Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH: Giảm lượng, không thể giảm chất

Chia sẻ

PNTĐ-Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian đào tạo bậc đại học (ĐH) sẽ rút ngắn xuống còn 3-5 năm so với hiện tại...

 
Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian đào tạo bậc đại học (ĐH) sẽ rút ngắn xuống còn 3-5 năm so với thời gian 4-6 năm như hiện tại. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với các trường ĐH trong điều chỉnh chương trình, cách đào tạo, để không làm giảm chất lượng cử nhân.
 
Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH: Giảm lượng, không thể giảm chất - ảnh 1
Việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH được kỳ vọng giúp SV
tốt nghiệp nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động
 
"Hòa nhịp với giáo dục thế giới"
 
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hiện nay, khung thời gian đào tạo đại học đang được áp dụng ở nước ta là 4 năm (với hệ Cử nhân), 5 năm (hệ Kỹ sư) và 6 năm (hệ bác sĩ) kể từ khi tốt nghiệp THPT. Nếu so sánh với khung thời gian đào tạo đại học của châu Âu (tiến trình Bologna - thời gian đào tạo tính từ khi tốt nghiệp THPT là 3 năm với trình độ cử nhân) thì thời gian đào tạo đại học ở nước ta dài hơn. Do đó, việc điều chỉnh thời gian đào tạo ĐH của Việt Nam cũng nhằm hòa nhịp với giáo dục thế giới.
 
TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo ĐH Nông Lâm TP HCM cũng cho rằng, giảm thời gian đào tạo ĐH sẽ giúp giảm khoảng cách chênh lệch (ít nhất về thời gian) của ĐH Việt Nam và các nước phát triển, giảm chi phí đào tạo, giúp SV tốt nghiệp nhanh chóng được tham gia thị trường lao động. Thực tế theo hệ thống đào tạo tín chỉ tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM, qua các đợt tốt nghiệp những năm gần đây, trung bình mỗi năm có 11% sinh viên tốt nghiệp đại học trước thời hạn (3-3,5 năm). Điểm quan trọng là tỷ lệ đạt Giỏi và Xuất sắc của các SV tốt nghiệp trước thời hạn cao hơn hẳn SV tốt nghiệp đúng hoặc trễ hạn. Vì thế, rút ngắn thời gian đào tạo ĐH trước tiên sẽ tác động đến thái độ của SV trong quá trình học tập.
 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, việc  rút  ngắn thời gian đào tạo ĐH trong thời kỳ hội nhập là có cơ sở. “Trước đây, các trường ĐH đào tạo theo niên chế nên thời gian học, nội dung học bị đóng đinh. Nay, chúng ta đã chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, SV được tự chủ thời gian, khối lượng học nên có thể rút ngắn việc học theo năng lực, nhu cầu”. Cùng với đó, rút ngắn chương trình đào tạo cũng có nghĩa các trường cũng sẽ phải tính toán, cân nhắc nội dung đào tạo hướng tới việc dạy những kiến thức nền tảng nhất, những quy luật chung nhất để trên cơ sở đó, sinh viên phát triển tư duy, thích nghi với môi trường công tác, giảm dần khối lượng nội dung chi tiết mang tính kỹ thuật…

Đừng để phải đào tạo lại
 
Tuy nhiên, TS Trần Đình Lý cho biết, cùng với cơ hội, việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH cũng là thách thức với các trường. Trước tiên, chương trình đào tạo được thiết kế mang tính hệ thống. Vì thế, khó có thể lấy tiêu chuẩn của những sinh viên giỏi để thiết kế cho chương trình chung. “Rút chương trình đại học xuống còn 3 năm đồng nghĩa với việc phải tăng nội dung học của mỗi năm lên chứ không được bớt số lượng tín chỉ đi, hoặc chương trình từ bậc phổ thông phải nặng lên. Hiện nay, chương trình phổ thông đang bị đánh giá là nặng, nếu thêm nữa sẽ thành quá tải.
 
Vì thế, chỉ còn cách tăng cường độ học ở bậc ĐH. Theo thiết kế chuẩn của thế giới, mỗi năm học ĐH chỉ bao gồm 30 tín chỉ. Như vậy, với 120 tín chỉ ở bậc đại học tương đương với thời gian đào tạo 4 năm. Muốn rút ngắn xuống 3 năm, nhà trường sẽ phải dồn học 40 tín chỉ/năm nên nguy cơ sinh viên trung bình sẽ không đáp ứng được”.
 
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa cho rằng, rất khó để trường rút ngắn thời gian đào tạo xuống 3 năm. Hiện nay, hệ cử nhân của trường được đào tạo với tổng số 130-133 tín chỉ chia đều trong 4 năm học và 160-163 tín chỉ với hệ kỹ sư 5 năm. Đó là chưa kể một số nội dung đào tạo khác như ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng... Việc đào tạo này đã được tiến hành trong nhiều năm, về cơ bản là hợp lý, phù hợp với sức tiếp nhận của sinh viên. Trước mắt, nhà trường vẫn sẽ tiến hành đào tạo ĐH theo hai hệ hệ cử nhân 4 năm và hệ kỹ sư 5 năm chứ không rút ngắn thời gian đào tạo.
 
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc đào tạo dài hay ngắn còn phải dựa trên ngành đặc thù... Đặc biệt, có một số ngành như ngành Y liên quan đến tính mạng con người, nếu cần phải đào tạo dài thì không nên rút ngắn. Tương tự, SV giỏi có thể rút ngắn thời gian học nhưng tuyệt đối không thể áp dụng với SV trung bình, kém…
 
Điều PGS.TS Nhĩ lo lắng là nếu xảy ra tình trạng “chạy theo thành tích”, rút ngắn thời gian học ở bậc ĐH nhưng không kiểm soát chất lượng đầu ra là gây hại cho xã hội. “Để sắp xếp lại chương trình đào tạo, trước tiên các trường cần căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của từng ngành. Có những ngành học không được rút ngắn mà còn cần bổ sung thêm một số học phần thực hành, bổ sung kỹ năng, để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi sinh viên ra trường. Việc rút ngắn thời gian đào tạo một cách cơ học là không phù hợp”.
 
Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội. Theo đó, thời gian đào tạo bác sĩ  cần thiết phải là 6 năm, thậm chí dài hơn mới đảm bảo chất lượng. Trên thế giới, thời gian đào tạo các trường Y khoa cũng rất dài. “Hiện nay, hội đồng hiệu trưởng các trường y cùng với Bộ Y tế đang trình đề xuất là khung đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ y khoa là 6+3-4, nghĩa là sau 6 năm đào tạo còn phải học thêm 3-4 năm nữa mới được hành nghề”.
 
Ts Trần Đình Lý cảnh báo: “Nếu thực hiện không chuẩn, nhiều khả năng chúng ta sẽ phải đào tạo lại cử nhân do chất lượng quá thấp. Việc rút ngắn chương trình phải trên cơ sở tích hợp các môn chứ không phải giảm khối lượng học. Có như vậy cử nhân Việt Nam mới tương đương trình độ khu vực, thế giới”.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.