Kỳ cuối: Ơn thầy

Chia sẻ

PNTĐ-Tình thầy trò trong thời @, không chỉ là tấm lòng của thầy dành cho trò, mà còn lấp lánh những câu chuyện cảm động trò tri ân thầy.

 
Người thầy không mong trò đền đáp mình bằng vật chất mà chỉ mong trò trưởng thành, sống có ích cho xã hội.
 
“Hậu sinh khả úy”
 
PGS.TS.NGND Tôn Thân, nguyên giáo viên chuyên Toán của trường THCS Trưng Vương là thầy của rất nhiều giáo sư, tiến sĩ Toán học hàng đầu Việt Nam, trong đó không ít người đã lưu danh thế giới như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Hồng Vân, PGS.TS Vũ Đình Hòa, TS Hoàng Lê Minh… Từ những nền móng đầu tiên mà thầy Thân gây dựng, những học trò ấy đã bước có bước tiến dài trong sự nghiệp, thậm chí vượt ra xa cả cái bóng của người thầy.  Nhưng, lúc nào, dù đã thành công đến đâu, họ cũng khắc ghi và biết ơn thầy giáo Tôn Thân mẫu mực, giản dị, hết mực yêu thương học trò.
 
Hè năm 1974, thầy Thân đang dạy tại lớp bồi dưỡng giáo viên thì một chiếc ô tô của Bộ GD-ĐT tới, xin đón thầy đi có “việc quan trọng”. Thì ra, năm đó, trong đội tuyển VN được cử đi thi Olympic Toán Quốc tế có 5 thành viên thì 4 em là học sinh cũ của thầy Thân ở cấp 2. Trước khi lên đường sang nước bạn thi đấu, đội tuyển đã đến thăm nhà sàn Bác Hồ. Các em tha thiết xin Bộ GD-ĐT được mời thầy Thân cùng dự, để thầy chứng kiến sự trưởng thành của học trò. “Gặp các em, tôi xúc động trào nước mắt. Tôi chỉ là một thầy giáo cũ, dạy các em một giai đoạn trong cuộc đời học sinh, vậy mà các em vẫn luôn nhớ đến tôi trong những thời khắc quan trọng nhất” - thầy Thân kể lại.
 
Kỳ cuối: Ơn thầy - ảnh 1
NGND Tôn Thân (giữa) với hai học trò cũ là Ngô Bảo Châu
và Vũ Hà Văn
 
Sau đó, các học trò cũ của thầy Thân lần lượt ra nước ngoài học tập, nhưng cứ vào dịp Tết, đặc biệt là ngày 20/11, thầy Thân lại đều đặn nhận được những tấm thiệp chúc mừng trò gửi về qua đường bưu điện. Học trò Đặng Hoàng Trung còn gửi về một kiện hàng toàn sách Toán, nhờ mẹ đưa tận tay thầy nhân dịp ngày 20/11, với mong muốn những cuốn sách sẽ giúp ích cho công việc dạy Toán của thầy. “Tôi luôn tự nói với mình rằng, tình cảm của học trò dành cho thầy, nên đợi tới khi các em đã ra trường mới có thể đánh giá chính xác nhất”.
 
Năm 2010, GS Ngô Bảo Châu giành giải thưởng Fields danh giá, được các nhà toán học thế giới ngợi ca và trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Dù rất hạnh phúc nhưng thầy Tôn Thân không gọi điện chúc mừng Châu. Thầy không muốn trò phải bận tâm đến mình. Ngày đó, trong diễn văn đọc tại lễ mừng công tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, GS Châu đã nhắc tới thầy Tôn Thân đầu tiên và tri ân thầy đã góp phần đào tạo ông về môn Toán. Sau đó, GS Châu đến thăm ngôi nhà nhỏ giản dị thầy, tặng thầy cuốn Bổ đề cơ bản bằng tiếng Pháp mà GS Châu đã chứng minh được.
 
“Ngồi bên tôi lúc đó không phải một Ngô Bảo Châu nổi tiếng thế giới. Châu vẫn chỉ là cậu học trò nhỏ năm nào, hồn nhiên, giản dị, lúc nào cũng lễ phép gọi thầy xưng em” - thầy Tôn Thân nhớ lại. Mới đây, khi cả GS Vũ Hà Văn (hiện là GS tại Mỹ) và GS Ngô Bảo Châu cùng đưa gia đình về nước, nhà thơ Vũ Quần Phương - bố của GS Vũ Hà Văn đã đứng ra làm cơm, trân trọng mời vợ chồng thầy Thân tới thăm nhà, cũng là dịp để cho hai gia đình học trò tri ân thầy.

Xin được giữ mãi chữ “Thầy” viết hoa
 
Ở ĐH Nông Lâm TP HCM, tấm lòng thảo của các cựu sinh viên đối với PGS.TS.NGDN Dương Thanh Liêm - nguyên Hiệu trưởng nhà trường cũng được nhiều người khen ngợi. Thầy Liêm từng có thành tích học tập sáng chói khi còn là SV ĐH Nông nghiệp 1, được Trung ương Đoàn lấy làm điển hình để giới trẻ noi theo. Sau đó, thầy Liêm được cử sang làm nghiên cứu sinh tại Hungary và khi trở về đã gắn bó với ĐH Nông lâm TP HCM.
 
Cho tới tận khi về hưu, NGND Dương Thanh Liêm gần như không có một gia sản gì quý giá, ngoài một miếng đất nhỏ ở xa trung tâm. Gia đình thầy vẫn ở trong căn hộ tập thể cấp 4 mượn của trường ĐH. Thầy ngày ngày đi trên chiếc xe máy cà tàng. Người con trai duy nhất của thầy đã mất vì đuối nước khi còn nhỏ, nhiều năm trời, thầy vừa ôm nỗi nhớ con, vừa vò võ nuôi bạn đời bệnh tật và hai con gái cũng ốm yếu chỉ bằng đồng lương giảng viên khiêm tốn. Thế mà khi có công ty nước ngoài mời thầy về làm việc với mức lương cao, thầy đã khước từ vì không thể rời xa bục giảng.
 
Kỳ cuối: Ơn thầy - ảnh 2
NGND Dương Thanh Liêm
 
Thương thầy vất vả, lại lo cuộc sống sau này của thầy bấp bênh khi căn nhà đang ở chỉ là đi mượn, hai cựu sinh viên là T và H đã đề xuất xin được tự bỏ tiền túi xây nhà cho thầy Liêm trên mảnh đất trống của thầy. Điều đáng nói hai cựu sinh viên này đã tốt nghiệp ĐH Nông Lâm hơn 20 năm, giờ đều đã xấp xỉ 50 tuổi nhưng họ vẫn luôn nhớ đến người thầy thanh liêm đã từng dạy mình khi còn trẻ.
 
Nhưng, khi đã chọn nghề giáo là những người thầy cũng đã chọn cho mình nguyên tắc sống trung thực, liêm khiết, không vụ lợi học trò. Ngoài hai sinh viên T, H, còn có nhiều cựu sinh viên ĐH Nông lâm TP HCM khác cũng xin được hỗ trợ thầy Dương Thanh Liêm về kinh tế để thầy bớt khó khăn, nhưng thầy không muốn phiền đến học trò. Thầy lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc phải cống hiến hết mình, như con tằm rút ruột nhả tơ, truyền dạy cho SV kiến thức. Bây giờ, dù đã nghỉ hưu, thầy Liêm vẫn tiếp tục mượn căn nhà tập thể cũ của trường, được ngày ngày đi bộ đến trường ĐH tiếp tục làm việc, nghiên cứu.
 
TS Dương Duy Đồng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tôi thực sự xúc động và cảm kích trước tấm lòng tri ân của các cựu sinh viên dành cho thầy giáo cũ. Nhưng, để nhận được điều đó, người thầy phải sống làm sao để học trò tâm phục khẩu phục, khắc cốt ghi tâm. Nếu để nói thật ngắn gọn về thầy Liêm, tôi chỉ biết dùng đến hai từ “Tuyệt vời”. Thầy cả đời thanh liêm như tên gọi, không màng tư lợi cho bản thân”. Đó là lý do vì sao, nhiều sinh viên đã từng được học thầy Liêm sau này khi ra trường, đều học theo lối sống đẹp của thầy.
 
 Thầy Tôn Thân cũng tâm sự: “Trọn đời này, tôi xin được giữ chữ Thầy viết hoa”. Có thời kỳ, mấy chục người trong gia đình lớn của thầy Thân phải ở trong căn nhà chỉ rộng 20m2. Đồng lương giáo viên rất khiêm tốn, nhà hết gạo, con ốm thiếu tiền mua thuốc… nhưng thầy cũng không bao giờ kêu khó, không nhận quà biếu của gia đình trò. Sau này, khi học trò đã nổi tiếng, có vị trí trong xã hội, khá giả về tài chính, thầy cũng chưa từng nhờ cậy, dù thầy biết, nếu làm vậy các trò sẽ không bao giờ từ chối mình. “Nhà giáo nếu vin vào hoàn cảnh nghèo để trục lợi từ học trò thì sẽ không được xã hội tôn trọng”. Thầy Thân cũng rất ít khi tự nhận “mình là thầy của Ngô Bảo Châu” mà ai biết sẽ tự nhận ra vì thầy càng không muốn dùng trò để “đánh bóng tên tuổi” cho mình.
 
Những học trò cũ của thầy Thân, hiểu tính thầy nên đã không chọn “tri ân” thầy bằng của cải, mà bằng việc luôn nỗ lực và noi gương thầy trên những bước đường đời. TS Hoàng Lê Minh từng là học sinh trường nhạc, sau thi đỗ vào lớp chuyên Toán 7K THCS Trưng Vương (khóa 1969-1971). Thời gian đầu, Minh chưa có tên trong danh sách học sinh giỏi của lớp. Nhưng, thầy Thân vẫn nhìn ra tài năng và đã dành thời gian bồi dưỡng và truyền cảm hứng học Toán cho Minh. Cảm kích trước tấm lòng của thầy, Minh đã cố gắng học và chỉ sau một thời gian, đã vươn lên thành HS giỏi Toán. Sau đó, Hoàng Lê Minh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Nhất tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế.

Mạch nguồn không bao giờ cạn
 
NGND Dương Thanh Liêm tâm sự, sở dĩ, khi còn là học trò, thầy cũng đã từng cảm nhận được lòng say nghề từ những người thầy giáo của mình. “Các thầy giáo của tôi uyên bác nhưng rất khiêm tốn, hết lòng yêu thương học trò, tận tâm tận lực với nghề mà không màng tư lợi bản thân. Các thầy cũng dặn tôi, đã làm thầy không bao giờ được quát nạt, xúc phạm học trò. Từ đó, tôi khắc cốt ghi tâm lời giảng của thầy”.
 
PGS. TS Vũ Đình Hòa, sau này công tác tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng đã luôn nhớ tới trí tuệ tư cách của thầy Thân, để lại phấn đấu làm một thầy giáo tốt. PGS. TS Hòa tâm sự: “Không có một phương pháp giảng dạy nào là tốt nếu người thầy không có tình yêu sâu đậm dành cho học trò... Khi cũng là người thầy trên bục giảng, tôi thấy đây là điều cốt yếu nhất của ngành sư phạm. Với thầy Thân, chúng tôi đã được học bằng hình thức dạy học tiên tiến nhất. Có lẽ, thầy là người thứ hai sau bố mẹ luôn lo lắng thật sự cho chúng tôi”.
 
Từ một HS của lớp chuyên Toán “thầy Thân”, sau đó giành giải Nhì Olympic Toán Quốc tế, PGS. TS Vũ Đình Hòa trở thành giáo viên, nhiều lần dẫn đoàn HS Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế và giành giải cao. Và, đến lượt mình, PGS. TS Vũ Đình Hòa cũng lại nhận được sự kính trọng của nhiều học trò.
 
Theo TS Dương Duy Đồng, trong thời @, có thể đây đó, thỉnh thoảng xảy ra việc thầy đánh trò, trò bạo hành thầy… nhưng đó chỉ là hy hữu. Nghĩa tình thầy trò muôn đời không bao giờ thay đổi được. Thời nào, thì xã hội cũng luôn tôn vinh những người thầy có trí tuệ, nhân cách, những học trò hiểu đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.
 
 “Tôi tin rằng, tình cảm của thầy dành cho trò và sự tri ân của trò đối với thầy cô đã đang và sẽ mãi được tiếp nối qua các thế hệ, như mạch nguồn không bao giờ cạn”.

Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…