Đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường: Khó thực thi

Chia sẻ

PNTĐ-Vụ việc một học sinh lớp 7, trường THCS Tân Lâm (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tự vẫn tại lớp học ngày 3/1 một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của công tác tư vấn học đường...

 
Vụ việc một học sinh lớp 7, trường THCS Tân Lâm (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tự vẫn tại lớp học ngày 3/1 một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của công tác tư vấn học đường. Tuy nhiên, Thông tư  hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông do Bộ GD-ĐT mới ban hành lại bộc lộ thực trạng khó thay đổi công tác tư vấn học đường vốn đang yếu kém.
 
Đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường: Khó thực thi - ảnh 1
Hiện mới có rất ít trường thành lập được văn phòng tư vấn tâm lý
học đường như trường THPT Đinh Tiên Hoàng
 
Thông tư ra đời sau nhiều năm chờ đợi
 
Như báo PNTĐ số 1 ra ngày 3/1 đã đưa tin, trong Thông tư, Bộ GD-ĐT nêu rõ, học sinh sẽ được tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học)…
 
Một điểm rất mới là Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm: đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ.
 
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, hoan nghênh sự ra đời của Thông tư vì đã chính thức đưa công tác tư vấn tâm lý học đường vào các nhà trường sau rất nhiều năm các chuyên gia kiến nghị, chờ đợi. Điều này cũng đã khẳng định Bộ GD-ĐT đánh giá cao vai trò của tư vấn tâm lý trong nhà trường.
 
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà đã có nhiều năm làm việc tại phòng tư vấn tâm lý trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội cho rằng, học sinh có nhu cầu cao được tư vấn tâm lý vì đây là hệ quả tất yếu của sự phát triển tâm sinh lý. Theo kết quả thăm do mà Bộ GD-ĐT vừa công bố sau khi khảo sát HS ở một số trường phổ thông và ĐH tại Hà Nội, Hải Dương cho thấy, có đến 93,57% HS, sinh viên được hỏi gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày. Đặc biệt, ở lứa tuổi HS phổ thông, HS thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là 80,17%, cao hơn bậc ĐH.
 
Trở lại với sự việc đáng tiếc nữ sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tự vẫn, gia đình và nhà trường cho biết, họ không phát hiện ra biểu hiện bất thường gì ở con em, học sinh của mình. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, chắc chắn, HS này có tâm sự nhưng không biết chia sẻ cùng ai nên đành âm thầm chịu đựng. Giá như được chuyên gia tư vấn tâm lý gỡ rối kịp thời, có lẽ, em đã không giải quyết tiêu cực như thế.

Liệu có “đầu voi đuôi chuột”?
 
Mặc dù hoan nghênh động thái của Bộ nhưng ông Tùng Lâm cho rằng, khó khăn trong đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường không nằm trên giấy mà ở thực thi. Mặc dù Thông tư quy định trong trường học có chức danh tham vấn tâm lý học đường nhưng lại không cấp định biên cho nhân sự này. Cũng có nghĩa, các trường sẽ phải tự trả tiền cho chuyên gia tư vấn tâm lý. Trong khi đó, sẽ không có chuyên gia tâm lý  nào được đào tạo bài bản tại các khoa tâm lý lại mong muốn về trường học công tác khi vừa không có biên chế, lương được nhận vừa khiêm tốn.
 
Tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, phòng tư vấn tâm lý học đường được thành lập và hoạt động có hiệu quả từ hơn 10 năm nay với sự tham gia thường xuyên của 3,4 chuyên gia tư vấn tâm lý. Chỉ riêng tiền chi trả cho chuyên gia tâm lý của trường đã tốn hơn 100 triệu đồng/năm. Theo ông Lâm, do trường Đinh Tiên Hoàng là trường ngoài công lập, được tự chủ về tài chính nên mới có kinh phí để chi trả. Với trường công lập hoạt động theo kinh phí theo ngân sách cấp sẽ rất khó để xoay sở.
 
Ngoài ra, Thông tư cũng gợi ý các trường có thể đưa giáo viên “có năng lực” đi tập huấn đề kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh. “Đây là cách giải quyết chữa cháy. Một chuyên gia tư vấn cần được đào tạo trong nhiều năm mới đủ trình độ hành nghề. Giáo viên chỉ qua tập huấn ngắn hạn khó có thể làm thay vai trò của chuyên gia tư vấn tâm lý”. Chưa kể giáo viên phải nhiệt tình, yêu thích công việc tư vấn tâm lý học đường thì mới làm tốt công việc. “Tại trường tôi, chuyên gia tư vấn không chỉ lắng nghe tâm sự và cho HS lời khuyên mà một số trường hợp còn phải kỳ công theo sát để điều chỉnh hành vi của các em trong thời gian dài. Giáo viên kiêm nhiệm liệu có thể làm được như vậy không khi công việc chính của họ vẫn là giảng dạy” - ông Lâm nêu vấn đề.
 
Đó cũng là lý do vì sao, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT chỉ đạo đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường nhưng lại không gỡ khó cho các trường trong triển khai. Vì thế, nhiều khả năng hoạt động này sẽ rơi vào “đầu voi đuôi chuột” và không thể thay đổi được thực trạng tư vấn tâm lý học đường yếu kém hiện nay.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.