Người phụ nữ nâng “tuổi thọ” cho những cây cầu

Chia sẻ

PNTĐ-Là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy đã có nhiều nghiên cứu, cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu sơn, góp phần tăng “tuổi thọ” cho những cây cầu...

 
Là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy - giảng viên trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã có nhiều nghiên cứu, cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu sơn, góp phần tăng “tuổi thọ” cho những cây cầu, trong đó có những cây cầu lớn, biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
 
Người phụ nữ nâng “tuổi thọ” cho những cây cầu - ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy (thứ 4, phải sang) được vinh danh
“Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017
 
Trước đây, những công trình cầu, đường thường sử dụng loại sơn bình thường, chỉ sau 1, 2 năm đã bị bong tróc, hệ thống cốt thép công trình sớm bị han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Chị Thủy đã chủ trì 32 đề tài và tham gia hàng chục đề tài khác; nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ như: các quy trình sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 10 năm, sơn bảo vệ kết cấu thép thân thiện môi trường, sơn men tuổi thọ hơn 15 năm, quy trình chế tạo sơn giàu kẽm vô cơ để bảo vệ thép chờ trong xây dựng và đang nghiên cứu chế tạo sơn có sử dụng nano với tuổi thọ hơn 15 năm…
 
Trong số đó, 10 quy trình công nghệ sản xuất sơn bảo vệ cầu thép và kết cấu thép tuổi thọ 5 đến 10 năm, sơn men tuổi thọ hơn 15 năm đã được đưa vào ứng dụng thực tế từ năm 1994 đến nay, góp phần đảm bảo tính bền vững cao cho các công trình, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn. Thời điểm đó, những thành tích xuất sắc này đã đưa chị vinh dự trở thành Phó Giáo sư nữ duy nhất của ngành Giao thông Vận tải.
 
 Nghiên cứu lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho các đấng mày râu, người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Giữa những năm 90 – thời điểm chị tập trung nghiên cứu nhiều sản phẩm mới lại là những năm điều kiện kinh tế còn thiếu thốn, việc đi lại giữa Hà Nội và các tỉnh không thuận lợi, các con còn nhỏ dại. Bám sát hoạt động xây dựng các công trình giao thông, các anh nam giới sức dài vai rộng còn vất vả, trong khi “với người phụ nữ, sự nỗ lực ấy phải nhân lên gấp đôi mới trụ được với nghề” - PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ. Chị vẫn còn nhớ như in thời gian nghiên cứu, thử nghiệm loại sơn mới năm 1995.
 
Dự án chỉ có kinh phí 30 triệu đồng, hoạt động phơi mẫu, thử nghiệm phải diễn ra ở các tỉnh giáp biển miền Trung và Đông Bắc Bộ. Hàng ngày chị cùng các đồng nghiệp phải dậy từ rất sớm, đi xe máy xuống Hải Phòng và trở về Hà Nội trong đêm. “Cậu con trai đầu mới được 7 tuổi nên tôi không thể bỏ nhà biền biệt, lưu trú lâu dài lại địa phương”. Hay đến năm 1999, chị tham gia đoàn xây dựng cầu Dùng ở một xã biên giới nằm trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An). Giao thông đi lại vô cùng khó khăn, cả ngày chỉ có một chuyến ô tô đi vào xã. Chị cùng đồng nghiệp vẫn tất tả vận chuyển vật tư vào công trình. Ngày khô hanh còn đỡ, những ngày mưa gió khắc nghiệt, chị và đồng nghiệp vẫn bám sát công trình, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
 
“Đến nay, gần như tất cả những cây cầu lớn bé, cầu dây treo ở khu 5 đều sử dụng công nghệ sơn do chúng tôi sáng tạo ra. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp sơn bảo vệ cho những cây cầu lớn của Tổ quốc như cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cầu Chương Dương, cầu Đuống (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... và hệ thống cầu đường sắt thuộc Đường sắt Việt Nam” – chị Thủy tự hào.
 
Tiếp lửa thành công cho sự nghiệp của người phụ nữ đam mê và dấn thân vào việc khó luôn có hình bóng của gia đình thân yêu. Chị Thủy rạng rỡ và viên mãn hơn khi nhắc đến tổ ấm hạnh phúc của mình. Chồng chị là kỹ sư Nguyễn Anh Sơn, cán bộ thiết kế của ngành đường sắt. Cả hai vốn phải đi công tác liên miên, gắn bó với các công trình giao thông ở khắp mọi miền đất nước nhưng anh rất tôn trọng công việc của chị, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia khi chị cần. “Mỗi ngày đi làm về tới cổng nhà, chồng hay vợ nhìn thẳng vào gian bếp thấy tối đèn thì người đó tự biết ra chợ mua thức ăn, về nấu bữa tối cho cả nhà”.
 
Mặc dù từng nhiều năm ở cương vị Giám đốc Viện Chuyên ngành Vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình (thuộc Viện khoa học và Công nghệ GTVT), nhưng chị tự nhận, kinh tế gia đình chưa bằng chị, bằng em. Vợ chồng chị ở chung nhà của bố mẹ. Tuy nhiên, chính những điều bình dị trong cuộc sống gia đình tiếp sức cho chị vượt qua khó khăn và nuôi dạy con cái trưởng thành. Giờ đây, con trai lớn đã là cán bộ ngành ngân hàng, con gái út đang du học ở nước ngoài. Hai vợ chồng chị vẫn miệt mài với những đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội, của đất nước, nhưng vào những ngày Lễ, Tết, cả nhà chị vẫn cố gắng thu xếp công việc để được cùng nhau đoàn tụ, thắp sáng gian bếp của tổ ấm yêu thương.
 
Hà Thu

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.