Vẫn đủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng!

Chia sẻ

PNTĐ-Trong khi một số dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại thì tại các điểm tiêm chủng, “vắc-xin dịch vụ” hot như “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” lại cháy hàng, khiến người dân lo lắng.

 
Vẫn đủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng! - ảnh 1
Người dân không nên chờ vắc-xin dịch vụ mới đưa trẻ đi tiêm chủng.
Ảnh Dương Ngọc
 
Dân “khát” vắc-xin dịch vụ
 
Chỉ vừa mới nghe được thông tin, có khoảng 300 liều vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim (bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt) do Pháp sản xuất, và thời gian bắt đầu nhận đặt mua từ ngày 5/3, hàng trăm người dân Hà Nội đã đến xếp hàng trước phòng tiêm vắc xin - Viện kiểm định vắc xin, Bộ Y tế (số 1 phố Nghiêm Xuân Yêm - Hà Nội). Mặc cho mưa phùn, gió bấc, từ 1h sáng 5/3, một hàng người dài đến xếp hàng chầu chực; Nhưng phải đợi đến 8h sáng, khi cầm phiếu thu phí 680.000 đ/liều vắc-xin, nhiều người mới “thở phào” vì chắc chắn con cháu mình đã có cơ hội nằm trong danh sách được tiêm 1 trong số 300 liều vắc xin ít ỏi này. Những người tới sau đành ngậm ngùi ra về trắng tay.
 
Hai điểm tiêm dịch vụ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) và 23 Nguyễn Viết Xuân (quận Hà Đông) cũng đã hết 2 loại vắc xin dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1”. Nhiều người dân đã đến đăng ký mua vắc-xin dịch vụ từ nhiều tháng nay với hy vọng khi có vắc-xin nhân viên y tế ở đây sẽ gọi thông báo nhưng bao giờ có thì chưa biết. Do khan hiếm vắc-xin dịch vụ, nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ chỉ chấp nhận tiêm vắc-xin cho những trẻ đã đăng ký tiêm mũi đầu tiên chứ không nhận trẻ đến tiêm các mũi 2, 3.

Năm 2015 vẫn thiếu vắc-xin dịch vụ
 
Tình trạng “cháy” vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” do Pháp sản xuất và vắc-xin “6 trong 1” do Bỉ sản xuất đã diễn ra trong một thời gian dài ở Hà Nội. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, năm 2015, tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ vẫn sẽ tái diễn, thậm chí với vắc-xin “6 trong 1”, tình trạng khan hiếm còn nghiêm trọng hơn năm 2014. Vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” có hàng nhưng “nhỏ giọt” không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
 
Trong khi đó nhu cầu tiêm một số loại vắc-xin trong năm 2015 tăng ít nhất 3-4 lần so với những năm trước. Lý do vì nhà sản xuất không thể cung ứng đủ.
 
Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) là một trong những đơn vị nhập khẩu vắc-xin thường bị động nguồn hàng vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp. Để giải quyết bài toán bị động nguồn vắc-xin, một số nhà nhập khẩu đã đặt hàng cùng một loại thuốc với nhiều công ty ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, một số nhà phân phối cho biết cách làm này cũng không chắc chắn có đủ vắc-xin. Vì chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đặt hàng các hãng dược nước ngoài và các hãng mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy, độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường mất khoảng 3 tháng.
 
Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, Cục Quản lý dược mới nhận được thông tin từ nhà sản xuất, các vắc-xin phối hợp kết hợp phòng nhiều bệnh có thay đổi về cơ sở sản xuất nên số lượng và thời gian vắc xin nhập khẩu về Việt Nam có thay đổi so với kế hoạch. Từ nay đến tháng 6 sẽ có khoảng 20.000 liều vắc xin "5 trong 1" được nhập về khu vực miền Bắc nhưng vắc xin "6 trong 1" chưa biết đến khi nào mới có. Với số lượng như vậy thì chắc chắn thời gian tới, hai loại vắc xin này không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
 
Hệ lụy từ việc khan hiếm vắc-xin dịch vụ đã khiến khoảng cách giữa các mũi tiêm chủng của trẻ bị kéo dài so với lịch tiêm, thậm chí có trẻ chỉ mới được tiêm mũi 1 mà chưa được tiêm mũi 2, mũi 3 nên ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ, giảm khả năng phòng chống bệnh tật. Qua giám sát dịch sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua cho thấy, đa số trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh.
 
Ông Trần Đắc Phu khẳng định, việc khan hiếm vắc-xin chỉ xảy ra đối với tiêm chủng dịch vụ, còn trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn có đủ lượng vắc-xin Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ do Hib) do Hàn Quốc sản xuất với tác dụng tương tự để tiêm cho trẻ và tiêm miễn phí ở các trạm y tế xã, phường. Hiện các công ty sản xuất vắc xin của Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/12 loại vắc xin trong chương trình TCMR và lúc nào cũng chủ động về số lượng vắc-xin. Tới đây, Việt Nam đang xem xét sản xuất loại vắc-xin dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó có vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” có thể bắt đầu giai đoạn thử nghiệm vào năm 2008. VN dự định sẽ phối hợp với nhà sản xuất vắc-xin quốc tế trong chương trình này.
 
 Khi nguồn vắc xin dịch vụ chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu, việc chờ đợi tiêm dịch vụ là rất nguy hiểm bởi trẻ có thể mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng miễn phí ở xã phường, không nên chờ để tiêm vắc-xin dịch vụ.
 
Tâm Thanh - Ngọc Chính
 
 

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...