Dân chờ nước sạch, trong khi trạm bơm thành… đống phế liệu

Chia sẻ

PNTĐ-Tại không ít địa phương, các trạm cấp nước sạch với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng lại nằm “đắp chiếu”. Phơi nắng phơi sương hết năm này qua năm khác...

 
Trạm bơm nước để nuôi… rong rêu
 
Từ quốc lộ 1 rẽ phải vào xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, hỏi thăm đường về trạm bơm của xã, ông giáo Nguyễn Đình Giới, người thôn Đồng Viên nhiệt tình đưa chúng tôi tới tận nơi.
 
Nếu không nhìn kỹ tấm biển đá nhỏ đề 5 chữ: Trạm cấp nước Phù Đổng với những nét chữ đã phai nét thì không ai nghĩ rằng, đây từng là một trạm bơm nước sạch có công suất lớn nhất, nhì huyện Gia Lâm (120m3/giờ). Dấu vết còn lại của công trình có giá trị đầu tư lên đến 4,5 tỷ đồng, sau 12 năm, là đường ống dẫn nước hoen rỉ; hệ thống khử trùng, bể lắng... bị rêu xanh phủ kín; 3 máy bơm nằm chỏng chơ, bụi phủ dày. Bao quanh tòa nhà và cả trên phần nóc, cỏ dại um tùm, cao ngang đầu người. Bức tường bao phía sau đổ sập một phần cũng không có rào chắn… khiến trạm bơm càng trở nên tiêu điều.
 
Dân chờ nước sạch, trong khi trạm bơm thành… đống phế liệu - ảnh 1
Được đầu tư gần 14 tỷ đồng nhưng 10 năm nay trạm cấp nước Ninh Hiệp
đã xập xệ, tan hoang
 
 Hàng ngày HTX Dịch vụ nông nghiệp Phù Đổng – đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác sau khi trạm bơm hoàn thành cắt cử người trông coi nhưng “họa hoằn lắm mới mở cửa, gần chục năm nay trạm bơm không vận hành nên cứ đóng kín thế này thôi” – anh Lợi, người của HTX cho biết.
 
Trong từng ấy năm, với những người dân Phù Đổng, ký ức về những dòng nước sạch, tung bọt trắng xóa từ những đường ống lớn chạy khắp làng vẫn còn vẹn nguyên, khác hẳn với thứ nước giếng khoan vàng khè, đầy váng sắt mà họ vẫn dùng hàng ngày. “Sau hơn 1 năm xây dựng, cuối năm 2001, trạm bơm chạy thử, khỏi phải nói, chúng tôi vui mừng đến thế nào. Đường ống chạy dọc theo con đường chính của xã dài hơn 3 km rồi tỏa về các ngõ. Rất nhiều hộ gia đình háo hức, xây bể chứa, mua đồng hồ chờ đấu nước vào nhà” – ông Giới kể lại.
 
Điều đáng buồn nhất là khi hệ thống đường ống trục chính được lắp đặt xong cũng là lúc đơn vị thi công rút đi, công trình được bàn giao lại cho HTX vận hành. Do thiếu cơ chế hoạt động phù hợp, không huy động được sức dân cùng tham gia nên sau thời gian ngắn, thu không đủ bù chi, trạm cấp nước đành tạm ngưng cấp nước. Việc tạm như vậy, đến nay đã 12 năm, người dân Phù Đổng cũng tạm gác lại ước mơ dùng nước sạch.

Trả giá vì xây theo phong trào
 
Rời Phù Đổng, chúng tôi sang Ninh Hiệp – một xã khác của huyện Gia Lâm. Cùng thời điểm đầu những năm 2000, Ninh Hiệp được quan tâm, “rót” về gần 14 tỷ đồng để xây dựng trạm cấp nước và là trạm bơm được đầu tư lớn nhất huyện. Sau một năm thi công, trạm bơm cùng hệ thống đường ống đưa nước về tận ngõ cho hơn 3.400 hộ dân trải rộng trên 9 thôn đã được hoàn thành. Thôn 1 và thôn 5 may mắn nhất xã được thí điểm lắp đường ống nước sạch đầu tiên. Vậy nên, bà con ngay lập tức góp tiền và chờ đợi...
 
Nhưng, tiền đã nộp đủ từ lâu mà hết ngày này đến ngày khác, càng mong nước càng… mất hút. “Chuyện này ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Cả trạm bơm hiện đại như thế, nhưng chất lượng nước thì kém: đỏ quạch như gạch, bốc mùi tanh, áp lực yếu, khả năng cung cấp thấp. Công trình triển khai theo nhiều giai đoạn, nhiều chủ đầu tư nên thiếu sự đồng bộ, không có hệ thống xử lý bùn, nước thải, cũng chẳng có van đóng mở, không bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố rò rỉ Clo” – Chủ tịch xã Lý Duy Khương lý giải. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng biết tường tận như vậy. Thế nên bao nhiêu bức xúc, chỉ trích, trách móc… họ trút hết lên đầu mấy ông trưởng thôn – người trực tiếp thu tiền đóng góp của dân. Thậm chí, có người còn quy kết trưởng thôn vào tội… lừa đảo.   
 
Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều địa phương khác. Ngoại thành Hà Nội hiện đang có 14 trạm bơm khác đang trong tình trạng “đắp chiếu”, hư hỏng nặng hoặc... nuôi rong rêu. Riêng trạm bơm Xuân Nộn (Đông Anh), An Mỹ (Hoài Đức) không thể sửa chữa, khôi phục mà chỉ còn là đống phế thải… thanh lý.
 
Tiếc của và xót ruột nhưng âu cũng là cái giá phải trả cho việc xây dựng theo phong trào – một lãnh đạo xã thời đó ngậm ngùi chia sẻ. “Lẽ ra trước khi xây dựng phải khảo sát nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của người dân, có người biết vận hành, kinh doanh… Nhưng thời đó, xã nghèo, dân nghèo, dự án được rót về ai cũng mừng và chỉ biết làm thôi nên xây xong rồi, cái nào cũng vướng, xã không có nhân lực và chuyên môn để biết cách… bán nước về các hộ dân. Để hoang từng ấy năm mới ngộ ra thì đã không còn kịp (!?)”.

Tái đầu tư: có Thực sự ý nghĩa?
 
Trong khi hàng chục trạm cấp nước để hoang hóa nhiều năm một cách lãng phí thì những người dân tại đây lại đang phải sử dụng nước mưa hoặc nước giếng khoan nhiễm độc tố cho sinh hoạt hàng ngày. Để tự bảo vệ mình, lâu nay, người dân làng trên xóm dưới ở Ninh Hiệp, Phù Đổng… phải đầu tư hai hệ thống lọc: lọc thô dùng cho giặt giũ, tắm rửa…; còn nước lọc qua máy tinh khiết để nấu nướng, ăn uống.
 
Vấn đề nước sạch cho dân ngoại thành càng trở nên cấp thiết khi mà quy mô dân số tại đây ngày càng mở rộng, nguồn nước ngầm cạn kiệt và nhiễm asen, nhất là tại các làng nghề. Hơn 1 năm nay, việc làm sống lại các trạm cấp nước hoang hóa đã được TP gấp rút triển khai, trong đó phương án xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư được ưu tiên hàng đầu. Một số DN đã tìm về Ninh Hiệp, Phù Đổng (Gia Lâm), Phùng Xá (Thạch Thất)… nhưng đến nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở chủ trương. Chưa kể, tại khu vực ngoại thành phía Tây TP, nơi nguồn nước sạch sông Đà đi qua, phần lớn người dân trong các cuộc họp với xã đều tỏ ra không hào hứng với nguồn nước địa phương mà lại thích dùng nước sông Đà để yên tâm về chất lượng, lại không phải đầu tư lớn...
 
Ngay tại Ninh Hiệp, không ít người dân thẳng thắn: nếu chất lượng nước kém, cung cấp phập phù, lúc có lúc không như trước đây thì họ cũng không mặn mà. Vấn đề đặt ra là nếu người dân từ chối thì việc tái đầu tư liệu có còn ý nghĩa? Vì vậy, để việc khôi phục lại các trạm cấp nước đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, trước khi triển khai đại trà trên 10 trạm cấp nước hiện đang bỏ hoang, TP nên có những khảo sát cụ thể, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, điều kiện kinh tế, khả năng chi trả cũng như cơ sở hạ tầng của địa phương để có mô hình phù hợp, tránh lặp lại những bất cập trong quá khứ…

Hạnh Lê

Tin cùng chuyên mục

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

“Lá chắn thép” nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc

(PNTĐ) - Cách đây 70 năm, trên mảnh đất Điện Biên lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người lính bộ đội cụ Hồ và nhân dân đã anh dũng, ngoan cường làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp bước cha anh, ngày nay, thế hệ những người lính biên phòng Điện Biên vẫn là những “lá chắn thép” vững vàng, hiên ngang giữa núi rừng Tây Bắc, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng bà con Điện Biên đang chung tay viết tiếp khát vọng non sông.
Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

Dốc toàn lực để về đích trước thời hạn

(PNTĐ) - Sau hơn 8 tháng triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của nhân dân, tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của đội ngũ thi công không có ngày nghỉ, những hạng mục của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang dần hình thành, đem tới sự kỳ vọng phát triển vượt bậc của TP Hà Nội và các vùng phụ cận trong tương lai.
Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

Dịch vụ hẹn hò giấu mặt và những chuyện dở khóc, dở cười

(PNTĐ) - Hai người khác giới chưa từng gặp mặt bao giờ được sắp xếp ngồi trong không gian riêng tư tìm hiểu nhau với đôi mắt che kín. Trào lưu này khá phổ biến với giới trẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và đang nở rộ ở Hà Nội, nhưng không phải ai cũng tìm được “nửa kia” của mình khi tham gia chương trình này.
Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

Đổi thay trên quê hương xã đảo duy nhất của Thủ đô

(PNTĐ) - Với đặc thù địa giới hành chính bao bọc bởi các dòng nước, xã Minh Châu, huyện Ba Vì là xã đảo duy nhất của Thủ đô, nằm lọt thỏm giữa sông. Người dân nơi đây từng không bắt kịp với sự phát triển như vũ bão của Thủ đô. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân đã biết đầu tư vào nông nghiệp có giá trị cao, hướng tới phát triển du lịch sinh thái, mang lại những đổi thay tích cực trên quê hương.
Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

Những phụ nữ “không hoa không quà” trong ngày 8/3

(PNTĐ) - Hình ảnh người phụ nữ với gánh hoa rong đã trở thành nét đẹp duyên dáng, quen thuộc của mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Họ lặng lẽ mang tình yêu đến cho bao người trong ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3) mà bản thân có khi chẳng nhận được bất cứ món quà nào. Với những người phụ nữ ấy, niềm vui là kiếm thêm được thu nhập và nụ cười hạnh phúc của khách hàng.