Tệ nạn mại dâm ngang nhiên tồn tại

Chia sẻ

PNTĐ-Tại khu vực giáp ranh hai quận Cầu Giấy - Ba Đình, từ cuối năm 2013 về trước, nơi đây là một trong số tụ điểm nhiều gái mại dâm (GMD) đổ về, ngang nhiên “vẫy” khách.

 
Khu vực giáp sông Tô Lịch  -  vị trí gần đường Nguyễn Khánh Toàn, gần trụ sở UBND quận Cầu Giấy,  kéo đến hết đường bờ sông Quan Hoa - dài chừng 1,5 km, là địa bàn thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Phía đối diện là “đất” của hai phường Cống Vị, Ngọc Khánh – quận Ba Đình. Địa hình phức tạp, lại ở khu vực giáp ranh nên từ cuối năm 2013 về trước, nơi đây là một trong số tụ điểm nhiều gái mại dâm (GMD) đổ về, ngang nhiên “vẫy” khách.
 
Giảm số gái mại dâm đứng đường nhưng…
 
Đêm 3/4/2014, sau nhiều giờ quan sát khu vực này chúng tôi phát hiện tại phía bờ sông thuộc quận Ba Đình có 2 GMD lượn lờ đón khách. Dự đoán có thể do trời mưa, nhiều đối tượng (ĐT) khác không đổ ra đường, chúng tôi tìm gặp ông Vũ Viết Hưng, trú tại phường Cống vị - cán bộ một cơ quan công quyền quận Cầu Giấy, để nắm tình hình. Ông cho biết, “phía đường 2 GMD đang đứng thường xuyên có 5 đối tượng hành nghề. Tôi và những người hàng ngày đi qua đây đã “quen mặt” nên dễ dàng nhận ra họ, cho dù các cô luôn cố ý đứng lẫn vào số hành khách ở 2 điểm chờ xe buýt trên cung đường.
 
Nhiều người dân sống trong khu vực phản ánh, “những GMD còn “bám trụ” tại đây không dám chạy ra đường “chào hàng” như trước mà lững thững tản bộ trên vỉa hè, đánh mắt quan sát dòng người qua lại. Hễ thấy có chiếc ô tô, xe máy nào giảm tốc độ là các cô dừng bước, nhanh chóng tiếp cận người có nhu cầu mua dâm, ngã giá rồi dẫn khách đến nhà nghỉ. So với trước, số ĐT hoạt động công khai đã giảm đáng kể, nhưng trên địa bàn vẫn chưa “sạch” GMD “đứng đường”.

…Phức tạp hoạt động “gái dịch vụ”
 
Phía bờ sông thuộc địa bàn quận Cầu Giấy -  tuyến phố có tên gọi Đường bờ sông Quan Hoa không có GMD đứng đường, nhưng hoạt động của “gái dịch vụ” (GDV) - MD trá hình, thì khá sôi động và lộ liễu. Nhiều quán cà phê, mát-sa, karaoke có “gái” ngồi chờ sẵn, khi nhận được điện thoại của chủ cơ sở dịch vụ là họ lên xe ôm đi “làm việc”.
 
Khoảng 20h ngày 3/4, tổ tuần tra tạm giữ một nhóm 3 cô ngồi sau xe máy do một nam thanh niên điều khiển. Tại CA phường Quan Hoa, các cô trình bày, “đang trên đường đến quán hát để “văn nghệ góp vui và uống bia cùng khách”. Theo hồ sơ tại CA phường, trong tháng 3 và đầu tháng 4 /2014, một trong số 3 cô là Nguyễn Thị Hương (SN 1990), quê xã Bính Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại ngõ 18, phố Đào Tấn, quận Ba Đình đã  bị bắt tới 3 lần. Không chỉ Hương mà nhiều ĐT khác cũng đã bị “bắt đi bắt lại”.
 
Tệ nạn mại dâm ngang nhiên tồn tại - ảnh 1
Nhóm “gái dịch vụ” bị tạm giữ tại CA P.Quan Hoa đêm 3/4/2014
 
Nói về thực trạng này, ông Thạch Anh, P.Trưởng CA phường Quan Hoa thẳng thắn, “vào đợt cao điểm, có ngày CA phường đưa về trụ sở tới 30 GDV. Không ít học sinh, sinh viên cũng tham gia vào hoạt động này. Các cháu “tranh thủ” vừa học vừa “làm” mà gia đình, nhà trường không hay biết. Nhiều lần CA theo dõi, phát hiện GDV đi nhà nghỉ với khách, ập vào kiểm tra thì các cháu xuất trình thẻ học sinh, sinh viên và khai người đàn ông bên cạnh là “người yêu”. Khi các anh chàng “người yêu” cũng xuất trình được CMND thì CA không xử lý được.
 
Với ĐT hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, CA phường cũng chỉ tạm giữ họ trong vòng 24 h để xác minh nhân thân, lập hồ sơ, răn đe… và cũng chỉ xử phạt hành chính đối với các hành vi: không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không mang theo CMND, đăng ký xe rồi lại… thả”.
 
“Đẩy đuổi” không phải là “thượng sách”
 
Dẹp tệ nạn MD -  không chỉ  phường Quan Hoa mà cơ quan chức năng ở tất cả các xã, phường trong TP đều đang áp dụng các biện pháp mang tính chất “đẩy đuổi”. Đó là: Tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn; Phối hợp với các tỉnh thành quản lý ĐT, không để người MD bỏ quê về Hà Nội hoạt động tệ nạn; Tăng cường xử phạt. Tất cả các biện pháp trên đều gặp những bất cập khó giải quyết. Trước hết là, lực lượng CA ở cơ sở còn mỏng. Phường, xã nào cũng có Đội hoạt động xã hội tình nguyện, nhưng Đội này chỉ tham gia tuyên truyền phòng ngừa, không có khả năng hỗ trợ CA trong đấu tranh trực diện chống tệ nạn.
 
Thứ nữa, công tác phối hợp liên tỉnh rất “phập phù”. Chính quyền nơi quê hương của ĐT không quan tâm đến người của họ làm gì khi đã ra khỏi địa phương, nên khi nhận được văn bản CA Hà Nội gửi về, họ không hồi âm. Chế tài xử phạt chưa nghiêm. Mỗi cuộc “hát, uống góp vui” GDV được khách “bo” vài trăm ngàn đồng. Mỗi ngày ĐT có thể kiếm tiền triệu thì mức phạt từ 150.000 – 200.000 đồng khi bị bắt - là chế tài không đủ mạnh để răn đe.
 
“Đẩy đuổi” không phải là giải pháp thật sự hiệu quả, vì địa bàn này “đẩy” mạnh thì GMD lại “dạt” sang địa bàn khác. Để công tác phòng chống tệ nạn MD đạt được mục tiêu đề ra, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như: điều chỉnh lại định nghĩa hành vi hoạt động MD. Đôi bên không nhất thiết phải cùng nhau giao cấu thì mới bị xử lý, mà tất cả các hành vi nhằm làm cho “đối tác” thỏa mãn nhu cầu tình dục (có nhận tiền) đều là vi phạm pháp luật. Khi “ách tắc” từ góc độ pháp lý được giải quyết lực lượng CA ở tất cả các xã phường đều có công cụ sắc bén để  từng bước quét sạch tệ nạn này.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: