Những người phụ nữ dũng cảm cứu sống nạn nhân bom B52

Chia sẻ

PNTĐ-Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", các chị nguyên tự vệ Bệnh viện Bạch Mai đã gặp mặt để cùng nhau ôn lại những ngày đêm cứu chữa nạn nhân bom B52.

 
 
Những người phụ nữ dũng cảm cứu sống nạn nhân bom B52 - ảnh 1
Chị Trần Tuyết Hải (người đầu bên phải), Chủ tịch Hội LHPN
P.Phương Mai cùng các nhân chứng và hội viên phụ nữ Chi hội 6
 
Kiên cường, dũng cảm cứu chữa nạn nhân
 
Chị Nguyễn Thị Cúc, khuôn mặt đượm buồn cho biết: 4 giờ sáng ngày 22/12/1972, chị cùng các nữ tự vệ đang ngủ say tại 1 căn hầm của bệnh viện thì nghe thấy những tiếng nổ dữ dội của bom Mỹ. Mọi người đều bật dậy và bàng hoàng khi thấy bệnh viện mất điện tối om, hệ thống đường ống cấp, thoát nước bị bom Mỹ làm vỡ, nước chảy xối xả vào hầm.
 
Trong đêm tối mịt mù, các chị gọi tên nhau để biết ai còn, ai mất. Khi được biết mọi người đều còn sống, chưa hết mừng đã cùng nhau lao ra khỏi hầm để làm nhiệm vụ cứu chữa những người đang bị kẹt trong những ngôi nhà đổ nát và những căn hầm bị sập.
 
Do không có thiết bị đào bới chuyên dụng, các chị phải dùng cuốc, xẻng, xà beng thông vào các cửa hầm để cứu chữa nạn nhân.
 
Khi đào đến gần những người bị mắc kẹt, qua  khe hở của những tảng bê tông, gạch đá, các chị nghe thấy tiếng gọi cha, gọi mẹ, kêu cứu rất thảm thiết, làm mọi người đau xé lòng và càng cố gắng đào bới để nhanh chóng cứu họ. Các chị nhanh trí luồn những ống khí ô xy vào trong hầm để mọi người không bị chết ngạt.       
 
Làm công việc cứu chữa suốt ngày đêm dưới sự quần đảo của các loại máy bay giặc Mỹ và những tiếng bom nổ chát chúa xung quanh, các chị rất căng thẳng, mệt mỏi, bàn tay đều bị phồng rộp… Những lúc quá đói, các chị cũng chỉ nghỉ ít phút để ăn tạm mẩu bánh mỳ rồi tiếp tục đào bới. Sau nhiều nỗ lực, ngày 26/12/1972, các chị đã đưa được những người cuối cùng ra khỏi đống đổ nát.
 
Nhờ sự dũng cảm, tình thương yêu và trách nhiệm cao của các chị, nhiều y bác sỹ và bệnh nhân đã được cứu sống như các ông bà: Lê Kim Duệ, Ngô Thị Ninh, Nguyễn Sỹ Hồi, Nguyễn Thị Hạnh...
 
Những nỗi đau không thể nào quên
 
Bà Lê Thị Minh Toán, sụt sùi khóc khi kể lại sự mất mát đau thương do máy bay B52 của giặc Mỹ gây nên tại Bệnh viện Bạch Mai. 31 người, trong đó chủ yếu là y, bác sỹ đã bị giết hại. Có những cái chết đến bây giờ bà Toán vẫn không thể nào quên như trường hợp chị Trần Thị Thoa. Chị Thoa bị chết trong tư thế đang ngồi ôm chặt mấy người trong một căn hầm đã bị sập. Để lấy lối vào cứu sống những người bên trong, Giám đốc Bệnh viện đã phải ra quyết định đau lòng là tháo khớp 2 tay, 2 chân chị Thoa nhằm đưa được thi thể của chị ra ngoài. Thực hiện xong công việc này, bác sỹ và nhiều nữ tự vệ đã bị ngất vì quá đau thương. Những người can đảm hơn thì khóc không còn nước mắt.
 
Trong số những người chết còn có 3 nữ y tá tuổi đời còn rất trẻ đó là các chị: Nguyễn Thị Khuyến, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Thị Thạch. Mấy ngày trước khi bị bom Mỹ sát hại mấy ngày, nhiều người còn gặp các chị khuôn mặt tràn đầy niềm vui, hạnh phúc đi đến các khoa mời đồng nghiệp dự dám cưới vào đúng ngày lễ Noel. Khi tim thấy thi thể của các chị: Khuyến, Phụng, Thạch trong tay vẫn còn nắm chặt ống nghe, cặp nhiệt độ, mọi người có mặt đều bật khóc vì thương tiếc.
 
Quốc Bảo - Cao Thị Hỷ 

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.