Kỳ 1: Đúng và trúng nhu cầu của người dân

Chia sẻ

PNTĐ-Thừa phát lại (TLP) đã xuất hiện tại Hà Nội từ giữa những năm 40 của thế kỷ 20. Sau rất nhiều năm, định chế này hoạt động trở lại ở Thủ đô theo Nghị quyết 36 của Quốc hội.

 
Đã hơn 1 năm trôi qua tính từ ngày 23/11/2013 khi HN cùng với 13 địa phương khác được phép thí điểm định chế TPL, những hiệu quả đạt được là minh chứng khẳng định tính đúng đắn và sự cần thiết của hoạt động TPL. Tuy nhiên, để chủ trương này “thấm” vào cuộc sống của người dân Thủ đô thì cần nhiều việc phải làm
 
Được đặt nền móng tại HN nhưng khi nhìn thấy tấm biển văn phòng TPL tại các quận nội thành, không ít người dân Thủ đô nhìn nhau không hiểu TPL là gì, làm những công việc gì?
 
Vừa làm vừa tuyên truyền
 
Đây cũng là vấn đề mà hầu hết 8 văn phòng TPL đang hoạt động trên địa bàn HN gặp phải trong suốt thời gian qua. Bà Lê Thị Thùy Lan – một TPL của văn phòng TPL Hoàn Kiếm cho biết, sau hơn 1 năm hoạt động đến nay, chỉ duy nhất có một khách hàng tự tìm đến văn phòng để lập vi bằng (một trong 4 nhóm công việc chính mà TPL được thực hiện theo quy định của pháp luật – PV). Đó là một người cao tuổi, sinh sống và làm việc tại HN từ thời Pháp thuộc.
 
Còn lại tất cả các khách hàng khác của văn phòng đều được cán bộ tư pháp địa phương, thi hành án… giới thiệu. Vì sự mới lạ trong cái tên TPL mà trong những tháng đầu tiên sau khi được phép thí điểm, các văn phòng TPL tại HN thay vì thực hiện nhiệm vụ chính của mình lại đi tuyên truyền. Rất nhiều hội nghị như vậy cũng đã được tổ chức tại các phường/xã, các cơ quan chức năng có liên quan như công an, ngân hàng, bảo hiểm, môi trường, địa chính…
 
Kỳ 1: Đúng và trúng nhu cầu của người dân - ảnh 1
Một buổi trao đổi nghiệp vụ giữa các TPL và cán bộ ngành ngân hàng 
 
“Theo quy định, TPL được thực hiện 4 nhóm công việc chính là: tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. Công việc này do các TPL thực hiện và chức danh này do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm và cấp thẻ hành nghề” – ông Bùi Trọng Hào, Trưởng Văn phòng TPL quận Hà Đông cho biết và khẳng định, TPL chính là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ rất nhiều cho tòa án nhân dân các cấp, cơ quan thi hành án trong việc tống đạt giấy tờ, công văn. Công việc này trước đây đều do thư ký tòa hoặc chấp hành viên của thi hành án thực hiện, nhưng hiện nay đã giao lại cho các TPL.
 
Như vậy, họ không mất thời gian và công sức đi lại để tập trung cho việc nghiên cứu hồ sơ, xác minh vụ việc nhằm đảm bảo phiên tòa xét xử/vụ việc thi hành án diễn ra chính xác, khách quan.
 
Tương tự như vậy, với sự quá tải hiện nay của các cơ quan thi hành án, nhất là trong các quận nội thành HN thì việc cho phép văn phòng TPL được trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự đã giúp cho người dân có thêm một lựa chọn bên cạnh cơ quan THA nhà nước. Theo thống kê hiện nay, mỗi năm các chấp hành viên phải giải quyết hơn 100 vụ việc, cá biệt tại một số quận nội thành có người phải giải quyết từ 200 – 300 vụ việc/năm. Có TPL cùng “chia lửa”, tình trạng quá tải sớm được khắc phục. Điều quan trọng, tình trạng án không được thi hành tồn đọng nhiều trong một thời gian dài, gây phiền nhiễu cho người dân cũng dần dần được loại bỏ.

Đánh trúng nhu cầu, hiệu quả ngoài mong đợi
 
Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức là một trong bốn nhiệm vụ của văn phòng TPL. Theo thống kê của Sở Tư pháp HN, sau một thời gian thực hiện thí điểm, người dân Thủ đô tìm đến các văn phòng TPL chủ yếu để thực hiện các vi bằng. Với hàng ngàn vi bằng đã được các TPL thực hiện chứng tỏ sự cần thiết của chúng trong đời sống và dịch vụ này đang được người dân đón nhận.
 
Đề cập về vấn đề này, TPL Lê Thị Thùy Lan cho biết: vi bằng là văn bản ghi nhận hành vi, sự việc một cách khách quan, trung thực. Đây là cơ sở pháp lý làm chứng cứ trong các giao dịch và tranh chấp chưa có cơ quan nào thực hiện và xác minh tính minh bạch. Sự có mặt của vi bằng đã góp phần lấp đầy khoảng trống pháp lý đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực đời sống.
 
Mua mảnh đất thổ cư tại quận Bắc Từ Liêm trị giá gần 1 tỷ đồng nhưng do chưa có sổ đỏ chính chủ nên giao dịch mua bán giữa chị Nguyễn Thị Hoa ở phố Chùa Thông, thị xã Sơn Tây và chủ bán đất chỉ có tờ giấy viết tay. Trao khoản tiền lớn, nhận tờ giấy không có con dấu pháp lý, chị Hoa cũng lúng túng bởi nếu có tranh chấp xảy ra, chủ đất lật lọng thì người mua coi như mất trắng số tiền tích cóp sau nhiều năm lao động vất vả. Dịch vụ công chứng mà chị tìm hiểu cũng chỉ giúp làm công chứng ủy quyền, tính pháp lý không cao. Theo tư vấn của cán bộ tư pháp địa phương, chị Hoa đã quyết định lập vi bằng, ghi nhận hành vi giao tiền để thực hiện giao kết mua bán mảnh đất chưa có sổ đỏ. Với vi bằng này, nếu chủ đất lật lọng, chị Hoa hoàn toàn có thể khởi kiện và không rơi vào cảnh mất trắng, ít nhất cũng lấy lại được toàn bộ số tiền đã bỏ ra để mua đất.
 
Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, chị Lê Hồng Anh ở Thượng Thanh, Long Biên cùng một số nhà đầu tư bất động sản của một dự án nhà chung cư tại quận Hoàng Mai đã nhờ TPL lập vi bằng để xác nhận tiến độ, chất lượng công trình xây dựng. Nếu chủ dự án vi phạm cam kết, các đầu tư hoàn toàn có thể khởi kiện để được đền bù theo quy định chứ không còn phải chịu ấm ức, thiệt thòi như rất nhiều trường hợp đã xảy ra trong các năm qua khi chủ dự án nhận tiền mua nhà xong chây ỳ, khất lần hết năm này qua tháng khác…
 
Với ý nghĩa như trên, rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc như vi phạm sở hữu công nghiệp, xúc phạm nhân phẩm, phân chia tài sản sau ly hôn, thừa kế, giao nhận tiền, tài sản, xác nhận nợ... người dân đều có thể nhờ đến TPL lập vi bằng làm căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
 
Kỳ sau: Gỡ khó để được chính danh

Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.