử vong mẹ – con đáng tiếc nào nhưng “chuyện sinh nở nhiều khi khó lường, nhất là khi có tai biến bất thường thì liệu các y bác sĩ ở nhà hộ sinh có xử lý được không?” – một sản phụ lo lắng. ThS Lê Thúy Hạnh – GĐ Trung tâm Y tế Q. Hai Bà Trưng cho rằng, tâm lý lo lắng của sản phụ không phải là không có cơ sở. Do phân cấp về thủ thuật, nhà hộ sinh chỉ được đỡ đẻ thường, không được mổ đẻ, khiến sản phụ… “ngại” đẻ ở nhà hộ sinh, vì không đáp ứng được yêu cầu của sản phụ, lại vô tình hạn chế chuyên môn của bác sĩ tại đây. "Muốn thu hút sản phụ vào các nhà hộ sinh, điều quan trọng là cần tăng cường phòng mổ đẻ, bác sĩ đứng mổ vững tay nghề, bổ sung các thiết bị siêu âm màu phục vụ cho việc theo dõi thai nghén tốt hơn…” – bà Hạnh kiến nghị giải pháp.
 
Khi rời khỏi nhà hộ sinh A Ngô Quyền, PV PNTĐ bắt gặp hình ảnh rất bình dị: Trong không gian tĩnh lặng của phòng bệnh, người bà ru cháu bé mới chào đời: “ầu ơ… đàn ông đi biển có đôi/ đàn bà vượt cạn mồ côi một mình, ầu ờ…”. Tiếng ru như lời nhắc nhớ, sẻ chia đối với người mẹ vừa qua cơn “vượt cạn”, dường như thấm thía nỗi vất vả, đau đớn như dứt từng khúc ruột để được mẹ tròn con vuông. Người mẹ trẻ rưng rưng nước mắt, cảm động vì  hạnh phúc vô bờ đó.
 
 Lời khuyên của BS Vũ Bá Quyết, PGĐ BV Phụ sản TƯ: Khi sản phụ khỏe, thai nhi phát triển tốt thì có thể đăng ký đẻ ở các tuyến dưới. Nếu sản phụ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, thai ngôi ngược, quá to, nhau tiền đạo… thì mới cần đến BV tuyến trên để được theo dõi hoặc mổ đẻ, tránh tai biến đáng tiếc.
 

Tâm Thanh - Cẩm Quyên

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.