Làm gì cùng con ngày Tết?

Chia sẻ

PNTĐ-Sau khi bố mẹ hết Tết, trở lại với công việc, các bạn nhỏ của chúng ta vẫn còn vài ngày rảnh rỗi. Làm gì đây?

 
Làm gì cùng con ngày Tết? - ảnh 1
Cùng nhau làm phong bao lì xì đón năm mới
 
Tôi thường đề nghị các bạn nhỏ chơi một trò chơi tưởng tượng: Nhắm mắt lại và cố gắng "nhìn" xem hình ảnh nào xuất hiện đầu tiên, mùi hương nào ta "ngửi" thấy, âm thanh nào ta "nghe" được khi cô giáo nhắc đến một từ nào đó.
 
Chẳng hạn, từ "Tết"!
 
Đó là một trò chơi thú vị. Nó cần sự tưởng tượng. Nó cần sự trải nghiệm thực sự bằng mọi giác quan. Và nó cần cả vận dụng trí nhớ.
 
Đó cũng có thể là một trò chơi hạnh phúc nếu trải nghiệm của chúng ta là những trải nghiệm hạnh phúc.
Với tôi chẳng hạn, nhắc đến Tết, tôi lập tức thấy hương nước mùi già nồng nàn khắp nhà. Nhắc đến Tết, tôi tưởng tượng lại cảnh chị em tôi ngồi gói bánh cùng bố mẹ. Các anh lớn chơi bài tú lơ khơ, trẻ con chơi tam cúc. Tôi lại nhìn thấy một ngày trong Tết, chúng tôi chơi trò đu quay trong công viên Thống Nhất. Tôi ngồi trên con hổ, em tôi chọn con voi gỗ. Bố mẹ đứng bên ngoài vẫy vẫy, vui vui.
 
Những gì cả gia đình từng trải qua với nhau ngày Tết sẽ là những điểm nhấn tuyệt vời trong ký ức để sau này, khi đã thành người lớn, thi thoảng lại nhớ về, thấy mình như trôi trong thước phim... 4D hạnh phúc, để có thể vin vào mà vượt lên mọi khó khăn nhất thời của cuộc sống.
 
Diễn giải dài dòng thế chỉ để mào đầu cho một câu chuyện: làm gì với trẻ ngày Tết, trong một cái Tết được nghỉ dài sắp tới. Nếu thử chơi trò chơi tưởng tượng nói trên cùng tôi, thì ta sẽ biết cả nhà có thể làm gì cùng nhau ngày Tết để Tết không... quá dài và quá chán, để trẻ sau này có được ký ức phong phú về những ngày mùa xuân thơ ấu.
 
Ngoài "bày việc" cùng con chuẩn bị Tết, ngoài 3 ngày Tết vui ấm cùng gia đình, nhắc trẻ nhớ câu "Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy", những ngày sau đó, ta có thể cùng trẻ lên một lịch trình vui vẻ cho 10 ngày tiếp theo.  Lịch trình nên được nghiên cứu và vẽ ra một cách thú vị lên giấy bìa to, có trang trí màu sắc, hình ảnh - vẽ hình người, vẽ đồ vật những gì cần chuẩn bị. Có thể vẽ dưới dạng sơ đồ tư duy. Có thể viết trong những tấm bìa tượng trưng cho một ngày và gắn lên lịch... Trẻ càng được tham gia nhiều vào phần lên kế hoạch này, càng có nhiều hào hứng cho việc thực hiện. Lên lịch cho từng ngày một.
 
Ví dụ: Có thể lên lịch cho việc đi thăm lại một người họ hàng hay một người thân quý lâu rồi không gặp vào mùng 4. Mùng 5 thử ghé Bảo tàng Dân tộc học xem sao. Mùng 6 có kế hoạch đón một gia đình người bạn của bố mẹ đến chơi, phân công công việc dọn nhà, phụ bếp, tiếp khách cho các con, và sau khi ăn uống tiệc tùng có thể hai gia đình cùng đi đâu đó bên ngoài. Mùng 7 đã có thể ghé nhà hát thưởng thức một buổi diễn hài kịch đầu năm hoặc nghiên cứu về một bộ phim hài gia đình ở rạp. Đây có thể sẽ là một kỷ niệm chung thú vị để cả nhà nhắc đến sau đó, nhiều lần, trong nhiều dịp, về các chi tiết trong vở kịch, về các câu thoại buồn cười trong phim.
 
Làm gì cùng con ngày Tết? - ảnh 2
HS trường Đoàn Thị Điểm và CLB Đọc sách cùng con nhảy
đón năm mới
 
Một ngày khác cả nhà đi loanh quanh phố cổ ngắm người ngắm phố ngày Tết, làm một vòng Bờ Hồ, lên Văn Miếu xin chữ các ông đồ hoặc nhẩn nha ăn kem, ăn bánh ở một tiệm cà phê xinh đẹp nào đó bên Bờ Hồ hay góc Hồ Tây.
 
Một ngày lại vãn cảnh chùa đầu năm, cho cả nhà cảm giác thong dong thú vị, bình an.
 
Giữa những ngày "ăn Tết" và "chơi Tết", có thể lên lịch một ngày "đọc Tết" và...  "viết Tết". Hôm ấy, cả nhà có thể ở nhà đọc báo, truyện đã được chu đáo lựa chọn mua từ trước, xem một bộ phim nhỏ trên tivi, nhớ lại những trò vui vừa được tham dự hôm trước, và... khai bút đầu xuân. Năm xưa, bố tôi thường đề nghị bọn trẻ chúng tôi khai bút vào mùng Một Tết, như một "nghi lễ" trịnh trọng đầu năm. Giờ, theo tôi, cả nhà có thể "khai bút" bằng việc ghi lại điều gì đã trải qua cùng Tết, sau những hoạt động vui cùng gia đình, ghi lại một điều mình nhớ nhất, ấn tượng nhất hoặc lạ nhất.
 
Có năm tôi đề nghị con trai cùng các anh chị họ ghi một mong ước trong năm mới, một ý định muốn, một lời hứa, lời cam kết với bản thân, sau đó cho vào một phong bì màu đỏ thật to, dán kín cùng lời hẹn cuối năm mở ra xem mình có thực hiện được không để mà tự hào. Cả người lớn cũng tham gia việc "viết Tết" này. Nếu biết cách "động viên", trò "viết Tết" có thể sẽ là một "nghi lễ" vui nhộn của gia đình.
 
Cứ như thế, các bố mẹ cùng các con có thể nghĩ ra thêm rất nhiều việc để làm khiến Tết của con, của bố mẹ phong phú mà không gây áp lực, mệt mỏi. Mỗi gia đình có những quan tâm khác nhau nên lịch Tết sẽ rất khác nhau. Chẳng hạn,  trong những ngày Tết, cá nhân tôi sẽ lên kế hoạch cho "một ngày vào bếp" của mỗi người. Mỗi người tự sáng tác ra một món lạ để sau đó tấm tắc với nhau... Một ngày khác sẽ là ngày "free" khỏi bếp núc để đi ăn bên ngoài - có thể cũng là ngày hội đối với trẻ. Ngoài ra, tôi lại thích một ngày đi thăm một vườn rau hữu cơ, xin các bác nông dân cho được cùng thu hoạch rau - sẽ không phải là một ý tồi cho đầu năm mới.
 
Sau khi bố mẹ hết Tết, trở lại với công việc, các bạn nhỏ của chúng ta vẫn còn vài ngày rảnh rỗi. Làm gì đây? Bố mẹ có thể tìm hiểu thông tin các câu lạc bộ dành cho trẻ nhỏ trong thành phố. Phần lớn họ đều sẵn sàng chương trình thú vị đón các bạn những ngày đầu năm.
 
Ví dụ: câu lạc bộ Tí Toáy với các chương trình học về nghệ thuật, một số câu lạc bộ nhảy múa hoặc vẽ ngoài thiên nhiên. Nhân đây cũng xin giới thiệu câu lạc bộ Đọc sách cùng con của chúng tôi với các buổi đọc sách chung theo chủ đề và làm đồ chơi được tổ chức hằng ngày từ mùng 5 trở đi. Các phụ huynh có thể gửi các bạn nhỏ ở đó để cuối giờ làm đến đón. Chỉ lưu ý sao cho các con không quá mệt vì các hoạt động ngày Tết. Vì thế mà bố mẹ nên sắp xếp các ngày tĩnh-động, trong phòng-ngoài trời xen kẽ. Thậm chí, dành một ngày để ngủ nướng và xem lại bài vở.
 
Chúc một cái Tết vui, đẹp, khoẻ sẽ đến với các gia đình để mỗi năm một đầy lên những kỷ niệm êm ấm, thân thương trong ký ức của tuổi thơ.
 
TS Nguyễn Thụy Anh

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…