Có những nỗi đau không thể nào quên

Chia sẻ

PNTĐ-Khi Nhà thờ Lớn vừa kết thúc lễ Giáng sinh vào 22giờ30 phút, hàng loạt máy bay B52 Mỹ ồ ạt rải bom. Vệt bom kéo dài trên một ki lô mét với chiều rộng 40-50m, sát hại 287 người...

 
Vào những ngày cuối tháng 12 này, khi về Khâm Thiên dâng hương, tôi thật may vì gặp được ông Dũng, một người hàng xóm xưa, hiện đang sống ở số nhà 06 ngõ chùa Mỹ Quang. Trong câu chuyện, hồi ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt gợi lại, khiến niềm xúc động trong tôi lại dâng trào. Ông Dũng nhớ lại: “Cái đêm Mỹ ném bom B52 hủy diệt, tôi được phân công trực chiến tại nhà máy giầy da, đối diện với ba ngôi nhà bị san bằng, nhà máy của tôi cũng dính bom khiến năm nữ chiến sỹ tự vệ hy sinh. Nhìn ngôi nhà ba tầng của ông bà ngoại đổ sập, lòng tôi đau thắt mà không cách gì vượt qua khối bê tông khổng lồ…
 
Trong nhà ông bà ngoại tôi còn có cả cậu mợ, mợ tôi khi ấy vừa sinh em bé được 18 ngày bị chết đứng dưới chân cầu thang…”. Nhắc tới những ngôi nhà bị bom B52 san phẳng ngày ấy, tôi lại xót xa bởi trong đó có ngôi nhà của thầy giáo tôi - số nhà 51 - là một trong ba ngôi nhà liền kề 47, 49, 51 bị bom Mỹ san phẳng hoàn toàn.
 
Có những nỗi đau không thể nào quên - ảnh 1
Lễ tưởng niệm những nạn nhân B-52 tại Bệnh viện Bạch Mai
 
Máy bay B52 Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư trong thành phố (Bệnh viên Bạch Mai, Gia Lâm, Uy Nỗ, An Dương…) làm hơn 1000 người bị thương vong. Với ý chí chiến đấu anh dũng quật cường, trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972 ta đã bắn rơi 81 máy bay địch, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris. Trận Điện Biên Phủ trên không này là một trong những chiến thắng vĩ  đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, là trang sử vẻ vang của truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
 
Khi từ nơi sơ tán trở về, tôi đã lặng đi trước cảnh điêu tàn! Nhà thầy giáo tôi gồm bố mẹ và hai chị em thầy, ai còn ai mất dù đã dò hỏi, nhưng đến giờ tôi vẫn không có thêm thông tin nào, điều đó khiến lòng tôi vô cùng ân hận xót xa. Và mỗi dịp qua đài tưởng niệm, chắp tay cúi đầu dưới tán đại nở đầy hoa, trong nỗi xúc động, hình ảnh người thầy chỉn chu phúc hậu lại hiện về như nhắc nhở tôi vượt lên mọi bon chen tầm thường trong cuộc sống đầy cám dỗ để là người tử tế đàng hoàng! Nhà 49 kề bên là gia đình nhạc sỹ Phú Quang… Không biết có phải vì những kỷ niệm đau thương ấy mà người nhạc sỹ tài danh, dù ở đất trời phương Nam lâu rồi nhưng dường như toàn bộ tác phẩm của ông về Hà Nội đều chan chứa yêu thương, xúc động đến nao lòng!
 
Tôi từng gặp sư thầy Đàm Thục, một trong những người tham gia cứu chữa ngay sau trận đánh. Sư thầy Đàm Thục trụ trì chùa Mỹ Quang phía trong ngõ chợ. Cụ là vợ một cán bộ cấp cao tỉnh Hưng Yên bị giặc Pháp chặt đầu cắm cọc. Từng tham gia cách mạng cùng chồng, sau bị giặc Pháp truy lùng ráo riết, vì đã bị lộ cụ phải vào chùa xuống tóc đi tu. Nhưng dù là người nhà chùa, cụ vẫn tham gia công tác xã hội, là cán bộ phụ nữ, được nhà nước bố trí việc làm tại nhà máy dệt 8/3, được trao tặng huân huy chương cùng nhiều bằng khen, giấy khen. Cụ cũng như bao người dân bám trụ kiên cường ngày ấy không bao giờ quên giờ phút đau thương đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc.
 
Khi Nhà thờ Lớn vừa kết thúc lễ Giáng sinh vào 22giờ 30 phút, hàng loạt máy bay B52 Mỹ ồ ạt rải bom. Vệt bom kéo dài trên một ki lô mét với chiều rộng 40-50m, sát hại 287 người, gây thương tích 290 người, có gia đình 6 người ngồi trong hầm chết toàn bộ, huỷ diệt hoàn toàn 534 ngôi nhà, cả nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cửa hàng lương thực thực phẩm, chợ Khâm Thiên, di tích lịch sử đình Tương Thuận, trạm y tế, nhiều cơ sở sản xuất thủ công cùng ba ngôi nhà liền kề trên mặt phố là nhà số 47, 49, 51 bom Mỹ đánh trúng bị san bằng. Trận bom còn làm hư hỏng trên một ngàn ngôi nhà và toàn bộ hệ thống điện của phố Khâm Thiên. Hiện nay tại nhà số 1 trên con phố ấy còn bia ghi công ông giám đốc Công ty Xăng Dầu Nguyễn Văn Đạt hy sinh tại nhiệm sở khi đang chỉ huy điều phối xăng dầu cho mặt trận.
 
 Để ghi dấu tội ác của giặc Mỹ giết hại dân thường, đầu năm 1973 Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho dựng bia “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ”. Bức tượng đài trước tấm bia là của họa sỹ Nguyễn Tư ngày ấy công tác tại Công ty Mỹ thuật thuộc Sở Văn hoá. Khi chứng kiến cảnh tang thương thảm khốc, với cảm xúc mãnh liệt, ông đã lấy nguyên mẫu người phụ nữ Hà Nội bị chết đứng dưới chân cầu thang nhà 47, sáng tác thêm chi tiết người phụ nữ đạp trên quả bom chưa nổ, hai tay nâng em bé đã bị chết.
 
Có những nỗi đau không thể nào quên - ảnh 2
Từ đống đổ nát Khâm Thiên, người Hà Nội không khuất phục!
 
Không bao lâu sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Nhà nước đã đầu tư để đài tưởng niệm Khâm Thiên xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Phía trước bia căm thù, nơi đặt tượng đài bằng bê tông xưa giờ được thay bằng bức tượng đồng trường tồn vĩnh cửu, vẫn là nguyên mẫu bức tượng bê tông của hoạ sỹ Nguyễn Tư. Bức tượng bê tông giờ được thờ trong nhà lưu niệm, quanh năm khói hương nghi ngút làm ấm lòng những linh hồn đã ra đi tức tưởi trong trận bom B52 rải thảm năm xưa. Năm 1997 nơi đây đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Cứ ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng trong suốt 40 năm qua nhân dân Khâm Thiên và nhân dân trong thành phố đều đến thắp hương, tưởng nhớ sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong trận bom lịch sử.
 
Nhiều đoàn ngoại giao quốc tế trong đó có cả Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ, cả những người từng tham gia trận ném bom huỷ diệt năm nào cũng đến viếng và thắp hương tưởng niệm.
 
Nhớ quá khứ để đừng đánh mất mình trong hiện tại! Đó là thông điệp mà tác giả bài viết muốn gửi tới các bạn trẻ may mắn sinh ra trong thời bình! Xin tất cả những người may mắn của Thủ đô và cả nước hãy nhớ: Có những nỗi đau không thể nào quên!
 
Hà Nội tháng 12 năm 2012 
 
Dương Ngọc Vân
                                                                                                                                   

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.