Cách tân những đừng làm mất giá trị áo dài

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều năm trở lại đây các nhà thiết kế đã đưa ra rất nhiều ý tưởng nhằm cách tân áo dài Việt. Nhưng mức độ cách tân áo dài thế nào là đủ vẫn là điều đáng suy ngẫm.

 
Cách tân những đừng làm mất giá trị áo dài - ảnh 1
Cách tân áo dài như thế này liệu có phù hợp?
 
Áo dài Việt, là một sản phẩm văn hoá được hình thành bởi lịch sử, không phải chỉ để bày trong tủ kính hay trưng dụng trong một số dịp lễ đặc biệt. Và nếu như Hanbok của Hàn Quốc, hay Kimono của Nhật Bản hoàn toàn thuộc về truyền thống, thì áo dài lại là sản phẩm của cả truyền thống và hiện đại, sự kết hợp nét đẹp Đông - Tây.
 
Kiểu dáng sơ khai của áo dài được cho là áo giao lãnh, với áo hai tà mặc phủ ngoài yếm lót, váy, thắt lưng buông thả và hai cổ áo giao nhau.
 
Đến thế kỉ 18, áo tứ thân, ngũ thân ra đời. Áo tứ thân có bốn vạt, hai vạt trước rời nhau có thể buộc lại còn hai vạt sau may liền thành tà, dành cho tầng lớp bình dân, thường có màu tối để thuận tiện việc đồng áng. Phụ nữ thuộc tầng lớp cao, ít phải lao động hơn thì mặc áo ngũ thân, cổ đứng cài khuy, che kín thân mình.
 
Đến những năm 30 - 40 của thế kỉ 20, xuất hiện loạt bài viết của hoạ sĩ Lemur Cát Tường mang tên “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” với những nhận xét về áo váy của phụ nữ Việt. Ngay sau loạt bài ấy, Lemur Cát Tường đã sáng tạo ra mẫu áo dài với nhiều nét “Âu hoá”: vạt trước nối chấm đất, thân trên ôm sát cơ thể, hàng nút chạy dọc theo một bên sườn, tay phồng, cổ khoét trái tim, đính nơ… Những mẫu thiết kế của “áo dài Cát Tường” có nhiều chi tiết được ứng dụng hiện nay, tuy nhiên vào thời điểm bấy giờ lại bị cho là “lai căng”, pha tạp nên chỉ được mặc bởi giới nghệ sĩ.
 
Năm 1960 bà Trần Lệ Xuân mạnh dạn thay thế cổ áo đứng kín đáo bằng cổ thuyền, cổ khoét. Cho đến ngày nay thì mẫu áo này đã trở nên phổ biến.
 
Cũng cần phải nhắc lại, rằng kiểu may áo dài Việt Nam hiện nay chỉ chính thức được định hình từ những năm 1960, với cách ráp tay raglan cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, đồng thời vẫn thoải mái, linh hoạt khi cử động. Về sau, áo dài vẫn không ngừng được sáng tạo, cải tiến với “muôn hình vạn trạng” như kiểu áo chít eo, áo dài mini…
 
Thời đại ngày nay, sự nở rộ của “áo dài cách tân” nếu nhìn theo hướng tích cực có thể thấy là dấu hiệu đáng mừng về một sản phẩm văn hoá truyền thống được quan tâm, đặc biệt là với giới trẻ.
 
Thay vì chọn quần jeans, áo trend coat, các bạn trẻ lại lựa chọn “áo dài cách tân” để xúng xính dạo phố.
 
Song ngược lại, chính sự đón nhận nhiệt tình đối với “áo dài cách tân” có thể trở thành con dao hai lưỡi khi mà giới trẻ mặc nhiên thừa nhận những mẫu cách tân áo dài không có tính thẩm mỹ cao và đặc biệt là xa rời giá trị văn hoá tinh thần của tà áo dài truyền thống.
 
Như đã nêu ở trên, không nên có cái nhìn quá khắt khe, phủ nhận sự biến tấu của áo dài trong đời sống hiện nay. Vấn đề cần quan tâm là làm sao để những sáng tạo ấy không vượt ra khỏi biên độ. Không phải cứ xẻ tà trước sau thì là áo dài hoặc áo dài sẽ không còn là áo dài nếu đi cùng váy voan, quần bò, giày bệt.
 
Sẽ thật khó kiểm soát và ngăn chặn những kiểu phá cách “thảm hoạ” đối với áo dài, bởi có cầu thì ắt có cung. Vấn đề chính là sự định hướng thẩm mỹ từ các nhà thiết kế, những nhà mốt để có những cách tân đúng mực, không lố lăng làm mất đi giá trị của áo dài.

Ken Trương

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Thu Thuỷ chia sẻ, với vai trò Đại sứ thiện chí chương trình "Phú Thọ - Khát vọng xanh" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, cô vô cùng vinh hạnh khi được góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng tới cộng đồng về bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.