Nâng tầm Tết Trung thu truyền thống

Chia sẻ

PNTĐ-Theo thời gian, Tết Trung thu truyền thống tưởng như đã phai mờ dần cùng sự đủ đầy của đời sống thường ngày, thì gần đây, người Hà Nội đã tìm ra cách để nâng tầm ngày lễ này...

 
Trước đây, khi Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 chưa du nhập vào Việt Nam, Tết Trung thu được coi là ngày Tết dành cho trẻ em duy nhất trong năm, cùng với Tết Nguyên Đán trở thành dịp được các em thiếu nhi mong chờ nhất trong năm.
Nâng tầm Tết Trung thu truyền thống - ảnh 1
Phụ huynh cùng các em nhỏ tự làm đồ chơi trung thu
 
Nỗi lo “suy thoái” Trung thu truyền thống….
 
Khoảng dăm bảy năm trở lại đây, người ta bắt đầu bàn luận với nhau rất nhiều về sự mai một thấy rõ của nét văn hóa Trung thu truyền thống.
 
Trung thu đã dần biến từ ngày lễ Tết thiếu nhi của người Việt thành ngày lễ dành cho người lớn. Những món bánh nướng bánh dẻo truyền thống giản dị, mộc mạc nay được bọc trong “nhung lụa”, đính kèm chai rượu ngoại như phương thức chuyên chở “thông điệp” của người tặng quà, thể hiện đẳng cấp. Còn với giới thanh niên, Trung thu lại vô tình bị biến thành  “lễ hội hóa trang”, “ngày hội check-in”. Không khó để nhìn thấy những món phụ kiện kỳ quái lấp ló ẩn hiện sau ánh đèn lồng đỏ trên các con phố cổ Hà Nội trong dịp Trung thu những năm vừa qua. Bạn trẻ nào “an toàn” hơn, thì lặng lẽ vận bộ đồ đẹp nhất, hợp mốt nhất lên phố cổ làm vài “pô” đăng lên facebook với một dòng trạng thái cũng rất… liên quan.  
 
Còn trẻ em, nhân vật trung tâm của Tết trông trăng vốn luôn bám víu vào ngày này như một dịp đặc biệt giữa nếp sống thường ngày thì cũng không còn trông đợi những đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân hay Ông tiến sĩ giấy, mặt nạ ông Địa, chú Tễu..., bởi chúng có nhiều cái để quan tâm, để thấy thú vị hơn, đó là smartphone, là những món đồ chơi chạy điện Trung Quốc, là lego, và cũng chẳng cần đến ngày Trung thu chúng mới có được những món đồ đó. Trung thu truyền thống đã nhạt nhoà từ sự đủ đầy về đồ chơi và những món đồ chơi hiện đại như thế.
 
… Đến nâng tầm Trung thu một cách “văn hóa”
Thế nhưng, năm nay, mọi chuyện dường như đã khác…
 
Làm một phép so sánh nhỏ sẽ thấy rõ, nếu như danh sách điểm đến Trung thu các năm trước đa phần là các trung tâm thương mại, chợ truyền thống phố cổ (mà chủ yếu là các mặt hàng hiện đại) thì những ngày gần đây người dân Hà Nội khấp khởi hào hứng với hàng loạt hoạt động rộn ràng, đặc sắc ý nghĩa, đặc biệt là lồng ghép vào đó sự giáo dục về văn hóa dân tộc.
 
Điển hình ở Hà Nội có thể kể đến những chương trình như Thu vọng nguyệt tại Văn Miếu, chương trình được giới học giả đánh giá là xứng tầm để trở thành điểm hẹn để quảng bá văn hóa Trung thu Hà Nội, với những hoạt động vui chơi vừa truyền thống, vừa hiện đại và qua đó lồng ghép khéo léo ý nghĩa văn hóa. Hay tại Hoàng Thành Thăng Long, từ ngày 28/9 đến 4/10, các gia đình khắp thành phố Hà Nội đổ về để được sống trong không khí trung thu xưa khi tự tay làm đèn lồng, vẽ mặt nạ, hay tham gia các trò chơi dân gian như gánh gạo, chơi đèn cù... Tại những nơi này, những món đồ chơi Trung Quốc, hiện đại đã hoàn toàn vắng bóng, chỉ còn lại không gian Trung thu xưa mộc mạc, bình yên và giàu tính truyền thống.
 
Điểm mới tích cực của các hoạt động chào đón Trung thu năm nay cho thấy các cơ quan chức năng và các đơn vị tổ chức đã có tầm nhìn sâu và cái tâm hướng đến chiều sâu văn hóa hơn. Khắp nơi trong thành phố Hà Nội những ngày này náo nhiệt tổ chức Trung thu cho trẻ, đặc biệt là đâu đâu cũng tái hiện lại hình ảnh dân gian của Trung thu xưa khiến trẻ con hào hứng, người lớn hài lòng. Còn gì thích hơn khi người lớn đã kéo được trẻ con xa rời những lego, điện thoại để ngồi vẽ mặt nạ, làm đèn lồng, chơi những trò chơi thuở xưa như ô ăn quan, nhảy dây… được thấy con mình hoà mình vào “vốn cổ” như thế. Một sắc màu truyền thống đã thực sự chiếm trọn hình ảnh Trung thu năm nay.
 
Thay vì mọi năm người ra đổ xô ra Hàng Mã mua đồ chơi Trung Quốc cho trẻ, thì năm nay, các bà mẹ ông bố ung dung ngồi nhà mua đồ chơi truyền thống qua… mạng. Trên mạng, các nhóm làm đồ thủ công cũng góp phần tạo nên trào lưu chơi đồ chơi trung thu truyền thống khá sôi nổi. Cảnh “về nguồn” mùa Trung thu đang làm náo nức cả Thủ đô...
 
Tuyên truyền về văn hóa, nhắc nhớ về truyền thống dân tộc luôn là nhiệm vụ cần được thực hiện xuyên suốt trong năm. Văn hóa gắn với đời sống, hẳn nhiên không thể tuyên truyền qua sách vở hay những câu nói của các học giả. Tận dụng những dịp như Trung thu để thực hiện mục tiêu văn hóa là hướng đi có thể coi là thích hợp để giáo dục và tuyên truyền một cách tự nhiên.
 
Với sự đổi mới của Trung thu 2017, người dân hẳn sẽ mong mỏi đây là bước đầu cho các mùa Trung thu tiếp theo và rồi rất sớm thôi, chúng ta sẽ có một cái Tết trung thu mang phong vị hoàn toàn riêng của người Việt.

Hà Huy

Tin cùng chuyên mục