Mặt trái của nền giáo dục Singapore

Chia sẻ

PNTĐ-Do quá chú trọng vào khả năng ghi nhớ và học vẹt, cộng với áp lực phải thành công, học sinh Singapore đã phải trả giá bằng sức khỏe, niềm hạnh phúc và kỹ năng xã hội.

 
Hệ thống trường học Singapore hướng tới thành tích cao trong các kỳ thi và có vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu Pisa mới nhất. Tuy nhiên, do quá chú trọng vào khả năng ghi nhớ và học vẹt, cộng với áp lực phải thành công, học sinh Singapore đã phải trả giá bằng sức khỏe, niềm hạnh phúc và kỹ năng xã hội.
 
Mặt trái của nền giáo dục Singapore - ảnh 1
Học sinh Singapore chịu nhiều áp lực học hành
 
Áp lực tứ bề
 
Năm 2015, có 27 vụ tự tử được ghi nhận ở học sinh từ 10 đến 19 tuổi ở Singapore, gấp đôi con số năm trước đó và cao nhất trong hơn một thập kỷ. Tháng 5/2016, một cậu bé 11 tuổi đã nhảy từ tầng 17 tự tử do sợ phải nói kết quả thi cho bố mẹ. Đây là lần đầu tiên cậu bé trượt một môn học.
 
Howard Tan, một cựu giáo viên tiểu học Singapore cho biết, anh đã gặp nhiều phụ huynh đặt áp lực nặng nề lên vai con cái. Cựu giáo viên này nói: “Sẽ là quá đơn giản nếu nói rằng áp lực chỉ đến từ hệ thống giáo dục. Rất nhiều áp lực tới từ phía cha mẹ”. Có nhiều phụ huynh tỏ ra thất vọng khi con mình đạt dưới 90% điểm bài kiểm tra và khẳng định, khi là giáo viên anh hiếm khi thúc ép các em như vậy.
 
Hiện nay Tan làm gia sư và dạy học sinh 8 – 9 tuổi. Giờ dạy thường kết thúc lúc 21 giờ. Anh kể: “Tôi có một học sinh 8 tuổi phải học vô số lớp phụ đạo từ nhiều gia sư, lên tới 11 ca học gia sư mỗi tuần. Liệu cô bé có còn thời gian làm điều gì khác?”
 
Một nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu giáo viên trong các trường học Singapore. Tuy nhiên, áp lực còn đến từ việc xếp ban, theo đó học sinh cùng tuổi được chia thành các ban khác nhau dựa trên kết quả thi và đánh giá trong một số thời điểm quan trọng.
 
Giáo dục Singapore gồm ba giai đoạn: tiểu học, trung học, và tiền đại học, trong đó chỉ có cấp tiểu học là bắt buộc. Học sinh bắt đầu với 6 năm tiểu học, gồm 4 năm cơ sở và hai năm định hướng, chương trình giảng dạy tập trung vào phát triển Anh ngữ, bản ngữ, Toán học, và Khoa học. Trung học kéo dài 4-5 năm, và được phân thành các ban Đặc thù (Special), Nhanh (Express), Phổ thông Học thuật (Normal Academic), và Phổ thông Kỹ thuật (Technical Education) trong mỗi trường, dựa theo trình độ năng lực của mỗi học sinh

Ý kiến chuyên gia
 
Tuy nhiên, theo anh Tan, cựu giáo viên nói trên, khi mà sĩ số lớp từ 30 đến 40 học sinh thì phân ban sẽ bỏ rơi nhiều học sinh. Bà Jamie Sisson, một giảng viên giáo dục đại học Nam Australia cho biết, phân ban và kiểm tra đầu vào sẽ tăng áp lực với học sinh và phụ huynh.
 
Áp lực học hành khiến Singapore có một khái niệm riêng: kiasu, có nghĩa là “sợ thất bại”. Đó là lý do tại sao nhiều cha mẹ bắt con học thêm với hi vọng con sẽ đạt điểm cao trong thi cử.
 
Theo một báo cáo của giảng viên Sally Chan ở Anh, học sinh ở Đông Nam Á thường bị áp lực học hành và điểm số, do đó các em không có lựa chọn gì nhiều ngoài việc học vẹt để thi đỗ.
 
Tại Singapore, nhiều học sinh tiểu học phải dành nhiều thời gian làm bài tập về nhà và học thêm. Tuy nhiên, hiệu quả còn bỏ ngỏ. Bà Sisson phân tích và so sánh với học sinh Phần Lan: Có bằng chứng cho thấy ở cấp học dưới trung học phổ thông, bài tập về nhà không có tác dụng tích cực với việc học hành. Ở Phần Lan, học sinh hầu như không có bài tập về nhà cũng như không có chuyện học thêm ở nhà.
 
Tuy nhiên, Phần Lan vẫn xếp thứ 6 bảng xếp hạng Pisa và các trường học nước này cho ra đời những con người biết suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Học sinh Phần Lan không đi học trước 7 tuổi và chỉ có một kỳ thi tiêu chuẩn vào năm cuối trung học. Kỳ nghỉ cũng dài hơn. Phần Lan xếp thứ 5 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2016 của Liên Hợp Quốc, còn Singapore chỉ xếp thứ 26.
 
Năm 2016, Bộ Giáo dục Singapore thông báo một hệ thống điểm mới sẽ có hiệu lực từ năm 2021 và sẽ giảm áp lực bằng cách khuyến khích học sinh tập trung học cho chính mình thay vì học để cạnh tranh với bạn bè.
 
Dương Thùy (Theo SCMP)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9