Nguy hiểm việc trẻ hóa người bị đột quỵ

Chia sẻ

PNTĐ-Đột quỵ vốn được coi là chỉ xảy ra với người trên tuổi 55, nhưng thời gian gần đây đột quỵ đang có nguy cơ “trẻ hóa”.

 
Nguy hiểm việc trẻ hóa người bị đột quỵ - ảnh 1
Sơ cấp cứu đúng cách sẽ giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân đột quỵ
 
Đột quỵ ở độ tuổi... 20
 
Tại phòng cấp cứu khoa Thần kinh, BV Bạch Mai, bệnh nhân T.C.T (32 tuổi, Nam Định) vẫn đang mê man sau ca phẫu thuật làm tan cục máu đông ở mạch máu não. Các bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhân nhập viện cách đây 3 ngày, trong tình trạng chóng mặt dữ dội, yếu nửa người, nói khó và bị ngất xỉu. Bác sĩ chẩn đoán ban đầu, T bị đột quỵ, khiến người thân bệnh nhân ngạc nhiên vì T còn trẻ, không nghiện rượu, không có tiền sử cao huyết áp...
 
PGS.TS Nguyễn Văn Liệu, Phó Chủ nhiệm khoa Thần kinh, BV Bạch Mai cho biết, nếu may mắn qua khỏi, bệnh nhân có thể tỉnh táo nhưng có nguy cơ liệt nửa người bên trái. Thống kê của BV Bạch Mai, tính từ đầu năm đến nay, BV đã điều trị nội trú vài trăm ca đột quỵ nặng. Tại khoa Thần kinh, cấp cứu và điều trị cao điểm có ngày lên đến 40 bệnh nhân/ngày. Trong đó, đáng chú ý, bệnh nhân 30 - 40 tuổi bị đột quỵ ngày càng nhiều.
 
Tương tự, tại BV E (Hà Nội) cũng tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ khi tuổi còn rất trẻ, đó là bệnh nhân T.H.M (21 tuổi, Hà Nội). Cuối tuần qua, khi đang chơi thể thao, M xây xẩm rồi té ngã ra sân bóng. M được đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng bệnh khá nặng, có dấu hiệu thở mệt, nói khó, chân tay run không thể ngồi được, phải hồi sức tích cực. Sau chụp cộng hưởng từ, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đột quỵ não. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh nhân lên cơn cao huyết áp dẫn đến đột quỵ khi hoạt động quá sức ngoài trời. BS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, GĐ Trung tâm tim mạch quốc gia cho biết đã gặp không ít tình huống tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” và dù được can thiệp thành công nhưng tỷ lệ để lại di chứng là rất lớn.
 
Khảo sát của Hội Đột quỵ Việt Nam cho thấy, những năm gần đây số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ ở độ tuổi trẻ đang có chiều hướng tăng lên 3% mỗi năm, trong đó tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. “Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ thường trong độ tuổi từ 55 - 60 trở lên thì nay đang trẻ hóa dần, từ 30 - 40 tuổi, thậm chí ở độ tuổi 20”, BS Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam cho hay. Lý giải về tình trạng này, BS Thắng cho rằng, sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là vì các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường. Ngoài ra, người trẻ còn chịu sự tác động của cuộc sống hiện đại như ít vận động, béo phì, căng thẳng stress, mất ngủ, thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Sơ cứu sai cách gây tăng tử vong với người bệnh
 
Theo BS Lê Ngọc Thành, rất nhiều người hiểu chưa đúng về căn bệnh đột quỵ. Một nghiên cứu của Hội Thần kinh học TP.HCM cho thấy, có khoảng 40% người thân bệnh nhân bị đột quỵ nhầm lẫn đột quỵ với các căn bệnh khác như đau tim, trúng gió, đau nửa đầu... Do vậy, họ thường lựa chọn các cách sơ cứu sai lầm và chậm trễ trong việc cấp cứu bệnh nhân. Đơn cử, có một số triệu chứng đột quỵ đột ngột như: liệt hẳn một bên, không nói được, méo mặt, ngã quỵ, đau đầu, chóng mặt, choáng váng... nhiều người liên tưởng đến hiện tượng đau nửa đầu, trúng gió mà mang dầu gió đến cạo gió, xức dầu rồi để bệnh nhân nghỉ ngơi mà không cần đưa đến bệnh viện.
 
BS Thành khuyến cáo, việc nắm rõ các dấu hiệu của đột quỵ là rất cần thiết, đặc biệt là khi trong gia đình có người có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp, đái tháo đường… Khi xảy ra cơn tai biến, người nhà phản ứng càng nhanh sẽ giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm từ 2 - 4h sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ để giảm thiểu nguy cơ tử vong.
 
Tuyệt đối không cố di chuyển đầu, cổ bệnh nhân, không cho bệnh nhân ăn hoặc uống vì lúc này bệnh nhân không thể nuốt nên dễ gây nghẹn, không được dùng thuốc aspirin, dù thuốc này có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp đột quỵ tắc động mạch nhưng có thể gây chảy máu trong nếu là đột quỵ vỡ mạch máu.
 
PGS.TS Nguyễn Văn Liệu chia sẻ, để ngăn chặn đột quỵ, giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây ra đột quỵ não, người trẻ cần phải bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, thực hiện chế độ ăn giảm tinh bột và các chất béo, mỗi ngày ăn không quá 5g muối, kiểm soát căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống và công việc, tăng cường vận động ít nhất 30 phút ngày và 5 ngày/tuần, định kỳ kiểm tra huyết áp, đường máu, mỡ máu phát hiện và điều trị sớm các chứng bệnh này.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Nam giới thủ dâm có gây yếu sinh lý và rụng tóc?

Nam giới thủ dâm có gây yếu sinh lý và rụng tóc?

(PNTĐ) - Thủ dâm ở nam giới là hành động tự kích thích dương vật bằng tay hoặc các dụng cụ hỗ trợ để đạt được cực khoái. Có nhiều quan điểm cho rằng việc thủ dâm nhiều có thể gây rụng tóc ở nam giới. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào khẳng định cho quan điểm này.
Đẩy mạnh sự phát triển của phong trào võ thuật truyền thống

Đẩy mạnh sự phát triển của phong trào võ thuật truyền thống

(PNTĐ) - Trong 2 ngày 23 - 24/12, Đại hội đại biểu Hội Võ Thiên Môn Đạo TP Hà Nội nhiệm kỳ IV đã diễn ra tại UBND xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Với tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ tập thể, thẳng thắn nghiêm túc kiểm điểm đánh giá tổng kết vai trò trách nhiệm của BCH Hội và từng cán bộ Hội viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. đại hội đã rút ra những bài học quý báu, đề ra phương hướng khắc phục những mặt tồn tại, phát huy điểm mạnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
An toàn tình dục cho tuổi teen

An toàn tình dục cho tuổi teen

(PNTĐ) - Thiếu hiểu biết về cách quan hệ tình dục an toàn, cách phòng tránh thai đã gây nhiều hệ lụy, nhiều trẻ em gái mang thai sớm, mắc bệnh phụ khoa, phá thai sớm...
Cùng cổ vũ nhau sống cuộc sống lành mạnh

Cùng cổ vũ nhau sống cuộc sống lành mạnh

(PNTĐ) - Là một hoạt động hấp dẫn thông qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, Giải chạy Herbalife Run đã chào đón hơn 54.000 người tham gia trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương kể từ năm 2020.