Thắm mãi tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia

Chia sẻ

PNTĐ-Đại hội Đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Hà Nội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2017 -2022) diễn ra vào sáng 10/5 tại trụ sở Hội LHPN TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp.

 
Như báo PNTĐ đã đưa tin, Đại hội Đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Hà Nội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2017 -2022) diễn ra vào sáng 10/5 tại trụ sở Hội LHPN TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua danh sách 27 đồng chí vào Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia khóa IV. Đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội tái nhiệm Chủ tịch Hội.
 
Thắm mãi tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia - ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức
hữu nghị TP.Hà Nội Cấn Việt Anh tặng hoa
BCH Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia khóa IV
 
Hoàn thành xuất sắc các mục tiêu
 
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia (Hội) đã trình bày “Báo cáo kết quả hoạt động khoá III và phương hướng hoạt động khoá IV, nhiệm kỳ 2017 – 2022” (xem báo Phụ nữ Thủ đô số 19 ra 10/5), khẳng định:
 
Nhiệm kỳ qua, Hội đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội lần thứ III đề ra trên 4 lĩnh vực: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, gắn các hoạt động của Hội với hoạt động chung của Thành phố; Tăng cường hoạt động hòa bình, hữu nghị hợp tác với Campuchia; Tham gia các hoạt động hữu nghị do Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Trung ương và Thành phố Hà Nội tổ chức; Xây dựng củng cố tổ chức Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia vững mạnh. Nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Hữu nghị Việt Nam -Campuchia đã xây dựng phương hướng hoạt động với nhiều nội dung, không ngừng đổi mới, sáng tạo, góp phần tăng cường mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước.
 
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng Vũ Vương Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia đánh giá cao những thành tích đã đạt được của Hội nhiệm kỳ qua, đồng thời khơi gợi những nhiệm vụ Hội cần làm trong nhiệm kỳ tới để “Hà Nội mãi là tấm gương về những hoạt động đoàn kết hữu nghị cho các tỉnh, thành khác”.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Cấn Việt Anh nhất trí cao với Báo cáo Đại hội, tin tưởng với sự lãnh đạo của BCH Hội, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị TP, với tinh thần mới của ĐH lần này, hoạt động của Hội sẽ thu được những thành tựu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ đối ngoại của Thủ đô trong tương lai.

Khắc ghi tình cảm thắm thiết Việt Nam - Campuchia  
 
Trong số 145 đại biểu chính thức tham dự Đại hội, có các cựu Quân tình nguyện Việt Nam - những người đã giành một phần tuổi trẻ để cống hiến, chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979. Gặp gỡ tại Đại hội là dịp để họ ôn lại ký ức hào hùng, chia sẻ tình cảm sâu đậm đã dành cho nước bạn Campuchia.
 
Năm 1979, ông Nguyễn Hồng Quân mới 18 tuổi đã lên đường sang nước bạn Campuchia. Đơn vị của ông đóng quân tại Xiêm Riệp, có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vũ khí cho bộ đội của ta chiến đấu trên Mặt trận 479.
 
“Cuộc sống của chúng tôi ngày đó gian khổ lắm. Giao thông trong thời chiến rất khó khăn nên có khi 2 năm bộ đội mới được tiếp tế quân tư trang. Bữa cơm chỉ có chút mắm tổng hợp đóng thành bánh, ít cá khô, may lắm thêm được vài lá rau. Mùa mưa, 70% chiến sĩ trong đơn vị tôi mắc sốt rét. Mùa khô, anh em phải uống nước tại những hố nước trâu bò vừa tắm”. Năm 1982, ông Quân cùng đồng đội được điều đến khu vực sát biên giới Thái Lan. Giữa sự chống phá ác liệt của Pôn pốt, những người lính Việt Nam vẫn quyết tâm bảo vệ kho vũ khí. Song, “không ít đồng đội của tôi, chưa kịp có tổ ấm riêng ở quê nhà đã ngã xuống, máu hòa với đất Campuchia” - ông Quân bùi ngùi. “Nhưng, càng gian khổ, đau thương, chúng tôi càng vững tay súng. Ai cũng muốn sớm tiêu diệt Pôn Pốt để bà con Campuchia đỡ khổ”.
 
Ông Đỗ Hữu Đoàn, nguyên Trung sĩ Tiểu đội trưởng đơn vị C4D7E93F2 quân khu 5 lại xúc động nhớ về những tình cảm thủy chung, gắn bó mà quân dân hai nước đã dành cho nhau. “Sau chiến dịch giải phóng Campuchia năm 1979, đơn vị của tôi nhận lệnh truy quét tàn quân Pôn Pốt còn sót lại. Mỗi ngày, chúng tôi hành quân khoảng 50km xuyên rừng. Khi đến khu vực có dân cư, chỉ cần thấy chúng tôi là bà con lại chạy ra chào đón, chắp tay trước ngực bày tỏ sự cảm tạ. Thương bộ đội Việt Nam phải ăn cơm vắt, nằm rừng, nhiều bà, chị… đã tặng bò khô, cá sông, xoài, gạo, đường thốt nốt… để chúng tôi bồi dưỡng sức khỏe. Nhìn những người mẹ Campuchia hiền hậu, chúng tôi rưng rưng tưởng như đang gặp lại mẹ mình”.
 
Bộ đội Việt Nam cũng luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với bà con Campuchia. “Một lần, Pôn pốt về quậy phá ở một buôn trong vùng Sittrong Treng làm một cháu nhỏ bị thương. Chúng tôi đã sơ cứu và thay nhau cáng cháu đến bệnh viện. Ở những nơi còn khó khăn, bộ đội Việt Nam dù quân tư trang khan hiếm vẫn sẵn sàng chia sẻ từ miếng xà phòng, chút kem đánh răng, lương khô, thuốc men với người dân Campuchia”.
 
Ông Đỗ Văn Mến, SN 1959, từng công tác tại Tiểu đoàn 198 Trung Đoàn 113 Bộ Tư lệnh Đặc công lại mang tới Đại hội niềm tự hào “một nhà có 3 anh em cùng chiến đấu chống Pôn Pốt tại Campuchia”. Ông Mến sang Campuchia năm 1977. Năm 1979 đến lượt em trai thứ Đỗ Văn Du. Năm 1981, em trai thứ 3 Đỗ Văn Duy cũng lên đường sang nước bạn. “Dù không liên lạc được với nhau nhưng chúng tôi vẫn thấy gần nhau vì cùng thực hiện chung một nhiệm vụ thiêng liêng trên nước bạn. Rất mừng là vượt lên đau thương, từ sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, đất nước Campuchia đã được hồi sinh”.
 
Đất nước, con người Campuchia với những người lính tình nguyện Việt Nam năm xưa, hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia hôm nay lúc nào cũng thân thương, đầy ắp kỷ niệm không thể nào quên.
 
 Đại hội đã thông qua danh sách BCH Hội khóa IV gồm 27 đồng chí. Đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội khóa III, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội tái nhiệm Chủ tịch Hội khóa IV; 3 Phó Chủ tịch Hội khóa IV gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội khóa III, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội; Đào Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội; Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
 
Tại Đại hội nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận khen thưởng các cấp vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội.
 
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PNTĐ) - Sáng 19/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho lãnh đạo, cán bộ Hội các quận, huyện, thị xã, đơn vị trực thuộc; các đồng chí là cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.