Mùa xuân đang đến từng nhà...

Chia sẻ

PNTĐ-Mùa Xuân Hà Nội đang đến từng căn nhà, từng ngõ phố, len lỏi vào tâm hồn những người Hà Nội gốc và những người khắp mọi miền đất nước...

 
Năm nay, mùa đông Hà Nội có vẻ nhiều sương mù. Gần Tết, thành phố lại càng lãng đãng khói mơ khiến không khí vô cùng gợi nhớ. Hay đó là do giờ tôi đã nhiều tuổi, thích nhớ về “Chuyện ngày xưa”…
 
Dạo tôi còn trẻ, cứ Tết đến là thế nào cũng một mình hoặc cùng bạn bè lên mạn Quảng Bá –hồ Tây để ngắm đào, quất và các loại hoa.Và khi có người yêu, anh thường dẫn tôi thăm các ngôi chùa Hà Nội. Hồi ấy, chùa chiền tĩnh lặng, rêu phong, vô cùng cổ kính êm đềm. Lúc còn bé nữa  thì thường theo bố mẹ về quê thăm ông bà cùng các bác bên nội, bên ngoại, túi rủng rỉnh tiền mừng tuổi, ngồi chơi tam cúc trên ổ rơm thơm phức, mặt nhọ nhem vì bị bôi râu…
 
Mùa xuân đang đến từng nhà... - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Những kỷ niệm thương mến ấy, tôi chắc giờ các bạn trẻ không còn được hưởng. Và cả chính tôi nữa, giờ cũng ngại đi xe máy thăm các vườn quất vườn đào đã lùi ra phía bờ sông, còn dinh đào cũ thì đã thành khu đô thị, muốn thăm cũng ngại! Bây giờ, chắc ít có bạn trẻ nào lững thững tản bộ thăm các ngôi chùa phần lớn đã được “tân trang”, tượng Phật thì long lanh vòng hào quang, quần áo của các ngài cũng bóng mượt và khắp nơi trong chùa đều sáng loáng…
 
Nhà thơ Tuyết Nga bao lần hẹn tôi cùng đi ngắm… mùa hoa cải ven sông, rồi vườn đào mới dọc sông Hồng, nhưng giờ tôi đã ngại! Tuyết Nga bảo, để em nhờ bạn nào có ôtô đưa chị em mình đi ngắm hoa chơi. Và nghe nói, nhà thơ Vũ Từ Trang đã sẵn sàng – anh có ô tô và tự lái rất… sành điệu.
 
Hà Nội vẫn rất nhiều hoa, không chỉ mỗi độ Xuân về, mà hầu như ngày nào trên phố cũng tươi rói trăm sắc màu của hoa hồng, hoa dơn, hoa loa kèn, hoa cẩm chướng, rồi hoa lan, hoa cúc, hoa bưởi, hoa đào… tùy theo mùa. Nhưng tôi vẫn yêu nhất những hàng cây nở hoa dịp cuối đông rồi cả mùa xuân trên các con đường Thủ đô rợp mát.
 
Mùa xuân đang đến từng nhà... - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Đó là hàng cây trên đường Bắc Sơn, mùa này vẫn còn tím ngát hoa ban và lấm tấm hoa đào quanh đài tưởng niệm các liệt sĩ  đã hy sinh vì Tổ quốc. Mùa Xuân cũng là mùa cưới, và chúng ta có thể bắt gặp hằng ngày những cặp uyên ương đến dâng hoa trước các anh hùng vô danh trên con đường rợp sắc hoa của miền Tây Bắc giữa Thủ đô. Đây là một nét nhấn thật ấn thượng với những ai lần đầu ghé thăm Hà Nội, cũng thật thân thương với cá nhân tôi, một người chị có em trai hy sinh ở chiến trường Trị Thiên-Huế những năm chống Mỹ.
 
Đó còn là con đường mới mở, “đẹp nhất Thủ đô”- đường Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Bây giờ, nhiều tuổi, đôi khi chẳng có việc gì, tôi lững thững đi bộ dọc hè phố của con đường này, ngẩng nhìn vòm hoa bằng lăng  nở tưng bừng và dịu dàng thả vài cánh hoa chạm vào vai áo. Làng quê Tứ Liên của tôi, thì đến tận cuối năm, thường là 26-27 Tết, khi chị em cùng nhau đi viếng mộ người thân, các khu vườn của bà con vẫn vàng tươi màu quất chín. Đó là vì, quất của quê tôi quả đẹp và to, mịn bóng, lại rất sai nên đã được nhiều gia đình và cơ quan đặt trước, khoảng 29-30 Tết mới đến mang về. Nếu phải xa nhà dịp Tết, hẳn không người Hà Nội nào không nhớ màu hoa đào hồng tươi, màu quất chín vàng rực rỡ, mà quê tôi, Tứ Liên - giờ là tâm điểm với chợ hoa hoành tráng bán suốt đêm cung cấp hoa tươi cho cả Thủ đô và các vùng lân cận.
 
Mùa xuân đang đến từng nhà... - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Bây giờ, tôi gần như chẳng cần lo gì cho ngày Tết, mọi thứ đều có sẵn trong siêu thị và các chợ cho đến tận 10 giờ đêm Ba mươi và sáng sớm mồng Hai đã nhiều nơi mở cửa bán hàng lấy may. Chỉ thương các gánh hàng rong lèo tèo vài quả đu đủ, nải chuối, bó hoa, mớ rau, con cá lặt vặt... trông cả gánh hàng chẳng đáng khoảng 100 ngàn, mà lang thang đây đó tới tối mịt đêm 30 Tết vẫn chưa dám về nhà vì hàng chưa bán hết.
 
Thời nào cũng vậy, “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”, mà thế mới là xã hội! Dù sao thì so với ngày tôi còn bé, Hà Nội đã khác xa, đã giàu có và khang trang hơn rất nhiều. Gia đình tôi đã có lệ, cứ gần Tết là tổ chức tuyên dương các thành tích của mọi thành viên của đại gia đình gồm 7 người con và các cháu, chắt, chút chít của bố mẹ tôi, ông bà Phan Hữu Ước và Nguyễn Thị Hạ nay đều đã mất, nhưng đàn con cháu đông đúc thì vẫn có gì đó gắn kết, thương yêu. Năm ngoái (hay năm kia?), chính tôi cũng được quỹ khuyến học của đại gia đình tặng thưởng vì… có tập sách mới xuất bản!Tôi nghĩ, cái lệ khuyến học khuyến tài này không phải chỉ gia đình Phan Hữu giữ gìn, mà rất nhiều gia đình khác của Hà Nội từ lâu đã có. Phải chăng đó là nét đẹp truyền thống của một Hà Nội cũ rất coi trọng văn hóa mà ít chú ý đến chức vụ, danh vọng của đời…?
 
Mùa Xuân Hà Nội đang đến từng căn nhà, từng ngõ phố, len lỏi vào tâm hồn những người  Hà Nội gốc và những người khắp mọi miền đất nước - Những bậc tài danh và những người khốn khó - đều được Thủ đô chấp nhận và nuôi dưỡng như những đứa con.Và từ đó sẽ nảy nở bao nhiêu nhân tài, bao nhiêu hứa hẹn cho một năm mới có lẽ nhiều thành công hơn của Thủ đô mà tôi yêu quí.
 
Tháng 12-2012
 P.T.T.N

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.