Đền bù không thỏa đáng cho một gia đình chính sách?

Chia sẻ

PNTĐ-Báo PNTĐ nhận được đơn của bà Lê Thị Thanh, tổ dân phố Hoàng 13, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm về việc UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng...

 
Đền bù không thỏa đáng cho một gia đình chính sách? - ảnh 1
Căn nhà gia đình bà Thanh hiện đang sinh sống và kinh doanh

Vừa qua, báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn kêu cứu của bà Lê Thị Thanh, tổ dân phố Hoàng 13, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội về việc UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng cho gia đình bà khi thực hiện dự án Đầu tư mở rộng đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.
 
Ngày 5/1/1990, UBND huyện Từ Liêm (cũ) có quyết định số 21/QĐ-UB công nhận Tổ sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh 1/6, trong đó ông Nguyễn Hữu Kiến (chồng bà Thanh) là tổ trưởng Tổ sản xuất 1/6. Ngày 25/9/1990 UBND xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị lãnh đạo xã và HTX nông nghiệp đã quyết định ký hợp đồng dài hạn, giao cho tổ sản xuất 1/6 diện tích 90m2 đất, tổ phải nộp 1.800.000 đồng vào ngân sách địa phương. Giấy giao đất cho chủ sử dụng cũng ghi rõ:
 
Tổ 1/6 sau khi được giao đất được phép xây dựng nhà để sản xuất và sinh hoạt; được giao quyền cho con hoặc tổ viên thừa kế hợp đồng (vì là tổ sản xuất ngoài quốc doanh), khi Nhà nước sử dụng phải chấp hành di chuyển. Gia đình bà Thanh đã xây dựng nhà ở ổn định, là địa điểm kinh doanh tại phần đất trên từ năm 1990 đến nay; không có tranh chấp với các thửa đất liền kề, không lấn chiếm hay vi phạm về sử dụng đất.
 
Năm 2017, Nhà nước có chủ trương thu hồi GPMB để mở rộng tuyến đường Mai Dịch - cầu Thăng Long phục vụ Dự án: “Đầu tư mở rộng đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long”. Toàn bộ diện tích đất nêu trên của hộ gia đình bà Thanh nằm trong diện bị thu hồi tại công văn số 177/BT GPMB ngày 17/7/2017 của Ban bồi thường GPMB của quận Bắc Từ Liêm. Tại thời điểm này, phương án bồi thường đưa ra cho gia đình bà Thanh là một căn hộ chung cư tái định cư để ở. Mặc dù đã sinh sống trên đất này gần 30 năm, nhưng gia đình bà Thanh vẫn ủng hộ chủ trương của Quận và nhất trí với phương án bồi thường mà Quận đưa ra.
 
Ngày 18/7/2017, gia đình bà Thanh đã nhận giấy mời bốc thăm số 2239/GM-UBND của UBND phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Kết quả ngày 22/7/2017, gia đình bà đã bốc thăm căn hộ chung cư tái định cư tại số phiếu 259; nhóm III. Ngày 25/9/2017, gia đình bà Thanh nhận được Thông báo niêm yết công khai lấy ý kiến dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư số 23/TB-HĐBTHT&TĐC do Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cấp. Gia đình bà Thanh hốt hoảng vì theo nội dung thông báo này, gia đình bà chỉ được nhận tiền bồi thường trên đất và không nhận được hỗ trợ và tái định cư căn hộ chung cư như đã bốc thăm.
 
Không đồng ý với phương án hỗ trợ bồi thường này, ngày 5/10/2017, gia đình bà Thanh đã làm đơn đề nghị UBND phường Cổ Nhuế I, và quận Bắc Từ Liêm xem xét lại toàn bộ hồ sơ được Nhà nước giao đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư để gia đình bà có chỗ ở hợp pháp ổn định. Đơn của gia đình bà Thanh đã được UBND quận Bắc Từ Liêm tiếp nhận vào ngày 27/11/2017.
 
Tuy nhiên, đến ngày 31/1/2018, UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn ra quyết định số 594/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án Đầu tư mở rộng đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, mà không xem xét đơn của bà Thanh và cũng chưa trả lời kiến nghị của gia đình bà Thanh.
 
Theo quyết định số 594/QĐ-UBND, gia đình bà Thanh được bồi thường, hỗ trợ số tiền là 102.623.868 đồng trả cho công trình xây dựng trên đất. Để nhận căn hộ chung cư tái định cư số 1301 nhà CT1 - A, khu đô thị Thành phố giao lưu, (đường Phan Bá Vành, phường Cổ Nhuế 1) với diện tích 53,78m2 trị giá 1.030.887.303 đồng thì số tiền gia đình bà Thanh còn phải nộp sau khi cân đối là 928.263.440 đồng. Ngày 30/3/2018, Ban QLDA DTXD quận Bắc Từ Liêm đã có thông báo số 386/TB-QLDADTXD về việc nộp tiền căn hộ chung cư tái định cư và bàn giao mặt bằng Dự án: “Đầu tư mở rộng đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.” 
 
Gia đình bà Thanh có hoàn cảnh khó khăn. Chồng bà là ông Nguyễn Hữu Kiến, đã mất năm 2016. Trước đây, ông Kiến đã phục vụ trong quân đội kháng chiến và nhận được nhiều huân, huy chương vì sự đóng góp trong kháng chiến. Ông Kiến đã có trên 50 năm tuổi Đảng và bị mất sức vì chịu sức ép của bom đạn trong chiến tranh, bị điếc một bên tai và được Nhà nước trợ cấp hàng tháng. Căn nhà gia đình bà Thanh đang ở có 10 nhân khẩu sinh sống, trong đó có một cháu ngoại bị tật nguyền, hàng tháng thuốc thang chạy chữa rất tốn kém nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. 
 
Như vậy, theo Quyết định thu hồi đất của UBND quận Bắc Từ Liêm, gia đình bà Thanh đã chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, với số tiền đền bù ít ỏi như hiện nay, gia đình bà Thanh đang đứng trước nguy cơ không có nơi trú ngụ để ổn định cuộc sống.
 
Đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm và Ban bồi thường GPMB đường vành đai III xem xét lại để có phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho gia đình bà Thanh với 3 thế hệ có chỗ ở ổn định.
 
Hà My 

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.