Người Hà Nội lại thấp thỏm chờ thịt sạch?

Chia sẻ

PNTĐ-Gần 90% người dân Hà Nội hằng ngày vẫn đang phải sử dụng thịt từ 2.571 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

 
Với nhiều ưu đãi dành cho chủ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GMGSGC) cũng như các hộ chăn nuôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn HN hy vọng sẽ làm “sống dậy” các dây chuyền GMGSGC đã “chết yểu” trong vòng nửa năm tới để cung ứng thịt sạch, đảm bảo vệ sinh cho thị trường.
 
Hỗ trợ mạnh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
 
Với một TP đông dân như HN, nhu cầu thịt sạch rất lớn thì nhất thiết phải đưa việc GMGSGC hiện đại vào hoạt động. Thế nhưng, hết dây chuyền công nghiệp này đến dây chuyền khác được đầu tư nhưng đều lần lượt chết yểu hoặc hoạt động cầm chừng. Sau 15 năm chờ đợi, đến nay, gần 90% người dân HN hằng ngày vẫn  đang phải sử dụng thịt từ 2.571 cơ sở GMGSGC thủ công không đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
 
“Cho rằng làm giết mổ là ngon ăn nên khi TP kêu gọi đầu tư, nhiều doanh nghiệp hăng hái lắm, không ngần ngại đầu tư mà bỏ qua việc tìm hiểu tâm lý của người chăn nuôi, thực trạng của hệ thống giết mổ thủ công” – ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT cắt nghĩa sự đắp chiếu đồng loạt của các dây chuyền GMGSGC tại HN. Không có ưu đãi nên DN thu phí theo giá thị trường. Nhưng, không hộ chăn nuôi nào chấp nhận mang vài con lợn, con gà đi hàng chục cây số đến các cơ sở hiện đại, rồi lại phải chịu mức phí giết mổ cao ngất ngưởng so với các lò mổ thủ công ở sát cạnh nhà. Người chăn nuôi quay lưng, dây chuyền giết mổ cầm cự lay lắt trong khi các lò mổ thủ công vẫn sống khỏe.
 
Người Hà Nội lại thấp thỏm chờ thịt sạch? - ảnh 1
Dây chuyền giết mổ hiện đại hoạt động cầm chừng
 
Thực tế này đã được lãnh đạo TP nhìn nhận. Vì vậy, để đạt mục tiêu phát triển hệ thống GMGSGC của HN đến năm 2015, sản phẩm thực phẩm giết mổ công nghiệp sẽ chiếm 40 – 45%; sản phẩm thực phẩm giết mổ bán công nghiệp chiếm 35 – 40%; 75 -85% sản phẩm giết mổ được kiểm soát và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, TP đồng thời đưa ra nhiều ưu đãi về thuế cho DN và hỗ trợ chi phí giết mổ tập trung các hộ chăn nuôi với các mức 50% năm đầu tiên, 40% năm thứ hai và 30% năm thứ ba. Sự hỗ trợ này, theo tính toán, với các cơ sở giết mổ quy mô lớn sẽ nhận khoảng từ 7 – 12 tỷ đồng/năm.   
 
Với những ưu đãi này cùng việc chuyển giao đầu mối quản lý hệ thống GMGSGC từ Sở Công thương về đúng “chủ sở hữu” là Sở NN&PTNT, ông Hoàng Thanh Vân lạc quan tin tưởng sẽ làm “sống dậy” các dây chuyền GMGSGC trong vòng nửa năm tới, bước đầu cung cấp thịt tươi sống đảm bảo vệ sinh cho người dân Thủ đô.

Phải đi lên từ gốc
 
Đồng tình với việc phải có sự hỗ trợ kinh phí của TP nhưng ông Đỗ Trọng Phất – Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi HN cho rằng, để các mô hình GMGSGC tập trung thành công, chỉ rót tiền thôi chưa đủ mà cần thay đổi tư duy, cách làm. Đó là giết mổ không thể tách rời quản lý chế biến và phát triển vùng chăn nuôi. Thay vì chờ hộ chăn nuôi đến với mình, các cơ sở giết mổ hãy tìm về các vùng chăn nuôi theo nguyên tắc đàn gia súc phát triển tại đâu đặt điểm giết mổ tại đó.
 
Hơn thế, với thực trạng chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình còn chiếm đa phần như hiện nay, nên đi từng bước; từ giết mổ bán công nghiệp vừa với điều kiện thu mua và đầu tư máy móc, khi thói quen của người tiêu dùng thay đổi, quy mô chăn nuôi được mở rộng thì mới có thể tính đến giết mổ công nghiệp. “Dây chuyền hiện đại hàng trăm tỷ đồng đặt tại Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng xung quanh chỉ có các tòa nhà cao ốc chắc chắn sẽ chết yểu, trong khi một điểm giết mổ đặt tại các xã hoặc liên xã, có đàn GSGC phát triển ổn định sẽ hiệu quả hơn nhiều…” – ông Phất nói.
 
Ngoài việc xác định hướng đi, cách làm như trên, ông Hoàng Thanh Vân cho biết thêm, muốn làm được, nhất quyết chính quyền địa phương phải ra tay “dẹp loạn” các lò mổ thủ công nhếch nhác và bẩn thỉu nằm len lỏi trong các khu dân cư đồng thời tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đặt các điểm GMGSGC. Trao đổi với PV, đại diện Phòng Chăn nuôi ngán ngẩm cho biết, năm 2009, một đơn vị đã được UBND TP đồng ý xây dựng cơ sở GMGSGC tập trung tại Sóc Sơn và giao chủ đầu tư thỏa thuận với UBND huyện về vị trí, nhưng họ đã phải chờ đến tận 4 năm sau. Ngày 20/9/2013 vừa qua, huyện Sóc Sơn mới có báo cáo TP về việc chấp thuận cho đơn vị này xây dựng cơ sở tập trung tại xã Minh Phú.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.