Kỳ tích nuôi sống cặp song sinh “siêu nhỏ”!

Chia sẻ

PNTĐ-Lần đầu tiên Việt Nam đã nuôi sống thành công cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm sinh non ở tuần thứ 24 với cân nặng rất thấp, chỉ 500g và 600g.

 
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, đây là một thành tựu khoa học lớn mà công tác chăm sóc trẻ sinh non của Việt Nam đạt được từ trước tới nay và điều này sẽ mở ra cơ hội chăm sóc và cứu sống kỳ diệu cho trẻ sinh non, nhẹ cân.
 
Giành lấy sự sống trong gang tấc
 
Cặp song sinh sinh non được cứu sống kỳ diệu là bé gái Giang Thiên Ân cân nặng 500g và bé trai Giang Thiên Bảo cân nặng  600g - con của sản phụ Hồ Thị Hải Yến (29 tuổi, quê Thái Bình) chào đời ngày 25/11/2014. Đặc biệt hơn nữa, đây lại là cặp song sinh ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
 
Kỳ tích nuôi sống cặp song sinh “siêu nhỏ”! - ảnh 1
Cặp song sinh siêu nhỏ được chăm sóc đặc biệt tại BV Phụ sản T.Ư
(ảnh do BV cung cấp)
 
Chị Hải Yến chia sẻ, cách đây 7 năm, chị đã sinh con bằng phương pháp bơm tinh trùng của chồng vào tử cung. Với lần thứ hai này, chị tiếp tục làm thụ tinh ống nghiệm vào ngày 3/7/2014. Tuy nhiên khi song thai mới được hơn 22 tuần tuổi, chị có dấu hiệu đau bụng nên được đưa vào BV Phụ sản T.Ư. Các bác sĩ đã cố giữ thai nhi từng ngày nhưng đến ngày thứ 10, chị đau bụng, chuyển dạ, buộc phải sinh.
 
BS Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản T.Ư nhớ lại thời khắc cứu sống hai sinh linh bé bỏng: cặp song sinh được tiếp nhận từ phòng sinh về trong tình trạng toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da và suy hô hấp nặng. Tính mạng 2 bé như ngàn cân treo sợi tóc. Phản xạ thở quá yếu, thỉnh thoảng 2 bé mới nấc được một tiếng. Gia đình đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, bác sĩ cũng có tiên lượng không tốt.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra…
 
BS Lợi cho biết: Xác định đây là một trường hợp vô cùng đặc biệt, nên chúng tôi vẫn nỗ lực cấp cứu bằng mọi giá, bằng tất cả các phương tiện đặc biệt nhất giành giật lấy sự sống cho cặp song sinh này.
 
Cặp sơ sinh được hồi sức tích cực, giám sát chặt chẽ tình trạng hô hấp, tim mạch, các chỉ số trong máu và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, ăn sữa mẹ qua sone (xông). Vì hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, chuyện cho 2 bé ăn không hề dễ dàng và được tính toán kỹ càng. Ngày đầu, để đưa được 1ml sữa vào dạ dày, các bác sĩ phải kiên nhẫn trong 3 tiếng đồng hồ và 8 lần như thế mỗi ngày. Ngày thứ hai, lượng sữa tăng lên 2ml... Và sau 11 ngày, 2 bé đã tăng cân.
 
Trong 93 ngày đêm ấy có cuộc chiến đấu quên mình của BS Lợi cùng hơn 20 bác sĩ của trung tâm. “Trong suốt quá trình điều trị, chúng tôi chưa bao giờ dám lơ là, luôn túc trực 24/24h. Công việc của chúng tôi là tính bằng giây chứ không phải bằng phút… Với trẻ sinh non dưới 18 giây còn cấp cứu kịp, trên 20 giây cơ hội đã rất mong manh”.
 
Không thể tưởng tượng nổi, từ những đứa trẻ “quá nhỏ, quá non” chỉ nhỉnh hơn chiếc bơm tiêm, sau 93 ngày được “bác sĩ nuôi” trong lồng kính, giờ các bé đã được 37 tuần tuổi (tương đương tuổi thai), sức khỏe phát triển tốt và cân nặng tương với những đứa trẻ được nuôi trong bụng mẹ. Xúc động nghẹn ngào khi ôm trọn 2 con vào lòng, chị Yến không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc và quyết định đặt tên con là Thiên Ân và Thiên Bảo với ý nghĩa là đặc ân lớn lao mà các y, bác sĩ BV Phụ sản T.Ư nỗ lực bằng mọi giá để giành lại.

Mở ra niềm hy vọng cho trẻ sinh non
 
Trước đó, vào năm 2010, lần đầu tiên, BV Phụ sản T.Ư đã từng cứu sống trẻ sinh non tự nhiên ở tuần thứ 24 với nặng chưa đầy 500g. Đến nay, đứa trẻ này đã hơn 4 tuổi, phát triển bình thường với cân nặng hơn 20kg. Theo GS. TS Nguyễn Viết Tiến, từ thành công đó, đến nay, BV đã nuôi sống thành công được trẻ sinh non 24 tuần tuổi. Trên thế giới 27 tuần trở xuống đã được gọi là cực non và dưới 1kg là cực nhẹ.
 
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, mỗi năm có 150.000 trẻ sinh non, nhẹ cân chào đời. Riêng tại BV Phụ sản T.Ư, một năm có khoảng 4.000 trẻ đẻ non, trên tổng số 25.000 trẻ chào đời. Trong đó, tỉ lệ trẻ sinh non/nhẹ cân chiếm tới 25% số ca tử vong sơ sinh; tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
 
GS.TS Nguyễn Viết Tiến trăn trở, vì tỷ lệ tử vong do sinh non/nhẹ cân hiện nay vẫn cao nên việc chăm sóc, điều trị trẻ sinh non/nhẹ cân bằng các biện pháp khoa học tiên tiến đóng vai trò rất quan trọng. Trước đây, chỉ có một số BV lớn như BV Phụ sản T.Ư, BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV T.Ư Huế… mới có khả năng đỡ đẻ và nuôi dưỡng cho trẻ đẻ non/nhẹ cân nhưng nay, hầu hết các BV có khoa Sản, có bác sĩ sản khoa là có thể thực hiện được. Các bệnh viện không chỉ vừa đảm bảo dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt, mà còn vừa phát hiện, đề phòng điều trị các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh về mắt cho trẻ sinh non/nhẹ cân. Điều này đã mở ra niềm hy vọng và cơ hội được nuôi sống thành công cho trẻ sinh non.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.