"Quản" tiền lì xì Tết của con

Chia sẻ

PNTĐ-"Quản" và giúp con sử dụng đúng mục đích tiền lì xì không khó, cái chính là ở mỗi bậc bố mẹ phải biết và giúp con hiểu hết ý nghĩa của những đồng tiền cầu may mắn.

 
Ảnh minh họa
 
Sau Tết, Thu Vân sang chơi nhà cô hàng xóm gặp cảnh hai mẹ con đang cùng nhau đếm tiền mừng tuổi. "Tết năm nay cháu bác được nhiều tiền lì xì quá. Mẹ cháu vừa đếm xong, gần 6 triệu đồng đấy bác ạ". "Vậy, Bống sẽ dùng tiền này như thế nào?", "Ngay từ lúc cháu được 1 tuổi, em đã mua cho cháu một cái phí bảo hiểm đến 18 tuổi mệnh giá 100 triệu đồng.
 
Hàng năm, em lấy tiền này đóng phí cho con, thiếu bao nhiêu em bù. Làm vậy, em sẽ "quản" được tiền lì xì của con, lại vừa có khoản tiết kiệm sau này cho con. Đến lúc đó, con đỗ đại học sẽ có tiền mua xe máy để đi học, hoặc làm vốn lập nghiệp". Thu Vân thầm khen cách "quản" tiền lì xì của bà mẹ trẻ này. Bởi nó tạo cho bố mẹ lẫn con cái có ý thức và sử dụng đúng mục đích khoản tiền mà con có được mỗi lần đón Tết.
 
Tò mò muốn biết các ông bố bà mẹ khác sử dụng và "quản" tiền lì xì của con như thế nào, Thu Vân thử làm một cuộc "khảo sát" nhỏ. Kết quả thu được thật thú vị xung quanh vấn đề này.
 
Chị Nguyễn Thị Vân (GV mầm non) cho hay, chị có hai cháu lên 5 và lên 7 tuổi. Vốn là con đầu cháu sớm nên năm nào, hai cháu cũng được rất nhiều tiền lì xì. Ban đầu chị dùng số tiền đó mua vàng để dành cho con. Ba năm đầu chị tiết kiệm gần được một cây vàng. Nhưng hai năm nay, chị lại thay đổi cách giữ tiền lì xì của con. Một lần cả nhà đang ngồi xem chương trình vận động vì người nghèo do Đài truyền hình tổ chức. Con gái lớn của chị lúc đó 5 tuổi nhìn thấy cảnh cô phóng viên đang phỏng vấn hai mẹ con nhà nọ đội mưa mang lợn tiết kiệm của con đến ủng hộ cho người nghèo, cháu bảo: "Sao mẹ con mình không làm giống bác ấy, con cũng muốn ủng hộ các bạn nghèo".
 
Ảnh minh họa
 
Từ năm đó trở đi, chị bắt đầu quan tâm đến các chương trình từ thiện và khuyến khích con tham gia. Tiền lì xì Tết, chị cho con mang đi ủng hộ. Thay vì sắm quần áo mới, mua sách vở, truyện tranh đọc như các bạn, các con chị đã "tự rèn" cho mình sự chia sẻ, đồng cảm trước những hoàn cảnh kém may mắn. Qua đó, các cháu biết trân trọng hơn những gì mình đang có.
 
Còn chị Trần Hoài An (nhân viên bưu điện) thì cho con lập "quỹ lì xì" để sử dụng vào việc mua quà sinh nhật, quà kỷ niệm ngày đặc biệt của người thân trong gia đình. Những món quà ấy khiến nhiều người cảm động giúp bọn trẻ có ý thức sử dụng ý nghĩa tiền mừng tuổi.
 
Một số bà mẹ băn khoăn, lúc các con còn nhỏ, việc bố mẹ "quản" tiền lì xì rất dễ nhưng khi chúng lớn biết tiêu tiền và giữ tiền thì làm thế nào để "quản"? Chị Lê Thị Ngân (bán hàng) kể từ lúc học cấp 3, con trai chị quyết không đưa cho bố mẹ "giữ hộ" tiền mừng tuổi nữa. Nó bảo để mua sách, vở, mua quà sinh nhật bạn... Chị để ý ban đầu thì nó tiêu đúng mục đích nhưng sau đó thì đã mang tiền đi chơi game. Cũng vì biết tiêu tiền nên cứ đến Tết là nó chỉ chăm chăm chờ tiền mừng tuổi, thậm chí còn "nhắc khéo" khách khiến anh chị bao phen khó xử. Còn cô con gái cũng bảo lớn rồi, cần có tiền để mua thẻ điện thoại, đồ con gái... Dù anh chị có nhắc các con sử dụng đúng mục đích và tiết kiệm nhưng vẫn không thể kiểm soát được hết.
 
Thu Vân thấy những bậc bố mẹ đau đầu giống chị Ngân không phải là ít. Nhưng việc "quản" và giúp con sử dụng tiền lì xì khi chúng biết tiêu tiền cũng không phải là khó nếu biết cách. Anh hàng xóm làm trong ngành du lịch ở khu phố Thu Vân có cách rất hay. Biết con rất thích đi du lịch nước ngoài, anh đưa ra điều kiện "bố mẹ và con cùng đóng góp". Năm nào anh cũng cho con đi một tour nước ngoài, tiền đóng tour sẽ là khoản tiền mừng tuổi của con hàng năm, nếu thiếu bố mẹ sẽ bù vào và cho thêm tiền để mua quà về cho mọi người. Bằng cách đó, năm nào cu cậu cũng háo hức đưa tiền lì xì cho bố mẹ giữ.
 
Như vậy, "quản" và giúp con sử dụng đúng mục đích tiền lì xì không khó, cái chính là ở mỗi bậc bố mẹ phải biết và giúp con hiểu hết ý nghĩa của những đồng tiền cầu may mắn mà mọi người dành cho con trẻ mỗi dịp Tết.

Thu Vân

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…