Thái Lan: Nhiều rủi ro khi lấy chồng ngoại quốc

Chia sẻ

PNTĐ-Trước xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ Thái Lan muốn lấy chồng nước ngoài, Chính phủ nước này đã mở một khóa học miễn phí, nhằm trang bị kỹ năng đối phó với thăng trầm của cuộc hôn nhân...

 
Trước xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ Thái Lan muốn lấy chồng nước ngoài, Chính phủ nước này đã mở một khóa học miễn phí, nhằm trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng đối phó với thăng trầm của cuộc hôn nhân đa chủng tộc, đồng thời tránh trở thành nạn nhân của bọn buôn người khi sống ở nước ngoài.
 
Thái Lan: Nhiều rủi ro khi lấy chồng ngoại quốc - ảnh 1
Không phải phụ nữ Thái nào lấy chồng ngoại quốc cũng hạnh phúc
(Ảnh minh họa)
 
Biện pháp hỗ trợ
 
Theo ông Patcharee Arayakul, quan chức cấp cao Bộ Phát triển Xã hội, khóa học sẽ dạy phụ nữ về cách hành xử, luật pháp quốc gia họ sẽ tới sống và cách chuẩn bị trước khi đi. Khóa học cũng giúp phụ nữ hiểu về quyền hợp pháp của mình, cách tìm kiếm sự hỗ trợ và tìm hiểu những vấn đề về sốc văn hóa.
 
Một học viên giấu tên cho biết, khóa học hữu ích với phụ nữ Thái Lan, đặc biệt là những phụ nữ sống ở khu vực Đông Bắc vốn ăn nói nhỏ nhẹ và phục tùng. Theo người này, phụ nữ Thái Lan cần phải học cách tôn trọng bản thân và văn hóa của mình khi lấy chồng nước ngoài. Khóa học cũng chuẩn bị cho phụ nữ đối mặt với thực tế cuộc sống ở phương Tây, nơi có thể không phải là cổ tích như họ mường tượng.
 
Gần đây, Cơ quan Phát triển Gia đình và các vấn đề phụ nữ Thái Lan (DWF) còn tung ra một ứng dụng di động mới để giúp phụ nữ Thái gặp khó khăn ở nước ngoài, ví dụ như trở thành nạn nhân buôn người. Ứng dụng Yingthai (phụ nữ Thái) cung cấp thông tin về các mạng lưới hỗ trợ ở nước ngoài, lời khuyên về văn hóa và pháp lý, các số điện thoại liên lạc quan trọng… ở từng quốc gia.
 
Theo ông Lertpanya Buranabundit, Tổng giám đốc DWF, ngày càng nhiều phụ nữ Thái rời đất nước đi học, làm việc hoặc lấy chồng nên ứng dụng sẽ hỗ trợ họ chuẩn bị và thích nghi với nền văn hóa xa lạ. Trong số đó, không phải ai cũng có cái kết hạnh phúc.

Đối mặt với Rủi ro
 
Mặc dù gần đây Thái Lan không có con số chính thức về số lượng các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Thái và người nước ngoài, tuy nhiên, theo nghiên cứu của Chính phủ năm 2004, chỉ riêng ở Isan, khu vực Đông Bắc nghèo nhất Thái Lan, đã có hơn 15.000 phụ nữ lấy chồng nước ngoài và gửi về 122 triệu baht mỗi tháng cho gia đình. Theo Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2002-2008, gần 20.000 phụ nữ Thái Lan và đàn ông nước ngoài đã đăng ký kết hôn và rất nhiều cuộc hôn nhân nữa không được đăng ký.
 
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phụ nữ ở khu vực Đông Bắc thích kết hôn với người phương Tây. Nhiều người cho rằng, kết hôn với người nước ngoài là tấm hộ chiếu thoát đói nghèo. Tuy nhiên, với nhiều phụ nữ Thái Lan, đó chỉ là hi vọng viển vông và phi thực tế.
 
Phụ nữ ở vùng nghèo khó tại Thái Lan thường tìm chồng nước ngoài qua internet. Họ thường trả tiền để các công ty môi giới tìm chồng Tây cho mình. Mức phí là 60.000 đến 100.000 baht. Sau khi tìm được đối tác, họ sẽ đến ở thử với người này. Có người ở với 4 đàn ông mới tìm được người phù hợp. Cũng có người phương Tây “đổi ý” sau khi sống thử, trở về nước và không bao giờ quay trở lại, khiến các cô gái Thái mất oan tiền tìm chồng.
 
Nhiều người trong số đó cũng không biết rằng mình có thể sắp bước chân vào con đường trở thành nạn nhân của các băng nhóm buôn người do người Thái và người ở các nước phương Tây câu kết như Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp và Áo.
 
Ở huyện Nongwuasor, tỉnh Udonthani, có 2.800 đám cưới xuyên quốc gia nhưng chỉ có 500 đám cưới có giấy đăng ký kết hôn. Phần lớn không chắc chắn về tương lai và một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ bị “chồng” lừa đảo. Lý do phụ nữ ở khu vực nghèo bị lừa một phần là do trình độ kém, ít học. Hơn nữa, cha mẹ họ cũng thường khuyên con gái đi lấy người nước ngoài để sống tốt hơn.
 
Sau khi theo chồng ra nước ngoài sống, nhiều người ngã ngửa khi bị chồng bắt làm gái mại dâm kiếm tiền nuôi anh ta. Ví dụ như Kwanjai Hennig, cô đã bị người chồng quốc tịch Đức lừa vào đường dây bán dâm, buộc phải làm gái mại dâm trong 5 năm trời khi sống ở Đức. Cô bị nhốt trong nhà gã chồng lừa đảo và bị hắn chở tới nhà chứa mỗi ngày và chỉ được đón về sau ngày làm việc. Cô đã tìm cách thoát khỏi chồng nhiều lần. Sau khi cô có cơ hội gọi điện báo cảnh sát, hắn đã bị bắt giam vì tội buôn người.
 
Sau đó, Đại sứ quán Thái Lan ở Đức đã liên lạc với cô để cô giúp đỡ hai phụ nữ Thái cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau bi kịch trên, Kwanjai đã làm tình nguyện viên cho một tổ chức của phụ nữ Thái để hỗ trợ những người bị lừa vào ngành bán dâm ở Đức.
 
Do nhiều phụ nữ Thái không thể nói tiếng Đức để nhờ giúp khi gặp nạn nên Đại sứ quán Thái Lan tại Đức và các ngôi đền Thái ở đây mở cửa 24/24 để giúp đỡ nạn nhân. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan và các tổ chức phi chính phủ cần phải có các biện pháp chủ động ngay lập tức để đánh phủ đầu những băng đảng buôn người và cảnh báo những người có thể là nạn nhân.
 
Dương Thùy
(theo Bangkok Post)

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.