Cẩn thận với nạn trộm cắp xe cuối năm

Chia sẻ

PNTĐ-Đang trong tháng củ mật, tội phạm trộm cắp xe máy tại Hà Nội có phần manh động hơn trước.

 
Đáng báo động, hầu hết các đối tượng đứng sau các vụ trộm xe máy là ổ nhóm tinh vi, cấu kết thành vòng tròn khép kín từ khâu đột nhập, trộm cắp đến tiêu thụ.
 
Cẩn thận với nạn trộm cắp xe cuối năm - ảnh 1
Xe máy để “hớ hênh” ở vỉa hè rất dễ lọt vào tầm ngắm của kẻ trộm
 
Trộm xe máy ngày càng táo tợn
 
Theo Trung tá Mai Văn Thuần - Đội trưởng Đội 6, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội (PC45), ngay từ giữa năm 2015, trộm cắp xe máy đã xảy ra dồn dập ở nội thành với gần 500 vụ: Đống Đa 107 vụ, Cầu Giấy 74 vụ, Ba Đình 66 vụ... Thời gian hoạt động chủ yếu vào buổi trưa và tối. Dụng cụ hành nghề chủ yếu mà các đối tượng xấu sử dụng là vam phá khóa, kìm cộng lực... Theo các chiến sĩ công an, nhiều người dân vừa dựng xe ở vỉa hè, quay lưng đi... 1 phút, xe đã “bốc hơi”. Lại có trường hợp hộ gia đình, bỏ tiền triệu ra lắp đặt camera, thế nhưng, dù nhìn thấy kẻ xấu đang manh động phá khóa xe, vẫn không trở tay kịp vì hành vi của chúng quá... chớp nhoáng.
 
Trước bức xúc của dư luận, PC45 đã xác lập chuyên án bí số 350P để tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá ổ nhóm. Quá trình điều tra mất rất nhiều thời gian vì chúng có đường dây, kế hoạch “bài bản” và thủ đoạn tinh vi. PC45 đã làm rõ và bắt giữ ổ nhóm gồm 17 đối tượng do Nguyễn Đức Thọ, trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc cầm đầu. Chúng khai nhận đã trộm cắp 70 xe máy trong thời gian qua. Trung bình mỗi vụ từ 5-8 xe, điển hình như: trộm 7 xe máy tại trường tiểu học Chu Văn An, 7 xe máy trong nhà xe Ban quản lý dự án và báo Giao thông, 5 xe máy tại trường Cao đẳng Điện tử điện lạnh... Thậm chí, chúng liều lĩnh đột nhập cả nhà xe của một đơn vị trực thuộc một Bộ lớn, lấy đi 8 xe máy. Toàn bộ số xe trộm cắp được Nguyễn Đức Thọ và đồng bọn mang lên Bắc Giang, phá dỡ lấy phụ tùng rồi bán... sắt vụn. Theo các chiến sĩ CAHN, thủ đoạn này không mới, nhưng phương thức tiêu thụ thì khá tinh vi theo kiểu “xẻ thịt” xe ăn trộm nên tài sản bị mất khó tìm lại được.
 
Hồi đầu tháng 11/2015, Công an huyện Mê Linh phối hợp với Phòng PC45 điều tra, bắt giữ 3 đối tượng trộm cắp, tiêu thụ xe máy do Hoàng Văn Mười (SN 1978, trú tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cầm đầu. Ổ nhóm này đã thực hiện 15 vụ trộm cắp xe máy trót lọt, tiêu thụ hàng chục xe máy trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Vụ án cũng đang được điều tra mở rộng.
 
Thống kê của PC45, năm 2015, HN xảy ra hơn 900 vụ trộm cắp xe máy. Tháng 9 gần đây, HN xảy ra 75 vụ, tăng 7 vụ so với tháng trước đó. Sang tháng 10, HN tiếp tục xảy ra 58 vụ. Càng cuối năm kẻ trộm càng manh động, loại xe các đối tượng chọn lấy trộm là loại xe được người dân ưa chuộng nhất hiện nay là Honda SH, Airblade, Wave, Dream, Lead....

Im lặng có thể là đang “tiếp tay” cho tội phạm
 
Trung tá Mai Văn Thuần cho biết, ngoài các ổ nhóm hoạt động có tổ chức từ giữa năm, đến tháng củ mật, thủ đoạn thường thấy của các đối tượng trộm cắp xe máy là đi theo... cặp, 2 đối tượng sử dụng 1 xe máy đi lòng vòng khắp các tuyến phố Hà Nội, các khu dân cư, nhà tập thể để phát hiện xe máy để “hớ hênh” ở vỉa hè, lòng đường, trước cửa nhà, cửa hàng... Sau khi trộm cắp được xe máy các đối tượng gửi xe vào các bãi gửi xe tại bệnh viện, chung cư, bến xe... sau đó tìm người mua tiêu thụ.
 
“Thời gian tới, PC45 tiếp tục phối hợp và đôn đốc các quận, huyện rà soát, bổ sung, quản lý số đối tượng đã từng trộm cắp tài sản, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các đường dây, ổ nhóm tội phạm. Tuy nhiên, ý thức người dân cần được nâng cao hơn nữa” – trung tá Thuần nói. Người dân nên để xe ở nơi an toàn, tuyệt đối không để giấy tờ đăng ký xe trong cốp, hộc đựng đồ, tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng tẩu tán tang vật.
 
Phòng CSHS cũng nhấn mạnh, trong mọi trường hợp bị mất xe, người dân phải làm đơn trình báo ngay đến các cơ quan công an. Nhiều người sau khi bị mất xe, do không tin tưởng vào khả năng tìm lại tài sản nên không trình báo, điều này vô tình tước đi cơ hội lấy lại tài sản vì thông tin về chiếc xe bị mất cắp sẽ được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu xe tang vật. Khi đối tượng trộm cắp lưu thông bằng chiếc xe đó trên đường, hoặc vì nhiều lý do mà chiếc xe đó bị tạm giữ, cơ quan chức năng sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu để thu giữ và tiến hành điều tra.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.