7 tuần và 6 tấm huy chương quốc tế

Chia sẻ

PNTĐ-Nằm trong top 10 đoàn mạnh nhất với 6/6 học sinh (HS) đều giành được huy chương Vàng, Bạc, điểm thực hành đạt gần tuyệt đối và chỉ cách đội giành giải đặc biệt 2,5 điểm…

 
Đó là những con số ấn tượng mà đoàn HS Việt Nam (VN) tuổi dưới 15 đã giành được tại cuộc thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế vừa diễn ra tại Ấn Độ (từ 30/11-15/12). Đây cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam trên đấu trường này sau 7 lần “đem chuông” đi đánh xứ người.
 
Đến bây giờ, đoàn cán bộ, giáo viên trong đó có cô Mai Thị Tình-giáo viên chuyên Sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và “dàn” 6 HS của mình vẫn chưa thể quên được cảm xúc vỡ òa khi 2 tiếng VN được xướng lên tại những vị trí nhất, nhì cuộc thi. “Lúc trao giải, ban tổ chức đã đọc hết danh sách huy chương (HC) Đồng mà không một HS VN nào được gọi tên. Đến nhóm 1, 2 của HC Bạc cũng vậy. Tới khi BTC công bố tên HS điểm thấp nhất của đoàn trong tốp thứ ba giành HC Bạc thì cô trò cùng nhảy lên sung sướng. Điều đó có nghĩa, chắc chắn cả 6 em đều sẽ giành HC”- cô Tình hồi hộp kể lại.
 
Giấc mơ chinh phục đỉnh cao trí tuệ của HS Hà Nội đã thành hiện thực. 5 em HS VN đoạt HC Bạc. Riêng em Lê Mạnh Tuấn, HS lớp 10 chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội-  Amsterdam vinh dự đoạt HCV đầu tiên cho VN cùng với đoàn của các nước có nền giáo dục tiên tiến khác của thế giới như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga…

7 tuần và  6 tấm huy chương quốc tế - ảnh 1
Đoàn HS Việt Nam và các thầy cô giáo
 
7 tuần quyết chí
 
Olympic Khoa học trẻ quốc tế là cuộc thi dành cho HS tuổi dưới 15, được tổ chức thường niên đến nay là lần thứ 10. Năm nay, kỳ thi có sự góp mặt của 42 đoàn đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ với 223 thí sinh. Đoàn nào cũng khát khao có thể làm điều gì đó để khẳng định màu cờ sắc áo của quốc gia mình.
 
Tại Ấn Độ, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi thường diễn ra trước 1 năm. Trong khi đó, khó ai hình dung được rằng, đoàn HS VN chỉ có… 7 tuần tập huấn. Nhưng, đó là 7 tuần các em học tập miệt mài với quyết tâm cao độ. Đề thi liên quan đến những kiến thức tích hợp của 3 môn khoa học tự nhiên Vật Lý-Hóa học-Sinh học nên đòi hỏi thí sinh phải giỏi đều cả 3 môn. Đây là điều khá mới mẻ với nền giáo dục phổ thông của VN, khi mà các HS thường chỉ học chuyên sâu về một môn học nhất định chứ chưa có sự tích hợp giữa các môn. Thêm vào đó, các câu hỏi cũng “đụng chạm” đến chương trình học của cả cấp THPT. Nghĩa là, sẽ có nhiều nội dung mà các em còn chưa được học đến.
 
Được Sở GD-ĐT giao nhiệm vụ tập huấn đội tuyển, một đội ngũ những nhà giáo có nhiều kinh nghiệm và đầy nhiệt huyết của trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng tiếp cận chương trình quốc tế, tìm tòi, dịch thêm cả tài liệu khoa học tổng hợp của Anh, Pháp, Mỹ… rồi biên soạn lại để dạy cho HS.
 
Tuy nhiên, vững về lý thuyết dường như chưa đủ cho kỳ thi cấp quốc tế vì khả năng thực hành của các em cũng đang là một trở ngại. Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ yêu cầu thí sinh phải giỏi cả phương diện lý thuyết và thực hành. Trong khi đó, ngay cả với một ngôi trường hiện đại như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, điều kiện thí nghiệm chưa thể đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của kỳ thi. Giải pháp “đi thực hành nhờ” tại phòng thí nghiệm của các trường ĐH, viện nghiên cứu trở thành phương thức hữu hiệu. Hàng ngày, sau khi học xong 2 buổi tại trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, các em lại tiếp tục tới phòng thí nghiệm để thực hành tới 10-11 giờ đêm. Những HS có nhà gần thì nhờ bố mẹ túc trực “hộ tống” đưa về. Hai HS Khuất Duy Hồng (trường THPT chuyên Sơn Tây), Lê Bá Trường Giang (trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) thì ở nội trú ngay tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để tiện ôn luyện.
 
7 tuần và  6 tấm huy chương quốc tế - ảnh 2
Đoàn HS Việt Nam với nụ cưới “chiến thắng”
 
Biết các HS của mình vất vả nên đội ngũ thầy cô trực tiếp dạy các em luôn động viên: “Càng khó thì chúng ta càng cố gắng. Không thể đợi đến lúc điều kiện học tập trong nước hiện đại thì chúng ta mới thể hiện tài trí được”.
Triết lý giáo dục “thành công và hạnh phúc” trong tương lai
 
Trong số 6 HS dự thi Olympic Khoa học trẻ năm nay, có một điểm khá thú vị là có tới 4 em “xuất thân” từ cùng 1 mái trường là THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
 
Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam có quan điểm giáo dục HS như những cá thể độc lập, không phải chỉ biết giành huy chương trong các kỳ thi, thành công trong học vấn mà quan trọng hơn là giúp các em trở thành những con người phát triển toàn diện, biết tận hưởng niềm vui, biết sẻ chia yêu thương với cộng đồng. Đó mới chính là thành công và hạnh phúc đích thực của các em trong tương lai - bà Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Đó là lý do vì sao, dàn 4 HS trong kỳ thi nói riêng và các HS của trường đều học giỏi mà… chơi cũng thật tài. Các em ngoài giỏi các môn tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, cũng học tốt cả các môn xã hội như Địa Lý, Lịch sử và đặc biệt là tiếng Anh, tích cực trong các hoạt động xã hội và tham gia không ít những dự án với nước ngoài.
 
Tại cuộc thi Olympia Khoa học trẻ, nhờ khả năng giao tiếp tốt bằng Tiếng Anh, cùng với sự tự tin, đoàn VN đã hội nhập, làm quen, vui chơi cùng bạn bè quốc tế. Chia tay cuộc thi, các em đã để lại ấn tượng tốt đẹp về văn hóa và con người VN với bạn bè quốc tế, đặc biệt là tinh thần fair – play và rất thân thiện.
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…