10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu

Chia sẻ

PNTĐ-Trong khuôn khổ “Ngày hội sáng tạo phụ nữ Thủ đô 2013”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tôn vinh 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu.

 
Bằng tài năng, sức sáng tạo, sự nhiệt huyết của mình, các chị đã đem lại những lợi ích quý báu cho cộng đồng và xã hội. Báo Phụ nữ Thủ đô xin gửi tới quý vị độc giả 5 trong số 10 gương mặt được tôn vinh lần này.
 
Giấc mơ giúp phụ nữ thoát nghèo của “bà chúa nấm”
 
Năm 1984, khi bảo vệ luận án tiến sĩ về “Vi sinh vật trong công nghiệp trồng nấm” tại Tiệp Khắc, GS Nguyễn Thị Chính, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học thuộc Công ty TNHH Nấm Linh chi đã nghĩ, tại sao môi trường nóng ẩm của Việt Nam rất thích hợp để trồng nấm mà chúng ta lại không biết tận dụng để phát triển? Và từ đó, giấc mơ về những cơ sở sản xuất nấm giúp phụ nữ thoát nghèo đã bắt đầu hình thành.
 
10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu - ảnh 1
 
Với câu hỏi đó, năm 1987 khi đã được cấp “Bằng sáng chế” của Tiệp Khắc về công nghệ sản xuất nấm sò trên rơm, bà đã là nhà khoa học đầu tiên mang các chủng nấm ở châu Âu về Việt Nam thử nghiệm và đưa vào sản xuất tại các vùng nông thôn.
 
Nhiều nơi tại ngoại thành Hà Nội như Ba Vì... đã được bà hướng dẫn cách chăm sóc nấm bằng chất thải nông lâm thủy sản, một số xưởng đã sản xuất nấm trên diện rộng giúp người nông dân có công ăn việc làm và giàu từ nấm. Gần đây, bà tiếp tục nghiên cứu các loại nấm dược liệu như sinh khối Linh chi dạng sợi, Đông trùng hạ thảo… có tác dụng trong việc hỗ trợ một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan B… Bà được những người trong giới gọi với cái tên đáng yêu là “Bà chúa nấm Linh chi”.
 
Trong suốt chặng đường dài dành cho nấm của mình, bà đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng. Ngày 20/10 năm nay, bà được Hội LHPN Hà Nội tôn vinh là một trong 10 phụ nữ tiêu biểu của Thủ đô.
 
Chiến công thầm lặng sau những trang hồ sơ
 
“Khi hồ sơ hỗ trợ được công tác điều tra ra các vụ án thì đó là niềm vui lớn nhất của cán bộ chiến sĩ chúng tôi” - Thượng tá Chu Thị Phương Lan, Phó trưởng phòng Lưu trữ hồ sơ tài liệu (PC 53), CA HN chia sẻ về công việc của mình.
 
10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu - ảnh 2
 
Là đơn vị rất đặc thù của công an thành phố, làm nhiệm vụ lưu trữ hồ sơ nghiệp vụ, cung cấp thông tin phục vụ các cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát, tòa án...) trong công tác đấu tranh phòng chống, xử lý tội phạm; đồng thời phục vụ nhu cầu của nhân dân... phòng PC 53 chiếm tới 80% cán bộ nữ.
 
Một trong những nhiệm vụ của chị Lan là cùng cơ quan chủ động xây dựng một tập thể đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, xây dựng mô hình hoạt động có hiệu quả, mang tính đột phá có sức lan toả được các cấp đánh giá cao. Chị hiện là Ủy viên BTV Hội LHPN CAHN.
 
Chị cho biết, nếu làm tốt công tác vận động phụ nữ ở các đơn vị, nói rộng ra là CATP, sẽ có tác động tích cực để phục vụ công tác chuyên môn: “Phụ nữ nhiều khi bận rộn công việc gia đình, thậm chí còn tự ti, nếu người lãnh đạo công tác phụ nữ mà nắm được đặc điểm ấy của chị em, mình thuyết phục, động viên thì sẽ có tác dụng rất lớn khiến chị em vững tin hơn, mạnh dạn hơn”.
 
Có lẽ, nhờ sự đoàn kết của chị em, phòng PC 53 của chị Lan đã có nhiều thành tích được Bộ Công an và Ban Giám đốc CAHN ghi nhận và khen thưởng: Đơn vị quyết thắng (10 năm liền), Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhì; năm 2011 Phòng PC 53 đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam...    

Hết lòng vì người lao động
 
Là Phó Giám đốc công ty, kiêm chủ tịch Công đoàn của một công ty có nhiều lao động nữ như Ladoda, chị Phạm Thị Ngọc Chi, đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ chị em.  
 
10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu - ảnh 3
 
Ladoda là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại cặp sách, túi sinh viên, túi xách nữ, ví, dây lưng, các loại giày, dép. Với đặc thù công việc, có đến 50% lao động trong công ty là nữ, chị Phạm Thị Ngọc Chi đã luôn lắng nghe những chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của chị em nhất là chuyện về chỗ ăn, chỗ ở, về chế độ làm việc để có những kiến nghị đề xuất với ban lãnh đạo công ty xây dựng một chế độ làm việc hợp lý.
 
Chị Xuân, một nữ công nhân đang nuôi con nhỏ 1 tuổi, làm việc tại dây chuyền 9 của công ty chia sẻ: “Tôi và nhiều chị em công nhân khác khi mang thai từ tháng thứ 7 hoặc những người nuôi con nhỏ đến 1 tuổi chỉ phải làm việc 7 tiếng/ngày. Ngoài ra, sản phụ còn được hưởng chế độ ăn ca, xăng xe, tiền thưởng lao động chuyên cần... Từ năm 2006, công ty còn phụ cấp 100.000 đồng hỗ trợ chị em nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi”.
 
Chị Chi cho biết, công nhân lao động đến công ty không chỉ có việc làm, thu nhập ổn định, mà còn được thụ hưởng nhiều quyền lợi về đời sống tinh thần. Công ty có khu tập thể dành cho những công nhân ở xa, hoặc những cặp vợ chồng còn khó khăn về chỗ ở. Năm 2010, nhà văn hóa của Cty được xây dựng rộng 700m2, gồm phòng đọc sách báo, phòng hát karaoke, phòng tập thể dục thẩm mỹ nhằm nâng cao sức khỏe cho người lao động…     

Nữ bác sĩ già và trái tim thiện nguyện 
 
Năm 1992, bác sĩ Trương Thị Hội Tố (nguyên là Hiệu phó trường Cao đẳng Y tế Nam Ðịnh) nghỉ hưu, rất nhiều phòng khám tư nhân mời bà về làm với mức lương cao, nhưng bà đều từ chối. Thay vào đó, bà mở phòng khám thiện nguyện (tại phường Giáp Bát, Q. Hoàng Mai) với sự tham gia của nhiều y, bác sĩ về hưu. Đều đặn vào mỗi sáng thứ Hai, thứ Năm hằng tuần, phòng khám từ thiện mở cửa khám và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân là người nghèo, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình chính sách. Mỗi ngày khoảng 20 bệnh nhân được tiếp đón.
 
10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu - ảnh 4
 
Hơn 20 năm qua, các y, bác sĩ ở đây đã khám, cấp thuốc, tư vấn chữa bệnh miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người bệnh nghèo. Hình ảnh những mái đầu bạc trắng khám bệnh, giải thích tận tình bệnh tình cho từng người bệnh để lại ấn tượng sâu đậm cho bất kỳ ai có dịp ghé thăm phòng khám. Để duy trì hoạt động, các y bác sĩ đóng góp khoản lương hưu ít ỏi của mình, riêng bác sĩ Tố, hằng tháng ủng hộ tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ và tiền con cháu biếu, tiền dành dụm…
 
Tuy tuổi đã cao – 83 tuổi, nhưng vị bác sĩ già đáng kính này, ngoài thời gian khám chữa bệnh miễn phí còn đi quyên góp tiền gây quỹ hỗ trợ những gia đình nghèo khó, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Từ năm 2003 đến nay, bà và gia đình còn nhận đỡ đầu cho 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn: 1,2 triệu đồng/tháng. Hằng năm bà đều ủng hộ quỹ hỗ trợ khó khăn của Thành phố để có thêm nhiều trẻ em được có cơ hội cắp sách tới trường.    
   
Duyên nợ đã đưa tôi đến với áo dài
 
Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đầy cố gắng, với những thành công chị đã gặt hái trên con đường tôn vinh vẻ đẹp cho người phụ nữ Việt Nam, nhà thiết kế áo dài Lê Thị Lan Hương giản dị cho rằng: “Duyên nợ đã đưa tôi đến với áo dài”.
 
10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu - ảnh 5
 
Từ cô sinh viên trẻ tuổi tốt nghiệp khoa Sân khấu trường Đại học Văn hóa, thay vì làm công việc đúng nghề mình học, chị lại theo đuổi, biến ước mơ trở thành một nhà thiết kế. Mỗi bộ sưu tập của chị đều xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê, là quá trình làm việc miệt mài và sáng tạo không ngừng. Với Lan Hương, tà áo dài là món quà quý của cha ông để lại, là quốc hồn quốc túy của dân tộc, nên chị muốn làm cho chúng ngày một đẹp, văn minh, sâu sắc và ý nghĩa hơn. Áo dài Lan Hương vì thế được hướng tới một nét đẹp truyền thống và thực sự là một tác phẩm để khi bất cứ ai nhìn vào cũng muốn được mặc, là sự lựa chọn số một trong những buổi tiệc hay ngày lễ quan trọng.
 
Những bộ sưu tập đa dạng về màu sắc, đậm nét về ý nghĩa như “Huyền thoại Đông Hồ” là sự tiếc nuối về làng tranh, khi hồn dân tộc vị nhiều vẻ đẹp khác lấn át và dần phôi phai. Hay bộ sưu tập “Phố cổ” là những cảm nhận sâu sắc, tinh tế của riêng chị về khung cảnh sống xung quanh đã thuộc về hoài niệm… Với sự nghiêm túc và đầy nhiệt huyết với nghề, nhiều bộ sưu tập của chị đã được giới chuyên môn đánh giá là kinh điển và quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới.    
 
PNTĐ

 
 

Tin cùng chuyên mục

 Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

(PNTĐ) -Sinh năm 1983, là một người vừa có đam mê vừa có “năng khiếu” trong công tác tham mưu. 10 năm qua, Thiếu tá Trần Thị Minh, cán bộ Đội Tham mưu Cảnh sát, Phòng Tham mưu, CATP Hà Nội đã nỗ lực không ngừng để đạt được nhiều thành tích trong công tác cũng như các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ Công an TP Hà Nội.
Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

(PNTĐ) -Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới. Dưới đây là một số gương nghệ nhân tiêu biểu được Hội LHPN Hà Nội vinh danh trong chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống” thành phố Hà Nội năm 2023.
Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

(PNTĐ) -Chị Nguyễn Thị Lan Hương, sinh năm 1965 đã có “thâm niên” 23 năm làm Tổ trưởng tổ phụ nữ số 13 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. 23 năm “vác tù và hàng tổng” nhưng chị không thấy mỏi mệt mà ngược lại càng mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.