Lên non ngắm tuyết

Chia sẻ

PNTĐ-Khi miền Bắc bước vào những ngày đông là thời điểm người yêu thích du lịch lại soạn sửa hành trang, sẵn sàng “chớp” lấy những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tuyệt đẹp ở các tỉnh vùng cao...

 
Đó là thời điểm nhiệt độ giảm sâu, băng tuyết xuất hiện, phủ trắng trên những mái nhà, cành cây, ngọn cỏ.

Hiện tượng thiên nhiên hiếm có
 
Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên mùa đông không có tuyết rơi như nhiều nước trên thế giới. Hiện tượng thiên nhiên hiếm có này chỉ xuất hiện ở các tỉnh miền núi dọc biên giới phía Bắc khi những đợt gió mùa đông bắc mạnh tăng cường liên tục xuất hiện khiến nền nhiệt giảm nhanh và giảm sâu (nhiệt độ trung bình từ 0-3 độ, cá biệt có nơi như huyện Mẫu Sơn ở Lạng Sơn có thể rơi xuống mức âm).
 
Đặc biệt, ở những vùng núi phía Tây Bắc của Tổ quốc có độ cao từ 1.600 – 2.400m so với mực nước biển như huyện Sapa, Y Tý ở tỉnh Lào Cai; huyện Mẫu Sơn ở tỉnh Lạng Sơn; huyện Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang… Băng tuyết (hay còn gọi là mưa đông kết) đến rất nhanh và tan rất chóng, mỗi đợt chỉ tồn tại 1-2 ngày chứ không kéo dài hoặc xảy ra liên tục như ở các nước. Thời điểm băng tuyết xuất hiện thường kéo dài từ cuối tháng 12 đến tháng 1 – những ngày miền Bắc có nền nhiệt thấp nhất trong suốt mùa đông dài, trời giá lạnh và rét buốt.
 
Lên non ngắm tuyết - ảnh 1
 
Đã từng được chiêm ngưỡng những mùa đông tuyết rơi lãng mạn và độc đáo qua phim ảnh, nhiều người Việt thích thú và háo hức. Tuy nhiên, cơ hội được trực tiếp nhìn thấy tuyết, chơi đùa và nghịch ngợm với tuyết lại không dành cho số đông. Không phải du khách nào cũng có điều kiện kinh tế để khám phá các xứ sở của tuyết tại châu Âu hay các nước vùng Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) vốn có chi phí rất đắt đỏ. Vì thế, khi các vùng núi phía Bắc xuất hiện băng tuyết, người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đổ xô lên đường để không phải bỏ lỡ dịp hiếm có biến ước mơ thành sự thật: được ngắm tuyết ngay trên đất nước mình.  
 
Tuyết rơi, màu trắng của băng bao phủ khắp các ngọn núi, rừng cây, những cánh đồng, bản làng… Cả vùng núi mênh mông chỉ có một màu trắng tinh khôi của tuyết với màu xám của cây cối, làng mạc. Thế nhưng, cái lạnh ấy không làm giảm đi sức hấp dẫn của phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ vùng Tây Bắc. Trái lại, tuyết đã mang sắc màu và không khí châu Âu xa xôi, huyền bí trở nên gần gũi với người dân Việt, nhất là với những người đã từng có thời gian học tập, lao động, sinh sống ở trời Âu. Cảm nhận này trở nên rõ ràng và sâu sắc hơn tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Phia Oắc (Cao Bằng)… - nơi còn dấu tích của các ngôi nhà biệt thự Pháp cổ hay Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) với những cánh rừng trải dài ngút ngàn tầm mắt – nơi có “không khí châu Âu đầy tuyết” một cách đặc trưng nhất.
 
Thận trọng trên những cung đường
 
Mặc dù nhiều huyện ở các tỉnh miền núi có tuyết rơi khi nền nhiệt xuống thấp nhưng các khu vực ở huyện Sapa như đèo Ô Quy Hồ, núi Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời, Thác Bạc, khu vực Y Tý, huyện Bát Xát của tỉnh Lào Cai; đỉnh Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn... là những địa danh thu hút được nhiều du khách đến săn tuyết, ngắm tuyết nhiều nhất. Đây là các điểm du lịch nổi tiếng, hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ rất sẵn nên du khách không phải lo lắng quá nhiều về chuyện ăn ở, nhất là trong điều kiện thời tiết giá lạnh khắc nghiệt.
 
Lên non ngắm tuyết - ảnh 2
Cung đường thử thách người lên non ngắm tuyết
 
Hiện nay, đường cao tốc từ Hà Nội đến các địa danh trên đều được nâng cấp nên việc đi lại khá thuận lợi và nhanh chóng. Thường du khách chỉ mất từ 3-5 tiếng di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai hay Lạng Sơn là đã có thể chạm tay vào những bông tuyết trắng. Tuy nhiên, việc đi lại bằng ô tô, xe máy trong những ngày tuyết rơi sẽ khó khăn, thử thách và nguy hiểm hơn nhiều so với những ngày thường. Hầu hết người Việt không quen với việc di chuyển dưới trời tuyết nên việc tìm hiểu và trang bị kiến thức lái xe an toàn trước mỗi chuyến đi là điều cực kỳ cần thiết.
 
Tuyết rơi khiến đường ướt và rất dễ gây trơn trượt. Do ở Việt Nam, tuyết rơi ít và chỉ ở một số khu vực nhất định nên các xe (ô tô, xe máy) không có lốp chuyên dụng đi đường trơn trượt. Vì vậy, việc lái xe an toàn hay không phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng xử lý tình huống của người cầm lái. Điều quan trọng nhất với các lái xe là phải tuân thủ nghiêm các chỉ dẫn an toàn trên đường và của lực lượng chức năng. Ngoài ra, để tăng diện tích bám trên mặt đường, giảm trơn trượt, du khách nên xịt bớt hơi lốp xe, dùng xích, dây thừng bao quanh bánh xe; khi vào cua nên giữ thẳng xe, không phanh gấp, giữ ấm tay chân.
 
Chuẩn bị trang phục để giữ ấm cơ thể cũng là phần việc quan trọng mà du khách cần chuẩn bị cẩn thận. Khác với mùa đông ở các nước, nhiệt độ tuy thấp hơn Việt Nam, tuyết dày hơn nhưng thời tiết khô lạnh chứ không buốt giá. Vì thế, đừng chủ quan, cùng một mức nhiệt, ở thành phố lớn sẽ không lạnh giá bằng ở những nơi có tuyết. Nếu chỉ khoác lên mình những trang phục mùa đông mà du khách vẫn mặc sẽ không đảm bảo để giữ ấm cơ thể. Khi đã phải co ro vì lạnh, việc chơi đùa với tuyết của du khách sẽ bị ảnh hưởng, không thể có cảm giác thoải mái.
 
Để cơ thể đủ ấm trong ngày rét đậm, rét hại ở vùng cao, du khách nên mang theo miếng dán giữ nhiệt, áo giữ nhiệt; khẩu trang, mũ len, khăn len, găng tay, bịt tai, tất chân là những đồ cá nhân quan trọng, không có thứ nào được thiếu để không bị thoát nhiệt của cơ thể. Trong đó, găng tay, tất chân, giày nên chọn loại chống thấm nước, đế giày chống trơn trượt để tránh bị ngã khi đi lại. Mặc nhiều lớp áo có chất liệu cotton, len bó sát, có sợi giữ nhiệt… bên trong giúp du khách giữ được thân nhiệt ổn định lâu hơn những chiếc áo len, áo khoác to dày. Áo khoác ngoài nên có lớp nilon ở bề mặt để cản gió, chống thấm nước.
 
 Để giữ ấm cho cơ thể, việc chọn lựa đồ ăn thức uống cũng là vấn đề chưa được nhiều du khách quan tâm. Lựa chọn đồ ăn có chứa chất cay, nóng như ớt, sả, tiêu… và ăn nóng là cách để cơ thể nhanh sản sinh ra nhiệt, làm ấm người rất hiệu quả. Ngoài ra, uống một cốc nước ấm hoặc trà gừng, sả làm ấm cơ thể, ổn định thân nhiệt trước khi đi ra trời tuyết cũng là điều nên làm. Vì thế, trong hành lý của du khách đi săn tuyết bắt buộc phải có thêm trà gừng.
 
Tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp, cơ thể không đủ ấm, bị nhiễm lạnh có thể khiến du khách bị cảm và một số bệnh khác rất khó chịu như cước da và bỏng lạnh với các triệu chứng như đau, ngứa, da biến đổi màu như đỏ, vàng…
 
Cách tốt nhất để phòng tránh là cần giữ ấm cơ thể, không đi ngoài trời lạnh quá lâu, không để cơ thể bị đói hay khát.
Các nhà nghỉ, phòng khách sạn ở Mẫu Sơn, Sapa trong mùa đông nói chung, nhất là ngày có băng tuyết thường ẩm thấp, các loại chăn, gối cũng dễ bốc mùi ẩm mốc. Du khách có thể mang theo túi ngủ, chăn mỏng để sử dụng.
 
Dương Thùy Anh

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.