Hôn nhân muộn và những góc nhìn khác nhau

Chia sẻ

PNTĐ-Chuyện con cái dửng dưng với hôn nhân khiến không ít bậc cha mẹ đã tìm đến “giải pháp tâm linh” từ thầy tướng số để mong hoá giải “duyên âm” đang khoá chặt “duyên dương” của con cái.

 
Đầu mùa cưới – tấp nập đi “cắt tiền duyên”
 
Đầu mùa cưới, theo chân bà Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) đi làm lễ mới thấy được sự cuồng tín của không ít bậc cha mẹ có con chậm vợ, muộn chồng. 5 giờ sáng, hội "cha mẹ có con nặng duyên âm" của bà Hiền đã lỉnh kỉnh đồ lễ, chờ nhau để cùng đến nhà thầy số cao tay giải hạn ở Bắc Ninh. Chiếc xe 24 chỗ ngồi một nửa chở người, một nửa chở đồ lễ. Do thầy bảo phải cắt tiền duyên bằng đám cưới âm nên đồ lễ chủ yếu là hình nhân. Tiền lễ thì tùy theo “duyên âm” của từng người, nặng thì nhiều, nhẹ thì ít.
 
Hôn nhân muộn và những góc nhìn khác nhau - ảnh 1
Cắt được duyên liệu có kết được duyên? (ảnh minh họa)
 
 Gần 9h sáng, đoàn xe bà Hiền đến nơi, nhìn vào trong nhà thầy đã có không ít người cả già lẫn trẻ xếp hàng ngồi đợi. Bà Hiền chen vào trong một lúc rồi quay ra bảo: "Đoàn mình chắc trưa muộn mới tới lượt, hôm nay là ngày nghỉ nên số người đăng ký đến làm lễ đông lắm". Do phải xếp hàng đợi lâu nên khắp khoảng sân nhà thầy, từng toán người xúm lại chuyện trò.
 
 - Các bà xem con gái tôi kia, học hành đến nơi đến chốn, nhiều đám theo đuổi lắm, thế mà chẳng đám nào thành công. Tôi đi xem thầy ở Hà Nội, bảo phải cắt tiền duyên cho nó vài lần vì duyên âm nặng lắm. Nghe đồn thầy ở đây cao tay, may ra mới cắt nổi - bà Hiền vừa nói, vừa chỉ cô con gái xinh xắn đang ngồi tán ngẫu với mấy cô gái trẻ cách đó không xa.
 
Bà Hồng (Tây Hồ, HN) tay xếp gọn mấy hình nhân miệng kể: "Thằng con trai tôi năm nay cũng 40 tuổi, làm đến chức phó phòng kế hoạch, đẹp trai ngời ngời. Thế mà chuyện vợ con cứ lừng khừng, tôi đi xem thầy cũng bảo phải cắt tiền duyên cho nó. Lần trước một mình tôi đi làm lễ về không được. Lần này thầy bảo phải đưa nó đi cùng, kết hợp làm một cái đám cưới âm mới mong giải hết duyên kiếp trước".
 
- Cắt tiền duyên cũng phải hợp thầy đấy các bác ạ. Bà bạn em chỉ đi có một lần mà về con trai lấy được vợ ngay trong khi nhà em đi đến bốn, năm lần, tiền lễ lên đến hàng chục triệu đồng vẫn chưa có kết quả gì. Vì con cái nên tốn kém cũng phải làm, chứ nhìn chúng nó thành gái già đến nơi mà chẳng có đám nào rước đi, héo cả ruột gan. Hết duyên rồi, phải đi làm lẽ, nuôi con chồng khổ lắm...

Và những góc nhìn của “người trong cuộc”
 
Điều lạ là trong khi bố mẹ lo sốt vó vì “trai lớn không chịu lấy vợ, gái lớn không chịu gả chồng” thì giới trẻ lại rất “đủng đỉnh”. Trong khoảng sân nhà thầy hôm ấy, không ít nam nữ thanh niên cứng tuổi theo bố mẹ đi lễ với tâm thế "bình chân như vại”.
 
Minh Hằng (con gái thứ 2 của bà Hiền) nói: “Với tôi, kết hôn sớm hay muộn không quan trọng, cái chính là mình thấy đã sẵn sàng để bước vào hôn nhân hay chưa. Mẹ cho là tiền duyên tôi nặng, bắt đi lễ hết nơi này đến nơi khác chứ không chịu tin tôi chưa muốn kết hôn vì muốn phấn đấu sự nghiệp trước”.
 
Hằng bảo dù đã bước vào tuổi 35 nhưng vẫn theo học thạc sĩ để có đủ tiêu chuẩn “chinh phục” vị trí trưởng phòng kế hoạch một công ty trong ngành viễn thông mà không hề nặng nề về chuyện "tuổi đang đuổi xuân đi".
 
Còn Thu Hồng, hướng dẫn viên du lịch của công ty TNHH Bình Minh kể: “Mỗi lần đi mừng đám cưới em út, mừng đầy tháng con bạn bè... ai cũng bảo cô đơn mãi thì buồn lắm. Em bảo chẳng có thời gian rỗi để mà buồn vì công việc cứ cuốn đi hết nơi này đến nơi khác, dịp nào nghỉ thì lại tụ tập bạn bè. Cuộc sống lúc nào cũng thấy vui vẻ và ổn. Bạn bè em có nhiều người còn thích xu hướng sống độc thân vì sợ áp lực hôn nhân”.
 
Bị mẹ năm lần bảy lượt ép đi cắt tiền duyên nhưng vẫn chẳng thấy duyên… đậu, anh Nam (kỹ sư, 39 tuổi), lý giải: “Tôi không tin vào chuyện tiền duyên vì có một bộ phận “lười kết hôn” là do sống khép kín, ít bạn bè, ít có môi trường tiếp xúc với người khác giới nên khó tìm duyên. Mặt khác, đa số giới trẻ ngày nay kết hôn muộn là do họ hài lòng, thoả mãn với những thú vui trong cuộc sống hàng ngày hơn là bước vào một cuộc sống hôn nhân đầy áp lực chứ không phải vì “duyên âm” cản trở chuyện hôn nhân”.
 
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Đinh Đoàn cho rằng: Có sự khác nhau trong cách nhìn nhận về hôn nhân giữa hai thế hệ. Cha mẹ vẫn nghĩ chỉ có hôn nhân mới mang lại hạnh phúc cho con người. Còn giới trẻ, nhất là những người thành đạt trong công việc cho rằng hạnh phúc lớn nhất là sống với niềm đam mê, niềm vui của mình.
 
Họ không thấy khổ sở khi không có vợ, có chồng, ngược lại thấy như vậy là được “rảnh tay” tiếp tục học tập, theo đuổi sự nghiệp. Những suy nghĩ, quan niệm cá nhân của các bạn trẻ như vậy không sai trái, cần được tôn trọng. Con cái trưởng thành sẽ tự chịu trách nhiệm về cuộc sống và chuyện riêng tư của mình, không ai sống hộ ai, dù đó là người thân yêu nhất. Đừng áp đặt và vô tình làm khổ bản thân lẫn con cái chỉ vì niềm tin thái quá vào việc cắt tiền duyên.
Thu Giang

Tin cùng chuyên mục

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

Ngày Tết bếp vắng mẹ chồng

(PNTĐ) - Khi mới về nhà chồng, có những cô dâu vẫn “vô lo vô nghĩ” vì bếp nhà đã có mẹ chồng lo. Ngày Tết, cũng một tay mẹ chồng quán xuyến, bày biện. Nhưng rồi biến cố ập tới mang mẹ chồng đi xa, các cô dâu nhận thêm trọng trách mới, đảm đang lo Tết cho nhà mình và cho cả nhà chồng.
Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

Diễn viên Đàm Hằng: “Ly hôn văn minh giúp tôi trở thành phiên bản mới”

(PNTĐ) - Đàm Hằng đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ là diễn viên được biết đến qua nhiều bộ phim truyền hình, và gần đây ấn tượng nhất là chị Hoa “ế chồng” trong phim “ Lối về miền hoa”... Ngoài đời, cô là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái 14 tuổi. Không ngại nói về quyết định ly hôn của mình, ngược lại, Đàm Hằng còn coi ly hôn là bước ngoặt giúp cô mạnh mẽ hơn, nghị lực vươn lên trong cuộc sống và trở thành một phiên bản mới hoàn thiện hơn.
Người con gái đặc biệt của mẹ

Người con gái đặc biệt của mẹ

(PNTĐ) - Đó là lời động viên đầy cảm động của mẹ dành cho Hoàng Thị Phương - người bị ảnh hưởng do di chứng chiến tranh để lại. Nhận được sự an ủi và động viên của mẹ, chị Phương nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo đặc biệt để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.