Rước họa vì … “nóng tính”

Chia sẻ

PNTĐ-“Nếu trước đây đối tượng bị tòa án NDTP.HN xét xử về tội chống người thi hành công vụ đại đa số là đàn ông, thì từ năm 2012 đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt nữ”.

 
Đó là nhận định của Luật gia Nguyễn Thị Thăng – P.Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia TP Hà Nội.
 
Vì thói “lu loa”…     
 
Năm 2013, chị Nguyễn Thị Minh, quê ở xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ bước sang tuổi 35. Đang sống êm ấm hạnh phúc cùng chồng, con thì xảy ra chuyện. Theo cáo trạng của VKSND quận Cầu Giấy, tối hôm đó, chị đang có mặt tại nội thành Hà Nội. Nhận được điện thoại của người quen báo tin, “đang bị tổ tuần tra, cảnh sát cơ động (CSCĐ) giữ tại quận Cầu Giấy do ngồi sau xe máy của bạn mà không đội mũ bảo hiểm”, chị tất tả đến đường Vũ Phạm Hàm, gặp tổ tuần tra xin “cho qua mọi chuyện” nhưng không được chấp nhận. Cho rằng CSCĐ  “quá đáng”, “chuyện bé xé ra to”, chị Minh nặng lời chỉ trích sau đó thì “lu loa” ầm ỹ rồi túm cổ áo, tát vào mặt cán bộ Trần Văn T.
 
Chị Vũ Thị Kim (SN 1973), trú tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm cùng chồng bán phở tại đường Phạm Văn Đồng. Quán nhỏ, khách đông, anh chị  thường xuyên xếp bàn ghế cho khách ngồi ăn tại vỉa hè. Tuy đã được lực lượng trật tự của huyện nhắc nhở nhiều lần nhưng chị Kim vẫn “chứng nào tật nấy”. Trong đợt kiểm tra xử lý vi phạm trật tự trên tuyến đường Phạm Văn Đồng cuối năm 2012, tổ công tác của huyện Từ Liêm lại yêu cầu chị Kim không được lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh và phải đưa toàn bộ  bàn ghế vào trong quán. Vợ chồng chị Kim không chấp hành. Tổ công tác đã thu giữ bàn ghế đưa lên xe ô tô. Xót của, chị Kim từ trong quán chạy ra chửi bới, co kéo cố giành lại những thứ bị thu giữ. Giằng không được, chị liền vớ lấy bát phở trên bàn hất vào người  ông Vũ Văn H- một thành viên của tổ công tác.
 
Mới đây, hai chị  em ruột là Nguyễn Thị Chinh (SN 1991) và Nguyễn Thị Linh (SN 1984), quê xã Trường Yên vừa phải ra trước vành móng ngựa của TAND huyện Chương Mỹ. Theo thông tin từ  Hội phụ nữ cơ sở và cáo trạng của VKSND huyện, bố mẹ chị được sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để trồng lúa. Sau đó gia đình đã bồi đắp, cải tạo khu đất trũng thành vườn trồng chuối. Việc làm này không được chính quyền cho phép nên UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế, buộc người sử dụng đất phải “Khắc phục lại tình trạng của thửa đất như trước khi vi phạm”.
 
Không đồng ý với quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, khi lực lượng cưỡng chế thi hành nhiệm vụ thì chị Chinh lớn tiếng, “Không được phá vườn chuối nhà tôi” rồi xông ra đứng  chặn trước đầu  máy xúc, sau đó tiến đến ôm lấy bánh xe, làm cho việc cưỡng chế bị gián đoạn. Khi chị Chinh bị lực lượng cưỡng chế bắt giữ, đưa ra khỏi khu vực thì chị Linh xông vào xô đẩy, giằng co với lực lượng bảo vệ và cắn vào tay ông Nguyễn Thế M – người đang làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự tại hiện trường.

… Nên sa “cửa ngục”
 
Chị Minh chỉ khiến anh T. bị xây xước ở mặt và cổ. Chị Kim chỉ làm ông H. bị cảm giác nóng rát trên da, vì bát phở chị hắt vào ông không phải vừa được múc ra từ nồi nước dùng đang sôi, mà là bát phở khách đã ăn xong, còn phần thừa bỏ lại. Ông M. cũng chỉ bị đau nhẹ ở tay, vì khi bị chị Linh cắn, ông khoác áo bông chống rét.
 
Nhưng hậu quả các chị phải gánh chịu là tất cả đều bị kết tội “Chống người thi hành công vụ”. Chị Minh phải hầu tòa đến lần thứ 3 mới được TAND TP giảm án xuống 6 tháng tù giam (trước đó TAND quận Cầu Giấy tuyên phạt chị 12 tháng tù). Chị Kim bị TAND huyện Từ Liêm tuyên 6 tháng tù. Chị kháng cáo với hy vọng được giảm nhẹ hình phạt,  nhưng mới đây, TAND TP đã xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và quyết định “Giữ nguyên mức án tòa sơ thẩm đã tuyên”. Chị Chinh và chị Linh bị TAND huyện Chương Mỹ kết án mỗi người 3 tháng tù giam.
Từ khi  bị bắt tạm giam đến khi đi chấp hành án, chị em và thân nhân của các chị vẫn chưa hết bàng hoàng, không ngờ chỉ vì thói  “lu loa”,  ngoa ngôn, “nóng tính” mà vướng vào vòng lao lý.
 
Phân tích về  hậu quả pháp lý của hành vi chống người thi hành công vụ,  Luật gia Nguyễn Thị Thăng cho biết, thương tích chị em gây ra cho các nạn nhân tuy không đáng kể, nhưng  tính chất của hành vi các chị  thực hiện  là rất nghiêm trọng. với tư cách “Con người cá nhân”, các bị hại có thể tha thứ cho chị em, vì sau cơn nóng giận các chị đều ăn năn hối lỗi. Tuy nhiên, với tư cách “Con người xã hội” thì họ không thể và không được phép “xin tha”, vì khi bị các chị xâm hại họ là người đại diện cho cơ quan Nhà nước, thi hành nhiệm vụ ở địa bàn công cộng. Các chị chửi bới, lăng mạ, hành hung  họ - những hành vi này trong chừng mực nhất định đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý của cơ quan Nhà nước.  Vì vậy mà  ngay khi đang “lu loa” các chị đã bị lập biên bản phạm pháp quả tang, bị bắt tạm giam trước khi bị dẫn giải ra trước phiên tòa hình sự.  
 
Bốn bị cáo ở ba vụ án nêu trên có 3 chị đã có gia đình, trong đó có 1 chị đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, 1 chị chưa chồng đang theo học ngành y. Các chị lĩnh án không chỉ bản thân phải khổ mà còn làm ảnh hưởng đến cả hạnh phúc, tương lai và khiến chồng, con, người thân cũng phải  chịu khổ lây. Để không bị sa vào vòng lao lý chỉ “vì những chuyện không đâu”, chị em cần phải biết kiềm chế, điều chỉnh hành vi và có thái độ đúng mực với  những người đang thi hành công vụ.
 
 Điều 257, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện những hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
 
Phạm tội trong các trường hợp: “Có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người phạm tội; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm” thì bị “phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
 
 
Thanh Hồng

Tin cùng chuyên mục

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

Bao giờ mới được “tháo gông” dự án treo?

(PNTĐ) - 16 năm nay, hàng nghìn hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất vẫn phải chịu đựng nhiều nỗi khổ, mắc kẹt trong chính mảnh đất ở, thửa ruộng của mình vì nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị Tiến Xuân do Công ty TNHH MTV Sudico làm chủ đầu tư...