Hàn Quốc: Chiến dịch 100 ngày bảo vệ phụ nữ

Chia sẻ

PNTĐ-Cảnh sát Hàn Quốc đã phát động một kế hoạch hành động 100 ngày để xử lý tình trạng bạo lực nhằm vào phụ nữ.

 
 Chiến dịch kết thúc vào ngày 31/10 này được đưa ra sau khi xảy ra vụ bạo lực gây phẫn nộ dư luận.
 
Hàn Quốc: Chiến dịch 100 ngày bảo vệ phụ nữ  - ảnh 1
Cảnh sát Hàn Quốc sẽ mạnh tay với tình trạng bạo lực
nhằm vào phụ nữ
 
Trước đó, một đoạn video xuất hiện trên mạng cho thấy cảnh một người đàn ông đấm đá bạn gái cũ và lái xe tải đuổi theo cô vào một ngõ hẻm ở Sindang-dong, trung tâm thủ đô Seoul. Theo nạn nhận, cô bị bạn trai cũ hành hung sau khi chia tay một tuần trước đó.
 
Vụ việc cho thấy nhu cầu bức thiết về ngăn chặn bạo lực nhằm vào phụ nữ ở Hàn Quốc. Theo một khảo sát gần đây do Đường dây nóng Phụ nữ Hàn Quốc (Korea Women’s Hotline), một tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ nạn nhân nữ bị bạo lực, 61,6% phụ nữ được hỏi cho biết, họ bị lạm dụng khi hẹn hò.
 
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, 8.367 người đã bị bắt giam vì bị cáo buộc bạo lực thân thể với đối tác nữ năm 2015, tăng 8,8% so với năm 2014. 233 phụ nữ đã bị đối tác giết hại trong 5 năm qua.
 
Điều đáng lưu ý là 4 trong số 10 người tấn công phụ nữ khi đang hẹn hò với họ và bị bắt năm 2016 không có tiền án tiền sự. Ông Gwak Dae-gyung, giáo sư Khoa Quản lý cảnh sát tại Đại học Dongguk, phần lớn vụ lạm dụng khi hẹn hò là tội ác gây ra do cảm xúc, chứ không phải do đã định từ trước. Ông nói: “Các vấn đề trong mối quan hệ cùng với thù hận cá nhân và vấn đề tiền bạc là những động cơ phổ biến trong các vụ giết người. Cảm giác đột nhiên bị phản bội và tuyệt vọng trong cơn nóng giận có thể dẫn tới các vụ bạo lực cực đoan mang tính hình sự”. Theo giáo sư Gwak, vấn đề giữa các cặp đôi phải được giải quyết từ từ và người này không nên gây sốc lớn cho người kia.
 
Chiến dịch hành động 100 ngày nói trên được chia theo các giai đoạn để giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ. Từ nay tới 31/8, chiến dịch tập trung vào kiềm chế bạo lực thông qua khuyến khích nạn nhân và nhân chứng tố cáo cảnh sát để cảnh sát tăng cường điều tra, tăng cường bảo vệ nạn nhân. Từ nay tới 25/8, chiến dịch sẽ tăng cường sáng kiến ngăn chặn tình trạng mại dâm ở trẻ vị thành niên bằng ứng dụng và giám sát các trang web. Nửa sau chiến dịch từ 1/9 tới 31/10 sẽ tập trung triệt phá tình trạng tấn công tình dục tại nơi làm việc và bạo lực gia đình. Cảnh sát sẽ giám sát các hộ gia đình dễ xảy ra bạo lực hoặc từng xảy ra bạo lực gia đình.
 
Trước đó, do ngày càng có nhiều vụ phụ nữ bị đối tác bạo hành, cảnh sát Hàn Quốc năm 2016 đã triển khai các đội đặc biệt nhằm loại bỏ hành vi lạm dụng giữa các cặp đôi. Bất kỳ ai cảm thấy bị đối tác đe dọa sẽ được khuyến khích nói với cảnh sát. Từ đó, cảnh sát sẽ có các biện pháp phù hợp, như lắp hệ thống dò vị trí, hộ tống...
 
Từ năm 2015, hơn 2.000 đồng hồ thông minh đã được sử dụng để theo dõi các cá nhân có lệnh bảo vệ, trong đó 90% là phụ nữ. Khi gặp nguy hiểm, họ chỉ cần bấm nút là cảnh sát sẽ biết vị trí của họ trong vài giây.
 
Chính phủ Hàn Quốc cũng từng tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực gia đình cho hơn 2.000 cảnh sát.
Chiến dịch 100 ngày là một phần trong mục tiêu của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong nâng cao phúc lợi và an toàn trong lộ trình 5 năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, biện pháp này chưa đủ.
 
Cơ quan thực thi pháp luật ở Hàn Quốc vốn không quan tâm nhiều tới tình trạng phụ nữ bị lạm dụng khi hẹn hò. Thủ phạm chỉ bị phạt nhẹ. Ví dụ người có hành vi đeo bám chỉ bị phạt 90 USD.
 
Theo bà Choi Yong-ji - Trung tâm Giảm bạo lực tình dục Hàn Quốc, cả xã hội lẫn chính quyền đều không quan tâm đúng mức tới vấn nạn bạo lực nhằm vào phụ nữ. Bà nói: Ở Hàn Quốc, xã hội coi bạo lực gia đình là vấn đề cá nhân, không phải vấn đề xã hội. Kể cả nạn nhân bạo lực gia đình cũng coi tình trạng bị lạm dụng là vấn đề nhỏ trong gia đình. Về phía cảnh sát, trong hơn một nửa vụ bạo lực bị tố cáo, họ thường bảo nạn nhân giải quyết thông qua nói chuyện với đối tác. Có gần 20% số vụ mà cảnh sát thậm chí không tới hiện trường. Theo bà Choi, người Hàn Quốc đôi khi coi vợ là tài sản riêng. Khi những người vợ gọi cảnh sát vì bị chồng bạo hành, cảnh sát có thể tới, nhưng họ chỉ nghe người chồng nói đó là việc cá nhân và họ đi về.
 
Nhiều người ở Hàn Quốc cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu Luật Clare ở Anh, vì đây là một ví dụ thành công trong ngăn chặn bạo lực gia đình. Luật Clare được đưa ra nhằm bảo vệ những người có thể trở thành nạn nhân bạo lực gia đình bằng cách cho phép họ tiếp cận thông tin về quá khứ của đối tác. Luật được đặt theo tên Clare Wood, một phụ nữ bị bạn trai cũ giết năm 2009. Nghiên cứu của Viện Hình sự học Hàn Quốc năm 2016 cho thấy, 76,6% tội phạm tình dục từ năm 2005 đến 2015 từng có tiền án.
 
Minh Đức
(theo Korea Times)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9