Giúp cư dân xóm mặt nước ổn định nơi ở mới

Chia sẻ

PNTĐ-“Việc vận động thành công 13 hộ dân sinh sống thuyền chài ở khu vực ven sông và bãi giữa sông Hồng lên bờ an cư lập nghiệp khiến chính quyền và nhân dân trong phường… nhẹ nhõm.

 
“Việc vận động thành công 13 hộ dân sinh sống thuyền chài ở khu vực ven sông và bãi giữa sông Hồng lên bờ an cư lập nghiệp khiến chính quyền và nhân dân trong phường… nhẹ nhõm. Chúng tôi đã cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường tại khúc sông đó và những hộ thuyền chài cũng đã hết cảnh lênh đênh” – ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình hồ hởi.
 
Giúp cư dân xóm mặt nước ổn định nơi ở mới - ảnh 1
Bà Nga đã cam kết không tái lấn chiếm mặt nước
 
Rời thuyền lên bờ
 
Ông Hưng kể: Vận động các hộ nhà thuyền lên bờ hoặc về quê là chủ trương mà Phúc Xá đau đáu hơn chục năm nay. Xóm mặt nước này manh nha hình thành từ những năm 1990, bắt đầu từ những người đi đánh cá về chọn khúc sông thuộc tổ dân phố số 8 phường Phúc Xá cắm sào nghỉ ngơi, bán cá. Dần dần, xuất hiện thêm một số người ở các tỉnh tới dựng nhà tạm trên bè để ở. Chính quyền phường đã nhắc nhở, yêu cầu họ chuyển lên bờ nhưng chỉ được một thời gian, thuyền bè tái xuất hiện và thêm những “hộ gia đình mới”. “Nhà” của họ là những chiếc thùng phuy, hộp xốp, thanh tre, tấm gỗ mục chắp ghép mà thành. Nhà thuyền cơ động theo con nước, nước lên sẽ được neo bằng dây chão, cạn thì nằm trơ khấc trên mặt đất. Điện, nước sinh hoạt được câu, móc, mua từ những hộ gia đình trên bờ.
 
“Khó khăn và đầy nguy hiểm, nhưng vì cuộc mưu sinh nên họ phải chấp nhận. Chính quyền chưa thực sự quyết liệt ô nhiễm môi trường trên khúc sông dài gần 2km ấy ngày càng nặng nề bởi rác thải sinh hoạt. Còn thành phần dân cư thì phức tạp, có cả người nghiện ma túy” – ông Hưng nhớ lại.
 
Giữa năm 2017, chủ trương di dời các hộ dân lên bờ sinh sống được Phúc Xá tái khởi động trên cơ sở đề xuất của Công an phường trước những diễn biến bất thường của thời tiết có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của các hộ dân. “Lần này, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trong toàn phường vào cuộc.
 
Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh không kể ngày đêm tới từng thuyền, gặp từng người từ già tới trẻ thuyết phục, phân tích những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn. Chúng tôi chú trọng vận động liên tục kèm với sự kiên quyết sẽ cắt điện, nước, nên sau 5 tháng, 13 hộ dân với 42 nhân khẩu đã di dời lên bờ. Để giúp các hộ gia đình, bước đầu, chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu (trong đó 1,5 triệu là tiền thuê nhà, 500.000 tiền vận chuyển đồ đạc).
 
Từ đầu tháng 11, khúc sông trước là nơi trú ngụ của những người dân tứ xứ nay đã được khơi thông dòng chảy. Rác thải được thu gom, xử lý, môi trường trở nên sạch. Sau khi lên bờ, có hộ tiếp tục ở lại thuê nhà kiếm sống, một số hộ khác về quê, chấm dứt cảnh sống bấp bênh theo con nước.
 
Còn nhiều nỗi lo an sinh lạc nghiệp
 
Căn phòng nhỏ chừng chục m2 ở khu dân cư số 4 là nơi ở mới của bà Nguyễn Thị Thắm, 85 tuổi, quê Hải Dương. Bà Thắm lên Hà Nội đã hơn 40 năm nay. “Tôi đi nhặt phế liệu, mỗi ngày kiếm được 30.000 – 50.000đ. Được chính quyền động viên lên bờ sinh sống, tôi không phải nơm nớp đối mặt với mưa bão, nắng gắt nhưng lại canh cánh nỗi lo mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Lên bờ, thêm nhiều khoản chi phí nên cuộc sống khó khăn hơn. Chỉ riêng chi phí thuê nhà 300.000đ mỗi tháng cũng là khoản tiền lớn”.
 
Còn hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga (quê Thái Bình) mấy tháng nay không đi làm được do đau chân; thu nhập từ việc cuốc vườn thuê của ông chỉ đủ trang trải ăn uống, thuốc men. “Tuổi cao rồi, chúng tôi sẽ phải đi làm nhiều hơn, tiết kiệm chi tiêu nên có khi một, hai năm mới về thăm quê được”.
 
Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Nguyễn Văn Hưng cho biết: Việc di dân lên bờ đã khó, giờ làm sao để họ an sinh lạc nghiệp, không quay lại tái lấn chiếm mặt nước là việc chính quyền phường đặc biệt quan tâm. Phường luôn hiểu những khó khăn bước đầu của các hộ dân nên phân công tổ trưởng dân phố quan tâm đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ. Chính quyền tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân được mua thẻ bảo hiểm, dùng điện nước giá rẻ, chỉ đạo các Hội đoàn thể, khu dân cư, có những cách thu hút họ tham gia các hoạt động để họ gắn bó với người dân xung quanh.
 
Hiện nay người dân đều vẫn giữ nguyên việc làm cũ là nhặt phế liệu, bốc vác, gánh hàng tại chợ Long Biên. Với những người lớn tuổi có nguyện vọng chuyển đổi công việc, phường sẽ xem xét tạo điều kiện tốt nhất để họ có việc làm với thu nhập ổn định.

Phạm Linh

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: