Đủ kiểu “chặt chém” trong bệnh viện

Chia sẻ

PNTĐ-Sau vụ việc xe cấp cứu độc quyền lộng hành ở BV Nhi T.Ư bị xử lý, tuần qua, Báo PNTĐ nhận được nhiều phản ánh của độc giả về các hình thức "chặt chém" người bệnh trong bệnh viện.

 
Đủ kiểu “chặt chém” trong bệnh viện - ảnh 1
Căng tin trong BV là 1 trong các dịch vụ dễ xảy ra tình trạng
"chặt chém" bệnh nhân?
 
Tận thu
 
Chị Trần Thị Hoài (ở Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm) bức xúc khi đến khám tại BV K (cơ sở 2, Tân Triều), chị đã phải mua chai nước lavie 500ml trong căng tin BV với giá 10.000 đồng, cao gấp 2 lần so đại lý bên ngoài. Theo khảo sát của PV, cũng chai nước này được bán tại căng tin BV Phụ sản HN với giá 6.000 đồng; ở BV Phụ sản T.Ư bán 8.000 đồng; ở BV Việt Đức bán 9.000 đồng...
 
Tại cửa hàng tạp hóa trước nhà G của BV Phụ sản T.Ư, các sản phẩm dành riêng cho phụ nữ (mổ đẻ, mổ u nang...) cũng được bán cao hơn từ 5.000-15.000 đồng so với bên ngoài. Chị Nguyễn Thu Hường (Thanh Hóa) bức xúc: "Một cái bô đi vệ sinh bán 40.000 đồng, trong khi tôi ra ngoài mua chỉ 25.000 đồng". Nhiều người nhà bệnh nhân cho biết, sau một vài lần bị chặt chém, họ chấp nhận đi bộ xa, ra ngoài khuôn viên BV để mua đồ.
 
Nhiều bệnh nhân cũng bức xúc với vấn nạn cơm bụi giá cao trong BV. Vợ chồng chị Mai Hòa (Tam Nông, Phú Thọ) đưa con gái 5 tuổi xuống BV Nhi T.Ư khám bệnh, chầu chực từ sáng tới trưa vẫn chưa có kết quả xét nghiệm nên ghé vào căng tin BV gọi 3 suất cơm, 1 chai nước ngọt. Vợ chồng chị "ngã ngửa" khi cô nhân viên cửa hàng tính bữa cơm đó hết 117.000 đồng. Một suất cơm "nghèo nàn" với vài ba miếng thịt, cá kho, rau muống xào, canh rau luộc mà tính 35.000 đồng, chai nước ngọt 12.000 đồng (trong khi bên ngoài bán 8.000 đồng).
 
Trước đây, BV Nhi T.Ư đã từng xảy ra hiện tượng ngăn cản một tổ chức bán cơm từ thiện giá rẻ 5.000 đồng/suất vì sợ căng tin BV (bán cao gấp 5-7 lần giá cơm từ thiện đó)... ế cơm. Còn tại BV: Việt Đức, Bạch Mai... dù đã thực hiện "bán cơm đến từng giường bệnh" nhưng giá thành cao, từ 30.000 đồng trở lên khiến không ít bệnh nhân nghèo không dám ăn cơm BV mà tìm đến cơm bình dân quanh BV với giá rẻ chỉ bằng một nửa.     
 
Một vấn nạn nữa được nhiều người dân phản ánh và cũng là điều khiến nhiều người bức xúc nhất tại các BV là việc “loạn” giá gửi xe... Tại nhà xe của BV: K, Xanh pôn, Da liễu T.Ư... nhân viên soát vé vẫn "xé rào" thu phí trông xe máy 5.000đ/lượt, cao hơn quy định 2.000đ/lượt. Nếu lấy xe sau 18h30 thì mặc nhiên coi như gửi xe qua đêm, thu 10.000 đồng/xe.
 
Anh Phạm Đức Cường (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) phản ánh, một ngày anh vào BV 3 - 4 lượt để chăm nom người thân, cộng thêm tiền gửi xe đêm thì riêng chi phí gửi xe đã mất gần 50.000 đồng/ngày. Tính bình quân mỗi ngày ở BV lớn như Việt Đức, Phụ sản T.Ư, K..., số người gửi xe lên đến 1.000 - 2.000 lượt xe, riêng số tiền thu chênh lệch có thể lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Thế nhưng số tiền này đi về đâu rơi vào túi ai, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Xóa bỏ lợi ích kinh tế trong cung cấp dịch vụ
 
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thừa nhận, hiện nay rất nhiều dịch vụ phụ thêm tại BV như trông xe, căng tin, xe cứu thương, taxi... được cơ sở y tế giao khoán hoặc thuê một đơn vị khác ngoài BV thực hiện. Trong quá trình thực hiện đã xảy ra nhiều sai sót gây phiền hà cho người bệnh, người nhà. Điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy thuốc và các cơ sở y tế.
 
Đồng tình với quan điểm trên, TS Dương Đức Hùng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai cho rằng, việc các dịch vụ như ăn uống, hàng hóa… đều phải đấu thầu, ký kết hợp đồng, có thể là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới bán giá cao trong căng tin, siêu thị BV, gây thiệt thòi cho bệnh nhân. Vì thế, BV sẽ tiến hành khảo sát lại giá cả các mặt hàng thiết yếu bán bên ngoài với siêu thị trong BV, nếu giá cao sẽ yêu cầu căn tin BV điều chỉnh cho phù hợp. Nếu căng tin vi phạm ba lần, BV sẽ ngưng hợp đồng.
 
Còn tại BV Nhi T.Ư, PGS.TS Lê Thanh Hải, GĐ BV cho biết, sau vụ lùm xùm, BV thực hiện chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ trong BV. “BV chưa bao giờ đặt lợi ích kinh tế vào các dịch vụ cung cấp cho người bệnh. Do đó, người bệnh có quyền sử dụng các dịch vụ theo nhu cầu” – ông Hải nhấn mạnh.
 
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, người dân gặp phải các vấn đề bức xúc khi đi khám chữa bệnh tại các BV có thể phản ánh đến đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội (043.9985765), Thanh tra Sở sẽ tiến hành thanh kiểm tra BV bị người dân phản ánh, nếu có vi phạm, lãnh đạo BV có thể bị xử phạt theo các mức độ như nhắc nhở, khiển trách, cắt thi đua, trừ lương…

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.