Ẩn họa từ làm đẹp nhờ “dao kéo”

Chia sẻ

PNTĐ-Phẫu thuật thẩm mỹ là một nhu cầu chính đáng của chị em, tuy nhiên, can thiệp để chỉnh sửa sắc đẹp tự nhiên là câu chuyện không hề đơn giản.

 
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro
 
Thời gian gần đây, đã có không ít chị em gặp nạn, thậm chí mất mạng khi làm đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ tư nhân ở Hà Nội. Ngày 4/1/2013, Trần Thị Thu Hương (SN 1971) đã tử vong vì xoá sẹo trên môi tại thẩm mỹ viện Linh Nhung tại 255 Xã Đàn (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) do sốc phản vệ sau khi gây mê. Trước đó, ngày 30/4/2011, chị Bùi Bích Lộc (38 tuổi, ở phố Lê Duẩn, Hà Nội) cũng đã tử vong sau khi bơm ngực và chẻ cằm với chi phí 2.600 USD tại Trung tâm thẩm mỹ Hà Nội, 257 Giải Phóng. Sau khi phẫu thuật nạn nhân thấy khó thở, buồn nôn, BS phẫu thuật đang đi nghỉ cuối tuần nên nhờ 2 BS khác xử lý hộ, khiến nạn nhân tử vong do phù phổi cấp và sốc phản vệ…
 
BS Nguyễn Thanh Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt (BV Việt Nam - Cu Ba) cho biết, ông đã từng phải “chữa cháy” cho một trường hợp gặp sự cố sau khi phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ T.L (Hà Nội). Nạn nhân sau 7 ngày mổ, vết mổ đã lành nhưng cứ chạm nhẹ vào ngực là thấy đau đớn, có biểu hiện sốt cao. Tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân, bác sĩ Thái phát hiện túi độn bên trong ngực đã vỡ khiến rò dịch chứa bên trong, gây nhiễm trùng. Phần thịt xung quanh đã bị viêm, sưng và bắt đầu có hiện tượng hoại tử...
 
 “Bất cứ dạng can thiệp vào cơ thể dù nhỏ cũng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như biến chứng ở giai đoạn gây mê, dị ứng thuốc, sốc thuốc, biến chứng trong can thiệp ngoại khoa”, BS Nguyễn Tài Sơn – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt (BV 108), Phó Chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình Hà Nội khuyến cáo.
 
Ẩn họa từ làm đẹp nhờ “dao kéo” - ảnh 1
BS Nguyễn Tài Sơn và những “quả” độn nâng ngực thẩm mỹ
đang khuyến cáo về những biến chứng ngoại khoa với người 
 phẫu thuật thẩm mỹ
 
Theo bác sĩ Sơn, một số biến chứng thông thường có thể xảy ra là nhiễm trùng sau mổ, dị ứng, kích ứng, viêm tấy, nhiễm khuẩn, chảy máu nhiều và vón cục máu tồn đọng trong vết thương đòi hỏi cần phẫu thuật lại để loại bỏ, tăng nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh qua đường máu, thậm chí còn có thể dẫn đến loét hoại tử và nhiều ảnh hưởng khác như đau nhức, sưng tấy, bầm tím, gây khó khăn khi cử động… Nguy hiểm nhất vẫn là biến chứng trong quá trình gây mê, gây tê. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân khi đi phẫu thuật thẩm mỹ. Khi sử dụng thuốc mê, người bệnh sẽ không đau nhưng có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, dễ dẫn đến tử vong. Hay ở quá trình gây tê, bệnh nhân có thể sốc phản vệ do cơ địa dị ứng sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rất nguy hiểm đặc biệt là với những người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao.
 
Làm đẹp an toàn
 
Hiện ở Hà Nội có 35 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép hoạt động, trong đó có 2 cơ sở đã tự đóng cửa. Tuy nhiên, theo quy định, các phòng khám chuyên khoa này chỉ được thực hiện các kiểu tiểu phẫu đơn giản như cắt mí mắt, nâng mũi, cắt cánh mũi… Các phẫu thuật như nâng ngực, nâng mông, hút mỡ bụng, căng da mặt, thu nhỏ ngực, thu quầng ngực, hút mỡ cánh tay, đùi, lưng… phải thực hiện ở các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ - nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu...
 
Để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, BS Sơn đưa ra lời khuyên đối với chị em: “Mọi biện pháp làm đẹp có can thiệp ngoại khoa đều phải được thực hiện bởi các BS đã được đào tạo chuyên khoa và có kinh nghiệm”. BS phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giải đáp mọi thắc mắc của người bệnh, nhất là những thông tin về việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật, cách thức và những biến chứng có thể sẽ gặp phải... Người muốn được phẫu thuật phải được khám sàng lọc và xét nghiệm đầy đủ để đảm bảo có thể chịu được cuộc đại phẫu “chỉnh sửa lại sắc đẹp của tạo hóa” kéo dài từ 1-2h. Ngoài ra, có một số lưu ý khi phẫu thuật thẩm mỹ như người bệnh cần trao đổi với BS những loại thuốc mà mình đang sử dụng, tiền sử bệnh tật hay dị ứng thức ăn…
 
Theo BS Sơn, đối tượng lý tưởng để làm phẫu thuật thẩm mỹ là phụ nữ có độ tuổi từ 18 trở lên; không mang thai hoặc cho con bú, tình trạng sức khỏe tốt, tâm lý ổn định, không có bệnh mãn tính liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiểu đường… và quan trọng đây là lần phẫu thuật đầu tiên.

Tâm Thanh - Thu Nhi

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.