Những trái tim “vì cộng đồng”

Chia sẻ

PNTĐ-Báo Phụ nữ Thủ đô xin giới thiệu một số điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015.

 
Tại hội nghị biểu dương điển hình tiến tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015, Hội LHPN Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Hội LHPN Hà Nội đã khen thưởng 207 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, Báo Phụ nữ Thủ đô xin giới thiệu một số điển hình tiên tiến này.
 
Công tác Hội làm cuộc sống thêm ý nghĩa
 
Đó là điều đầu tiên mà bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ 17 phường Mai Dịch (Cầu Giấy) chia sẻ khi nói về công việc chi hội trưởng chi hội phụ nữ bà đã gắn bó 20 năm nay.
 
Những trái tim “vì cộng đồng” - ảnh 1
Bà Nguyệt dành tâm huyết với công tác Hội
 
Khi chúng tôi tới, tại phòng khách nhỏ chỉ chừng 7m2 đang diễn ra buổi họp triển khai công tác tiết kiệm do bà “chủ trì” tới các tổ trưởng. Ở cái tuổi 74, lẽ ra đã có thể nghỉ ngơi nhưng bà Nguyệt hàng ngày vẫn tất bật với công tác đoàn thể của khu dân cư. Tay thoăn thoắt giở tài liệu của Hội luôn được bà sắp xếp gọn gàng và trang trọng đặt trong phòng khách, bà bảo, khi nghỉ hưu, bà thấy mình còn có khả năng, sức khỏe để đóng góp cho địa phương nên đã tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội. Thế là từ năm 1995, bà đến với Hội phụ nữ, nhận thêm chức Tổ trưởng tổ dân phố, tham gia cộng tác viên dân số…
 
Những tưởng khối lượng công việc nhiều sẽ khiến bà không đảm đương nổi, nhưng 20 năm qua, bà Nguyệt luôn hoàn thành xuất sắc công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình. Bà được chị em phụ nữ trong chi hội yêu mến, các cấp lãnh đạo yên tâm khi “giao việc”. Với bà Nguyệt, công tác Hội phụ nữ khiến cuộc sống của bà thêm ý nghĩa. Bởi công việc đã tạo điều kiện cho bà được gắn bó với nhiều chị em phụ nữ trong khu dân cư, cùng chia sẻ những chuyện “trong nhà, ngoài ngõ”, động viên nhau vừa chăm lo, vun vén, xây dựng hạnh phúc gia đình vừa khẳng định vị thế của bản thân ngoài xã hội. Bà phấn khởi khi mình trở thành cầu nối cho nhiều gia đình gần gũi với nhau hơn.
 
Chi hội phụ nữ 17, một trong những chi hội xuất sắc của Hội LHPN phường Mai Dịch, cũng là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội gắn với điều kiện thực tiễn ở địa phương như: tỷ lệ phát hành báo Hội luôn đạt và vượt 150%, xóa chân rác tồn đọng đã nhiều năm tại ngõ 169 Doãn Kế Thiện, tổ chức mô hình “Họ tương trợ” để đồng lòng chia sẻ khó khăn với những hội viên trong chi hội, 100% cán bộ hội viên hưởng ứng mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” bổ sung nguồn quỹ cho Hội cũng như thực hiện công tác nhân đạo từ thiện…
 
“Những thành tích đó đều có sự đóng góp tích cực của chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ 17 Nguyễn Thị Minh Nguyệt” – chị Đỗ Thu Trà, Chủ tịch Hội LHPN phường Mai Dịch đánh giá.
 
Sự nhiệt tình trách nhiệm của bà Nguyệt trong hoạt động Hội đã được Hội LHPN quận Cầu Giấy, Hội LHPN phường Mai Dịch ghi nhận và tặng bà nhiều giấy khen.
 
Hết lòng vì những hoàn cảnh khó khăn
 
Bằng tình yêu thương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, gia đình bà Nguyễn Thị Xuân Trường, hội viên phụ nữ phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm nhiều năm nay đã tích cực tham gia công tác nhân đạo từ thiện của tổ, phường.
 
Những trái tim “vì cộng đồng” - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Xuân Trường
 
Năm 1985 sau khi nghỉ hưu, bà Trường được chị em hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ khu phố 4, tổ trưởng tổ hòa giải. Ở cương vị nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chi hội khu phố 4 liên tục nhận được giấy khen của Hội LHPN thành phố, Hội LHPN quận Hoàn Kiếm trao tặng. 20 năm làm công tác Hội, bà có cơ hội được gần gũi với chị em hội viên. Tiếp xúc với họ bà thấy nhiều gia đình hội viên còn khó khăn.
 
Bà đã vận động hội viên phụ nữ trong chi hội thực hành tiết kiệm để giúp đỡ các gia đình này bằng tiền, gạo, chăn màn, quần áo ấm… Chồng bà nguyên là phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của khu phố không những đồng tình mà còn cùng bà tham gia các hoạt động từ thiện. 15 năm liền, gia đình bà đã nhận trợ cấp 1,2 triệu đồng/năm cho một cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Với truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, hàng năm gia đình bà tặng 10-15 suất quà giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 10 triệu đồng. Không chỉ giúp đỡ các trẻ em phụ nữ nghèo trên địa bàn mà gia đình bà còn tham gia các chuyến làm từ thiện tại 9 xã của huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và tặng quà cho đơn vị bộ đội biên phòng (đồn Pò Mà), 2 xã Quốc Khánh, Trí Phương tỉnh Lạng Sơn…
 
Bà Trường khiêm tốn không muốn kể về nhiều những chuyến từ thiện của gia đình bởi theo bà, từ thiện xuất phát từ cái tâm chứ không phải để nhiều người biết đến. Trong những chuyến đi làm từ thiện tới các vùng sâu vùng xa, các con cháu lo lắng bà tuổi cao sức yếu nên các con cũng tình nguyện đi cùng đoàn để phụ giúp mẹ. Bà Trường cho biết “Mỗi chuyến đi làm từ thiện, gia đình tôi thường chuẩn bị vài trăm suất quà, mỗi suất quà dù chỉ là mấy bộ quần áo, gói mì chính, hộp sữa nhưng đó là tình cảm, tình yêu thương chia sẻ của chúng tôi với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống này”.
 
Bước sang tuổi 86, nhưng hễ nghe thấy ở đâu đó có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là bà lại nhắc các con cháu của mình “lên đường”.
 
Các danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu”… mà bà và gia đình được đón nhận là phần thưởng xứng đáng cho những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
 
Lấy yêu thương cảm hóa người nghiện
 
12 năm, là Đội trưởng Đội hoạt động xã hội tình nguyện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) B93 phường Trung Phụng, quận Đống Đa, bà Đỗ Thị Luyện luôn gần gũi với những người nghiện sau cai để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
 
Những trái tim “vì cộng đồng” - ảnh 3
Bà Đỗ Thị Luyện
 
Là cán bộ về hưu, trước những trăn trở về tình hình tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy tại địa bàn phường Trung Phụng, từ năm 2003 đến nay, bà Đỗ Thị Luyện đã nhận nhiệm vụ mới làm Chủ nhiệm CLB B93 và dành mọi tâm huyết cho công việc khó khăn, vất vả này. Với phương châm lấy yêu thương để cảm hóa người nghiện, luôn coi những người sau cai nghiện ma túy như người thân của mình, bà tìm cách vận động, thuyết phục họ tham gia sinh hoạt tại CLB B93.
 
Thấu hiểu tâm lý của những người sau cai nghiện trở về thường mặc cảm, một số gia đình còn giấu giếm, e ngại nhưng sau mỗi lần gặp gỡ tiếp xúc với họ bà lại có thêm kinh nghiệm kỹ năng khi giao tiếp với họ hơn. Vừa phải mềm mỏng, kiên trì đến nhà trò chuyện để tạo sự thân thiết, tin cậy với gia đình. Không ngại khó, không quản thời gian, sớm tối, cùng sự chân thành, tâm huyết, mong muốn được giúp đỡ người sau cai nghiện tham gia sinh hoạt, tái hòa nhập cộng đồng, dần dần bà đã lấy được lòng tin của các gia đình có người sau cai. Từ chỗ giấu giếm thông tin, các gia đình đã tích cực hợp tác, khuyên bảo người thân tham gia sinh hoạt CLB B93. Bà tìm cách đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút hội viên đến tham gia.
 
Các hội viên không chỉ được tư vấn về sức khỏe, cách phòng, chống tái nghiện, mà còn được tạo việc làm, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ... giúp họ bớt mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng. Với sự cố gắng của bà và các thành viên trong CLB B93, đã có 20 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt và không tái nghiện. CLB đã vận động 7 khu dân cư ký cam kết xây dựng địa bàn không có ma túy, 70 đối tượng nghiện ma túy cam kết không tái nghiện...
 
Hơn 10 năm qua, bà đã giúp đỡ 5 trường hợp người nghiện sau cai có việc làm ổn định. Tiêu biểu là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Tùng, Phạm Văn Hòa là những người nghiện có “thâm niên” được bà tạo điều kiện vay vốn từ 20-30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhận được sự hỗ trợ này, gia đình anh Tùng đã mở cửa hàng cắt may, gia đình anh Hòa mở tiệm giặt là quần áo tại nhà. Bà Luyện chia sẻ: “Nhiều hội viên đã coi CLB B93 là ngôi nhà thứ hai của mình. Và  niềm vui lớn nhất đối với các tình nguyện viên như bà là khi có thêm một người sau cai tiến bộ, hòa nhập cộng đồng”.
 
Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm liên tục, bà Đỗ Thị Luyện vinh dự được công an thành phố, UBND thành phố Hà Nội tặng giấy khen, bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS.
 
Việt Hưng - Thanh Thanh - Hoàng Anh




Tin cùng chuyên mục

 Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

(PNTĐ) -Sinh năm 1983, là một người vừa có đam mê vừa có “năng khiếu” trong công tác tham mưu. 10 năm qua, Thiếu tá Trần Thị Minh, cán bộ Đội Tham mưu Cảnh sát, Phòng Tham mưu, CATP Hà Nội đã nỗ lực không ngừng để đạt được nhiều thành tích trong công tác cũng như các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ Công an TP Hà Nội.
Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

(PNTĐ) -Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới. Dưới đây là một số gương nghệ nhân tiêu biểu được Hội LHPN Hà Nội vinh danh trong chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống” thành phố Hà Nội năm 2023.
Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

(PNTĐ) -Chị Nguyễn Thị Lan Hương, sinh năm 1965 đã có “thâm niên” 23 năm làm Tổ trưởng tổ phụ nữ số 13 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. 23 năm “vác tù và hàng tổng” nhưng chị không thấy mỏi mệt mà ngược lại càng mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.