Thưởng Tết cho giáo viên: Nơi ngậm ngùi, nơi sum tụ

Chia sẻ

PNTĐ-Trái với mức thưởng tới cả chục triệu đồng ở TP.HCM thì tại Hà Nội, câu trả lời vẫn là: “Sẽ không có thưởng hoặc nếu có thì rất ít và chỉ mang tính động viên tinh thần là chính”.

 
Thưởng Tết cho giáo viên: Nơi ngậm ngùi, nơi sum tụ - ảnh 1
Thưởng Tết: “Câu đố” chưa có lời giải với nhiều giáo viên ở Hà Nội
 
Không thưởng vì… không có nguồn
 
Hơn 20 năm làm nghề gõ đầu trẻ, cũng là từng đó năm Tết đến rồi đi, nhưng chưa bao giờ bà Đỗ Thị Hường, hiệu trưởng trường tiểu học Cao Thành, huyện Ứng Hòa, cùng các đồng nghiệp có khái niệm thưởng Tết, dù chỉ là món nhỏ vài chục ngàn đồng hay chút “hiện vật” như can dầu ăn, chai nước mắm. Tại trường THCS Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, một cô giáo cũng cho biết: “Gần Tết, người lao động ở nơi này nơi kia lại “ngóng” thưởng. Riêng chúng tôi thì chẳng trông mong vì chưa bao giờ có”.
 
Theo ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục VN, khái niệm thưởng Tết chỉ xuất hiện trong các doanh nghiệp hay đơn vị hoạt động kinh doanh có lãi. Còn trường học là đơn vị sự nghiệp hoạt động bằng ngân sách, nên cũng không có kinh phí thưởng Tết. Hiện Nhà nước đã giao quyền tự chủ tài chính cho các trường. Trong đó, 80% ngân sách dùng để chi lương giáo viên; 20% còn lại chi cho hoạt động thường xuyên của nhà trường.
 
Việc có dư tiền Tết cho giáo viên hay không chỉ có thể trông chờ vào tính toán của trường. Trường nào có đông HS, nhiều giáo viên trẻ, hệ số lương thấp, kinh phí chi lương ít, quỹ phúc lợi nhiều hơn mới có tiền để chi khen, thưởng giáo viên. Những trường học có nhiều giáo viên cao tuổi, hệ số lương cao, chi cho trả lương nhiều, thì kinh phí còn lại để khen thưởng rất hạn hẹp.
 
Tuy nhiên, theo bà Hường, để có tiền kết dư cuối năm không dễ. Đơn cử như với quy mô khiêm tốn 200 HS, hàng năm, trường Cao Thành chỉ có khoảng 150 triệu đồng/năm. Số tiền này phải chi dùng cho nhiều khoản từ điện, nước, thuê quản trường, nhân viên vệ sinh đến tổ chức hoạt động ngoại khóa… “Không phải trường không muốn thưởng mà không còn tiền để thưởng”-bà Hường khẳng định.
 
Đồng tình với quan điểm này, theo bà Dương Thị Phượng, Hiệu trưởng trường mầm non Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, ngân sách hoạt động thường xuyên của trường hiện chỉ dành để chi lương cho giáo viên hợp đồng (chưa nói tới các hoạt động khác) cũng đã là gánh nặng. “Nhà nước chỉ trả lương giáo viên biên chế. Trong khi đó, trường đang ký hợp đồng làm việc và tự trả lương với 6 cô giáo, mỗi tháng cũng tốn dăm bảy triệu đồng rồi”

Nhà nước cần có chính sách thống nhất
 
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, hiện nay, chính vì chúng ta chưa có một chính sách chung nên thưởng Tết bị coi là việc riêng của mỗi trường. Trong cùng một quận, trường này có, trường kia không hoặc trường thưởng nhiều, trường thưởng ít, trong khi công sức lao động của giáo viên là như nhau. Ngoài ra, cũng vì phụ thuộc vào tài “xoay xở” của trường mà có thể nảy sinh nhiều bất cập khác. Ông Bình phân tích, trường nào “ham” tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham gia nhiều phong trào, HS được lợi nhưng trường hết “quỹ” để “thưởng” giáo viên. Ngược lại, cũng có thể có trường ít hoạt động, HS thiệt thì… giáo viên lại được”nhờ. “Thực tế, cả giáo viên và học sinh đều là đối tượng phải được chăm sóc như nhau chứ không thể hy sinh bên nào”.
 
Ông Lê Sỹ Tứ, nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Người công nhân làm ra hàng hóa thì được thưởng dịp Tết. Nhưng, giáo viên “làm ra” sản phẩm con người thì lại chưa được ghi nhận”. Lương tháng ít, cuối năm không có thưởng, nhiều giáo viên quay sang… ngóng Tết từ phía cha mẹ HS”. “Không phải tất cả nhưng hiện tượng giáo viên đợi PHHS “thưởng Tết” cho mình là có thực” - ông Tứ cho biết. “Ngoài ra, cũng vì cố để có tiền “cải thiện” cho giáo viên mà nhiều trường phải ra sức “tìm nguồn thu từ bên ngoài như cho thuê sân bãi, phòng học ngoài giờ… rất cực”.
 
Bà Đỗ Thị Hường cho biết, từ năm 1993 trở về trước, các giáo viên từng được Nhà nước cho hưởng chế độ lương tháng thứ 13. Tuy nhiên, sau đó lương tháng thứ 13 trong ngành GD đã bị cắt bỏ. Theo bà Hường, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thống nhất cho giáo viên để tạo ra sự công bằng và động viên chung chứ không nên để kéo dài tình trạng “mạnh ai nấy cựa”.

Nhìn vào Nam mà “thèm”
 
Đối lập với Hà Nội, tại TP HCM, nhiều giáo viên năm nay sẽ lại có một Tết vui vì được thưởng khá tươm tất. Chẳng hạn trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), dự kiến có mức thưởng lên tới gần 20 triệu đồng/người. Hay như trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) 125 cán bộ sẽ có mức thưởng từ 15-17 triệu đồng/người.
 
Lý giải về mức thưởng khủng này, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Chúng tôi phải tiết kiệm tối đa văn phòng phẩm, điện nước, sắp xếp nhân sự hợp lý theo kiểu làm hết năng lực để không phải thuê thêm nhân công. Để có kinh phí tổ chức hoạt động ngoại khóa cho HS, trường chủ động “đi xin” tài trợ thay vì  “bổ” hết vào ngân sách. Tiền đóng góp, ủng hộ của phụ huynh, các tổ chức cũng được công khai góp hết vào quỹ trường. Ngoài ra, trường còn tổ chức cho HS học tự chọn, các CLB ngoài giờ… với học phí 50.000 đồng/tháng. Số tiền này trường đem gửi vào ngân hàng, cuối năm cũng có thêm mấy chục triệu tiền lãi để chi cho giáo viên đón Tết”.
 
Ngoài ra, trong hoàn cảnh “chính sách chung chưa có”, các giáo viên tại TP HCM vẫn được nhận quà Tết bằng nguồn kinh phí do thành phố cấp bổ sung cho các đơn vị sự nghiệp. Theo bà Điệp, trung bình các năm trước, giáo viên cũng đã được thành phố “thưởng” khoảng vài trăm ngàn đồng.
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.