Khi hôn nhân bị níu kéo bằng bạo lực

Chia sẻ

PNTĐ-Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp xin ly hôn do người vợ chủ động đứng tên. Trong số này có không ít chị em đã vấp phải sự ngăn cản quyết liệt bằng bạo lực từ phía chồng.

 
Ra đòn với vợ vì “dám” đòi ly dị
 
Vạch lớp tóc dầy cho chúng tôi xem những u, cục to bằng quả sung, quả ổi trên đỉnh đầu, chị Nguyễn Thị Ban (SN 1985, P. Láng Thượng, Q. Đống Đa) gạt nước mắt kể về cuộc hôn nhân bất hạnh với anh Phạm Văn Tài (SN 1984). “Ngày ấy, khi thấy tôi yêu Tài, mẹ tôi đã ra sức can ngăn với lý do 13 tuổi Tài đã  từng đâm chết cả đàn lợn sữa nhà hàng xóm. Mẹ bảo: “Thằng ấy có máu côn đồ, con đừng lấy nó”. Thế nhưng chị Ban vẫn quyết định làm đám cưới vì tin rằng tình yêu sẽ cải tạo được tính xấu của bạn đời. Từ ngày kết duyên với Tài (năm 2010), chị Ban chưa có ngày nào hạnh phúc. Hễ không vừa ý về bất cứ điều gì là Tài đánh vợ. Một tháng sau ngày cưới, chị đòi ly dị thì bị chồng đá vào mạng sườn ngất lịm. Vừa tỉnh lại chị đã bị chồng đe: “Nếu cô còn có ý định bỏ chồng, thì cả nhà cô sẽ phải trả giá”. Tháng 10/2011, chị sinh con gái. Tưởng có con thì chồng sẽ thay đổi nhưng anh ta vẫn chứng nào tật nấy.
 
Khi hôn nhân bị níu kéo bằng bạo lực - ảnh 1
Minh họa sưu tầm
 
Nói về chồng mình, chị Đặng Thị Thu (SN 1971), nhân viên công ty du lịch (Ngô Gia Tự, P. Đức Giang, Q. Long Biên) cay đắng: “Ở cơ quan anh ấy luôn tỏ ra là người chỉn chu nhưng về nhà thì hiện nguyên hình kẻ ki bo, độc đoán”. Chồng chị là Trần Văn S. (SN 1968), là cán bộ nghiên cứu tại một cơ quan T.Ư.  Năm 1994, họ kết hôn và có 1 con trai (SN 1998) nhưng hôn nhân không hạnh phúc. Mỗi tháng anh đưa cho vợ 1,2 triệu đồng và phân tích: “Bố con tôi chỉ  ăn 1 bữa tối ở nhà, tôi chi 20.000 đồng/suất là quá… xông xênh”. Chị phải làm thêm để bù đắp chi tiêu gia đình cho đủ, vậy mà còn bị chồng đay nghiến. Đến năm thứ 12 khi bị chồng bắt nghỉ việc về  phụ mẹ chồng bán hàng khô, chị quyết định “nếu ép bỏ việc thì sẽ ly hôn”. Vậy là anh ta tuyên bố: “kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục – người như tôi thì không thể mang tiếng bị vợ bỏ. Nếu cô quyết đoạn tình thì sẽ bị con trai cô trừng trị”.
 
Tháng 5/2013, chị Thu về ở nhờ trong căn hộ của người em trai. Anh S. âm thầm cho người theo dõi vợ. Khóa cửa nhà chị thường xuyên bị đổ keo, kẹt cứng. Thợ khóa đến xử lý là lập tức anh cùng cậu con trai xuất hiện. Tại “hiện trường” anh giải thích: “mẹ con dắt giai về”, “mẹ con thích quan hệ lăng nhăng nên  mới bỏ bố con mình…”. Mới đây, khi một thanh niên công ty truyền hình cáp đến thu phí thì con trai chị xông vào vung dao đòi chém mẹ. Thấy con bị bố đầu độc tinh thần, biến mẹ thành kẻ thù, chị đến trường tìm con trò chuyện. Suốt buổi cậu con trai chỉ nói với  mẹ một câu do bố dạy thuộc lòng:  “Nếu mẹ quay về thì mới chứng tỏ được mình là người vô tội”.
 
Dùng bạo lực để níu kéo hôn nhân là phạm luật
 
Theo ông Nguyễn Hồng Toán, Ủy viên BCH Hội Luật gia TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia Q. Tây Hồ, pháp luật về HN&GĐ cho phép chị em được đơn phương ly hôn khi hôn nhân bất hạnh. Những hành vi bạo hành vợ về thể xác và tinh thần trong những vụ việc nêu trên và các tình huống tương tự của người chồng, đã vi phạm Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
 
Theo quy định tại luật này và NĐ 110/2009/NĐ-CP: Nếu người chồng đánh đập vợ, gây tổn thất nhẹ về thể xác, tinh thần; thường xuyên theo dõi vợ vì lý do ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, gây áp lực về tâm lý, không cho vợ được thực hiện quyền làm việc… thì sẽ bị  phạt tiền từ 100.000 đồng - 30 triệu đồng, thậm chí có thể bị xét xử, truy tố theo Luật Hình sự.
 
Vì thế, những người vợ bị tổn thương  bởi đòn chồng có thể chủ động bảo vệ mình. Chị em hãy viết đơn tố cáo hành vi bạo lực,  kèm  theo chứng cứ (hình ảnh, giấy tờ điều trị thương tích, hung khí…), địa chỉ người làm chứng… gửi đến cơ quan CA, UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực. Nếu chị em bị chồng theo dõi, truy đuổi hoặc tâm trí đang bế tắc vì bị ràng buộc tình cảm gia đình, thì hãy tìm đến Hội phụ nữ để được giúp đỡ vào nhà tạm lánh. Tại đây, chị em sẽ được trợ giúp về y tế,  nơi ăn chốn ở,  được điều trị tâm lý và  tư vấn pháp luật miễn phí. Việc người chồng bạo hành vợ dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng là lý do chính đáng để tòa giải quyết ly hôn theo yêu cầu của người vợ.
 
Cũng cần lưu ý đến thực tế: Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ 6 năm nay, nhưng số nạn nhân đứng ra tố cáo không nhiều. Bởi người trong cuộc e rằng việc phạt tiền chẳng những không làm người bị phạt thay đổi hành vi mà ngược lại có thể sẽ làm tăng thêm nỗi bất hòa. Tâm lý người Á đông không phải lúc nào cũng đưa luật vào để giải quyết các mối quan hệ gia đình. Vì vây, chị em cần tế nhị hơn trong cách ứng xử với những người chồng quá khích. Nếu thấy không thể cứu vãn được tình cảm và quyết định ly hôn thì cần dành thời gian để bạn đời của mình được chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý, đừng để  người chồng lâm vào tình thế bị động và phẫn uất, khiến họ có phản ứng tiêu cực, gây  hậu quả đáng tiếc cho vợ, cho bản thân và con cái.

Thanh Hồng

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.