Sửa đổi luật để thu hẹp khoảng cách giới

Chia sẻ

PNTĐ-Một trong năm nội dung quan trọng sẽ được sửa đổi, bổ sung trong Bộ Luật Lao động 2012 (dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong các kỳ họp năm 2017)...

 
Một trong năm nội dung quan trọng sẽ được sửa đổi, bổ sung trong Bộ Luật Lao động 2012 (dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong các kỳ họp năm 2017) là những chính sách liên quan đến lao động nữ khi có nhiều quy định pháp luật vô tình đã trở thành rào cản sự phát triển đối với chị em. Đây cũng là những nội dung mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiến nghị khi sửa đổi Bộ Luật trên.
 
Sửa đổi luật để thu hẹp khoảng cách giới - ảnh 1
Vẫn còn nhiều định kiến gây thiệt thòi cho lao động nữ
 
Định kiến giới gây thiệt thòi cho chị em
 
Những quy định của luật và các văn bản dưới luật ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của giới với hy vọng những quan điểm tiến bộ này sẽ bảo đảm cho sự bình đẳng giới góp phần thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và trưởng thành của phụ nữ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, những tư tưởng tiến bộ đó mới chỉ nằm trên… giấy.
 
Một khảo sát do tổ chức Lao động quốc tế và tổ chức Tài chính quốc tế thực hiện mới đây đã chỉ ra: có tới 79,7% doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu của luật trong nhóm vấn đề nghỉ có hưởng lương; trong đó bao gồm chi trả về nghỉ lễ, nghỉ phép năm, nghỉ chăm con dưới 12 tháng tuổi và nghỉ trong thời gian kinh nguyệt cho lao động (LĐ) nữ, nghỉ trong giờ làm việc cho lao động cao tuổi, ngừng việc, và chi trả chế độ ốm đau và thai sản đúng hạn. Đây là những quyền lợi căn bản và mang đặc thù giới rất tiến bộ mà nhiều cơ quan soạn thảo đã phải dày công nghiên cứu và tham gia bảo vệ quyền lợi cho chị em.
 
Ngoài ra, tuy không phổ biến nhưng vẫn có nơi thích tuyển nhân viên nam hơn nữ do không lo công việc bị gián đoạn do chị em nghỉ để thực hiện thiên chức làm mẹ. Tỷ lệ LĐ nữ không có hợp đồng lao động (chiếm 49%) cao hơn so với nam giới (36%). Có nhiều phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức hơn nam giới và chỉ có thu nhập trung bình thấp hơn 50% và phải đối mặt với nhiều bấp bênh hơn cũng như có ít khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp ở phụ nữ trẻ cũng cao hơn ở nam giới trẻ, vì vậy phụ nữ trẻ có xu hướng di cư ra thành phố nhiều hơn.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng Bộ Luật Lao động cần phải sửa đổi những quy định cho phù hợp hơn, góp phần đảm bảo thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất để cho cả nam và nữ đều được hưởng thụ bình đẳng bởi trong vòng 25 năm qua, tỷ trọng LĐ nữ chiếm trong lực lượng lao động có sự thay đổi không đáng kể.

Sửa luật hướng tới sự bình đẳng thực chất
 
TS Trần Vân Anh - chuyên gia về giới cho rằng, cần tạo ra sự đồng bộ về mặt chính sách và đẩy mạnh tuyên truyền để chị em nắm rõ các điều khoản cụ thể của luật có liên quan mật thiết đến quyền lợi và đặc thù giới là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần rà soát các nghị định để loại bỏ sự thiếu thống nhất giữa luật và nghị định hướng dẫn.
 
TS Trần Vân Anh lấy dẫn chứng: “Tại Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định người LĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại điều 187 thì đương nhiên chấm dứt hợp đồng LĐ. Như vậy có nghĩa nếu người LĐ thiếu 1 trong 2 yếu tố, chẳng hạn đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sẽ không bị chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật Lao động 2015 lại quy định: “ Khi người sử dụng LĐ không có nhu cầu hoặc người LĐ cao tuổi không đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng LĐ. Rõ ràng, 2 quy định này mâu thuẫn với nhau, dễ gây ra tranh chấp LĐ khiến chị em có thể chịu thiệt thòi do không được bảo vệ bằng những quy định chặt chẽ”.
 
Những khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế nhiều năm qua chưa được nhìn nhận đúng mức và có giải pháp hợp lý nên đa phần phụ nữ phải gồng mình san sẻ thể lực để giải quyết tốt cùng một lúc cả 3 vấn đề lớn là: chăm lo cho bản thân, gia đình và hoàn thành tốt công việc ngoài xã hội. Vì thế để hành động vì mục tiêu mang lại sự bình đẳng giới thực chất cho chị em cần phân tích kỹ và nhiều chiều khi xây dựng các phương án chính sách trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới. Trong đó có tính đến cả việc bổ sung thêm quyền lợi cho các DN sử dụng đông LĐ nữ.
 
Qua khảo sát của Tổ chức lao động thế giới cho thấy chúng ta yêu cầu DN thực hiện nhiều quyền lợi cho chị em, ảnh hưởng đến hiệu suất LĐ và chi phí tăng cao do phải chi trả các chế độ tiền lương đặc thù. Thực tế này khiến không ít DN không mặn mà với việc sử dụng LĐ. Do vậy, một trong những quy định cần bổ sung có những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ nữ.

Hoàng Đức

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.