Mở ra hy vọng làm mẹ cho phụ nữ phải chạy thận

Chia sẻ

PNTĐ-Nhờ tiến bộ kỹ thuật trong điều trị hiện nay, những phụ nữ không may mắc bệnh thận (phải lọc thận) đã có thể sinh con mà không ảnh hưởng tới tính mạng.

 
Mong manh khát khao được làm mẹ
 
Cách đây 7 năm, chị Hoàng Ngọc Y (31 tuổi, ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng khi thai nhi ở tuần thứ 4, chị Y bị suy thận được chỉ định lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai). Chỉ sau ít ngày chạy thận, chị sẩy thai. Sau đó, chị lại mang thai lần thứ hai. Tháng 4/2015, khi mang thai đến tuần thứ 15, chị Y và gia đình có đơn trình bày với bác sĩ nguyện vọng được hỗ trợ để có thể giữ thai lại và sinh con.
 
Mở ra hy vọng làm mẹ cho phụ nữ phải chạy thận - ảnh 1
Chị Y vẫn phải tiếp tục lọc máu sau khi sinh con
 
BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhântạo cho hay, đây là trường hợp rất đặc biệt. “Sau khi hội chẩn, căn cứtình trạng bệnh nhân, chúng tôi quyết định cho chị Y giữ thai nhưng phảithay đổi phác đồ điều trị để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cả mẹ và thainhi”.
 
Cùng lúc chị phải điều trị bằng 5 loại thuốc mà yêu cầu khi kê đơn phải vừa an toàn đối với bệnh nhân, vừa không được ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, các bác sĩ phải luôn đảm bảo độ pH máu ở chỉ số phù hợp, nếu không sẽ gây nguy cơ sẩy thai. Loại dịch lọc thận của chị Y cũng được đặt riêng. Thay vì phác đồ lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần, bệnh nhân được lọc máu 6 buổi/tuần. Cùng với đó, thuốc điều trị cũng được điều chỉnh liều cho phù hợp. Sau 30 tuần thai nghén, chị Y được chuyển vào điều trị nội trú cùng lúc tại hai khoa Thận nhân tạo và Sản của BV Bạch Mai.
 
Theo các bác sĩ khoa Sản BV Bạch Mai, các bác sĩ đã cầm cự, cố để em bé ở thêm trong bụng mẹ ngày nào hay ngày ấy, tốt nhất là đến tuần thứ 34 của thai kỳ. Đến cuối tháng 9/2015, chị Y trở dạ sớm nên các bác sĩ phải phẫu thuật để lấy con. Bé Xuân Bảo chào đời khỏe mạnh, nặng 1,5kg. Sau 1 tháng được nuôi dưỡng, chăm sóc trong BV, bé Xuân Bảo đã nặng 2kg và đã xuất viện vào cuối tuần qua.
 
Một kỳ tích và mở ra cơ hội mới
 
Đây có lẽ là một kỳ tích vì trên thế giới mới có 55 trường hợp có thai khi đang trong quá trình lọc thận nhân tạo, trong đó có 23 trường hợp đã sinh con nhưng chỉ có 10 trường hợp trẻ khỏe mạnh, có các chỉ số bình thường, không khuyết tật về thể chất; còn lại là tử vong hoặc sẩy thai hoặc phải đình chỉ thai nghén.
 
Ở Việt Nam chưa có trường hợp nào mang thai khi đang chạy thận nhân tạo mà sinh con bình thường. “Trong 40 năm qua, tại khoa Thận nhân tạo cũng có 5 trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai nhưng chị Y là bệnh nhân duy nhất lọc máu thai kỳ tại BV, được theo dõi và chăm sóc thai nghén từ đầu đến khi sinh. Rất tiếc các trường hợp còn lại đều bị thai lưu, sẩy thai hoặc đình chỉ thai nghén sau ít tuần” – BS Dũng nói.
 
BS Dũng phân tích: Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì việc có con là vô cùng khó. Khi bị suy thận thì các chức năng khác của cơ thể, trong đó có hoạt động của cơ quan sinh dục sẽ giảm. Chính vì vậy, trứng của bệnh nhân sẽ khó có đủ điều kiện để thụ thai, mặt khác khi bệnh nhân mang thai sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe như hệ tim mạch, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa đều phải hoạt động nhiều hơn bình thường, đặc biệt hệ tiết niệu. Người bệnh có thai trong thời điểm phải chạy thận nhân tạo phải đặc biệt chú ý đến các chỉ số về tim mạch, huyết áp, tăng abumin niệu, nguy cơ thai nhi gặp phải những vấn đề bất thường cũng cao hơn ở sản phụ có sức khỏe bình thường.
 
Vì thế, BS Dũng khuyến cáo, phụ nữ nếu có sẵn bệnh lý về thận cần đi khám BS chuyên khoa thận khi dự định mang thai. Việc thăm khám trước và trong khi có thai rất quan trọng với sự sống của mẹ và thai nhi. BS sẽ giúp đánh giá và giải thích tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước khi có thai không, có cần dùng thuốc hoặc cách thức điều trị nào trong thai kỳ... Thậm chí, một số tình trạng bệnh lý quá nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ thì BS vẫn phải khuyến cáo bệnh nhân tránh có thai.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...