Philippines và cuộc chiến kế hoạch hóa gia đình

Chia sẻ

PNTĐ-Ở tuổi 33 và có tới 6 con, chị Myrna Albos sống trong khu ổ chuột ở Manila là một ví dụ điển hình cho hàng loạt thất bại của Philippines trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

 
Philippines và cuộc chiến kế hoạch hóa gia đình - ảnh 1
Nhiều phụ nữ Philippines “vỡ kế hoạch” vì thiếu biện pháp tránh thai
 
Albos cho biết, cô đã có bốn con vào thời điểm Luật Kế hoạch hóa gia đình được thông qua hồi tháng 12/2012. Sau đó, cô có thêm hai con nữa khi phe đối lập Philippines cản trở Luật và Trung tâm y tế Chính phủ gần nhà hết thuốc tránh thai. Albos nói: “Tôi không muốn có thêm con nữa. Thêm một đứa nữa thì tôi không còn thời gian cho bản thân”.
 
Theo Luật Kế hoạch hóa gia đình, các cặp vợ chồng sống tại những cộng đồng nghèo được phát miễn phí bao cao su, thuốc tránh thai, thiết bị cấy tránh thai và các biện pháp kế hoạch hóa gia đình khác. Các bà mẹ cũng được bảo vệ để tránh nguy cơ tử vong và các vấn đề sức khỏe liên quan tới thai kỳ.
 
Khi đó, Luật được ca ngợi là chiến thắng lớn với quyền lợi của người nghèo vì vượt qua được sự phản đối của Giáo hội Thiên chúa quyền lực và các đồng minh bảo thủ tại Quốc hội. Giáo hội Thiên chúa ở Philippines có quyền lực lớn, khiến cho việc phá thai và ly hôn ở đây bị coi là bất hợp pháp.
 
Tỷ lệ sinh đẻ của Philippines giảm xuống còn 2,33 con/phụ nữ năm 2015, từ 6 con/phụ nữ những năm 1970. Đến tháng 4/2014, luật kế hoạch hóa gia đình mới được thông qua sau khi bị trì hoãn vì vướng mắc pháp lý. Dù luật được phán là hợp hiến nhưng Tòa án Tối cao đã bỏ điều khoản về hình phạt dành cho quan chức, nhân viên xã hội từ chối cung cấp biện pháp tránh thai cho phụ nữ.
 
Ước tính có tới 6 triệu cặp vợ chồng cần biện pháp tránh thai, nhưng không có nguồn tiếp cận đáng tin cậy. Ngân sách được cấp cho năm 2017 (165 triệu peso) chỉ đủ cho 2 triệu cặp vợ chồng. Quốc hội đã bác ngân sách đề xuất 1,2 tỷ peso năm 2017. Trong khi năm 2017 sắp hết, Quốc hội vẫn chưa thông qua ngân sách kế hoạch hóa gia đình cho năm 2018 theo đề xuất 343 triệu peso của Bộ Y tế.
 
Khi Chính phủ bị cấm phát các dụng cụ tránh thai, những người như Albos phải tới một tổ chức từ thiện do nước ngoài tài trợ. Tuy nhiên, hoạt động của những tổ chức này cũng bị hạn chế vì bị cản trở. Ví dụ như một chính trị gia phao tin nhảm rằng, cấy que tránh thai khiến phụ nữ bị ung thư, bại liệt, mùa lòa, khiến khá nhiều phụ nữ đến đòi tháo que.
 
Để thực thi biện pháp kế hoạch hóa gia đình, từ khi cầm quyền, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tìm cách đưa các biện pháp tránh thai được áp dụng đại trà. Cục Quản lý Dược và Thực phẩm cho rằng, hàng chục biện pháp tránh thai như thiết bị cấy và thuốc tránh thai không phải là công cụ phá thai, nên Chính phủ có thể phát miễn phí. Trong khi đó, các tổ chức được Giáo hội hậu thuẫn cho rằng, các biện pháp đó chính là thuốc phá thai nên không hợp hiến. Tranh cãi giữa hai bên đã lên tới Tòa án Tối cao.
 
Mới đây, ngày 17/11, Chính phủ Philippines giành được thắng lợi khi Tòa án Tối cao cho phép Luật kế hoạch hóa gia đình được cung cấp dụng cụ tránh thai bằng biện pháp hormone miễn phí. Như vậy, sau hai năm Luật bị cản trở, Tòa án Tối cao đã chấp nhận bằng chứng rằng các biện pháp này không gây phá thai. Theo Bộ trưởng Y tế Francisco Duque, 51 loại thuốc tranh thai, vòng tránh thai và các thuốc tránh thai dạng tiêm có thể được phân phát cho người dân miễn phí.
 
Sau hai năm tranh cãi giữa Chính phủ và Giáo hội Thiên chúa, Philippines đã có 500.000 ca mang thai ngoài ý muốn vì thiếu các biện pháp tránh thai. Hiện Philippines có 20 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, trong đó mới 6 triệu người đã sử dụng biện pháp tránh thai. Khi được tiếp cận các biện pháp tránh thai theo Luật, mỗi năm ước tính sẽ có thêm một triệu phụ nữ được sử dụng biện pháp tránh thai miễn phí.  
 
Hiện, Bộ Y tế đang cung cấp que cấy cho các tổ chức xã hội dân sự, cơ quan chính quyền địa phương và các bệnh viện, trạm y tế nông thôn để phát miễn phí. Ủy ban Dân số tin rằng số lượng que cấy sẽ được sử dụng hết nhờ nhiều người quan tâm tới biện pháp tránh thai. Giới chức y tế cũng cho biết, họ sẽ thực hiện chiến dịch tuyên truyền thông tin về đợt phân phát miễn phí thiết bị tránh thai. Theo Luật, phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai phải dựa trên cơ sở tự nguyện và hiểu đầy đủ thông tin. Do đó, bộ sẽ phải tổ chức thông tin tới tất cả mọi người, nói về các lựa chọn mà vợ chồng có thể sử dụng để tránh thai.
 
Philippines đứng thứ 13 trong số những quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số tính đến 1/7/2017 là 104,3 triệu người.
 
Dương Thùy (theo AFP)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp các hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva từ ngày 17-26/9