Cơn sốt cho con học song bằng: Liệu có phù hợp với mọi học sinh?

Chia sẻ

PNTĐ-Những ngày qua, thông tin từ năm học 2018-2019 Hà Nội sẽ triển khai đào tạo hệ song bằng tại 7 trường THCS công lập, 2 trường THPT đã tạo nên cơn “dư chấn” với rất nhiều PHHS.

Cơn sốt cho con học song bằng: Liệu có phù hợp với mọi học sinh? - ảnh 1
HS hệ song bằng khóa đầu tiên (khóa học 2017-2020) của trường THPT Chu Văn An trong ngày khai giảng

Những ngày qua, thông tin từ năm học 2018-2019 Hà Nội sẽ triển khai đào tạo hệ song bằng tại 7 trường THCS công lập, 2 trường THPT đã tạo nên cơn “dư chấn” với rất nhiều PHHS. Trên nhiều diễn đàn giáo dục, “đào tạo song bằng” đã trở thành cụm từ được săn tìm nhiều nhất. Người ta hỏi nhau về dạng đề thi, các lò luyện, bí quyết để con em vượt qua kỳ tuyển chọn vào các lớp song bằng này. 
 
Tuy nhiên, học hệ song bằng có phải phù hợp với mọi học sinh? Ưu và nhược điểm của hệ đào tạo này ra sao? Để giúp PHHS có góc nhìn đa chiều, PV báo PNTĐ đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, những cựu HS đã học  nghiệm chương trình quốc tế về chương trình đào tạo này.
 
Học chương trình “ngoại”  với chi phí “nội” 
 
Năm học 2017-2018, lần đầu tiên trường THPT Chu Văn An tổ chức chương trình đào tạo song bằng Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc (chứng chỉ A Level). Đúng như cái tên “song bằng”, HS sẽ học chương trình THPT quốc gia Việt Nam (ban cơ bản) do Bộ GD-ĐT quy định và chương trình A Level của Cambridge (Vương quốc Anh) với 5 môn hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Kinh tế và tiếng Anh học thuật. Trong khóa đào tạo đầu tiên, trường THPT Chu Văn An tuyển sinh 50 em. 
 
Bước sang năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục mở rộng chương trình song bằng tú tài ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại 7 trường THCS công lập là THCS Trưng Vương và Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm); THCS Cầu Giấy và Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân); THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) và khối THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
 
Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, HS theo học chương trình song bằng tại các trường công lập ở Hà Nội được UBND thành phố hỗ trợ kinh phí nên mức học phí phải đóng góp thấp hơn nhiều lần so với học ở trường quốc tế. Cụ thể, mức học phí để học 5 môn chương trình Cambridge hiện nay tại THPT Chu Văn An là 7,5 triệu đồng/tháng. Khóa học kéo dài 24 tháng với tổng học phí khoảng 180 triệu đồng cho tới khi lấy được chứng chỉ A Level. Trong khi đó, nếu theo học tại các trường quốc tế, trường ngoài công lập đang dạy chương trình này thì học phí từ 300 triệu - 400 triệu đồng/năm, thậm chí cao hơn.
 
Với cấp THCS, mức học phí Hà Nội dự kiến là khoảng 5,6 triệu đồng/ tháng. Khóa học kéo dài 4 năm học ở THCS là 36 tháng. Mức học phí này chỉ nhằm chi trả lương giáo viên dạy chương trình Cambridge, phí bản quyền, tài liệu học chương trình Cambridge. Còn trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chi trả lương giáo viên dạy các môn học của Việt Nam… đều do ngân sách của thành phố đầu tư.
 
Tự tin hội nhập thế giới
 
Do lợi thế học phí rẻ, HS lại được nhận “song bằng” nên chương trình nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ thế nào là chương trình Cambridge giáo dục quốc tế.
 
Chương trình Cambridge giáo dục quốc tế (CIE) là chương trình chuẩn hóa giáo dục quốc tế cho HS phổ thông từ 5-19 tuổi. Chương trình chia theo các cấp với các chuẩn đầu ra và bằng cấp được công nhận ở nhiều nước trên thế giới. Ở cấp Tiểu học, chuẩn đầu ra là Cambridge Primar, bậc THCS chuẩn đầu ra là Cambridge Lower Secondary và IGCSE, và ở bậc THPT, HS sẽ nhận bằng A Level, tương đương với dự bị đại học. Bằng A Level được nhiều trường ĐH tại Mỹ, Canada và một số nước trong khu vực như Singapore công nhận.
 
Tại Việt Nam, đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã công nhận bằng A Level. Sự công nhận này thể hiện ở việc, HS khi có bằng A Level có thể chuyển đổi tín chỉ để được miễn học một số môn, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí ở bậc đại học. Chẳng hạn, với New York University sinh viên nhập học tốt nghiệp A Level đủ điểm tốt có thể được chuyển đổi 16 tín chỉ, tương đương với 1 học kỳ. Tuy nhiên chính sách chuyển đổi cụ thể như thế nào tùy từng trường ĐH.
 
Như vậy, nếu theo hệ thống này, các HS vào lớp 6 ở Việt Nam sẽ bắt đầu học chương trình Cambridge Lower Secondary. Hết lớp 8, HS sẽ thi check point để vào chương trình Secondary 2 và sau khi kết thúc THCS thi để lấy chứng chỉ IGCSE. Khi có chứng chỉ này, HS sẽ học tiếp bậc THPT để lấy bằng A Level ở trong hoặc ngoài nước.
 
Nguyễn Sỹ Hiếu, từng được nhận học bổng A*Star tại Raffles Institution, tốt nghiệp chương trình A Level của Singapore, tốt nghiệp loại xuất sắc New York University, có kinh nghiệm giảng dạy tại THCS Singapore và chương trình Cambrdge cho biết: “HS khi theo một chương trình chính thống chuẩn quốc tế như Cambridge sẽ được trang bị kiến thức hệ thống để chuẩn bị cho việc học đại học.
 
Đơn cử như môn tiếng Anh chương trình Cambridge không chỉ nhằm rèn luyện năng lực sử dụng tiếng Anh ứng dụng như các chương trình vẫn được dạy tại các trung tâm ngoại ngữ mà mang “màu sắc học thuật” và yêu cầu HS phải luyện viết khá nhiều. Thực tế cho thấy, viết luận và thiếu kiến thức nền về kinh tế, văn hóa, xã hội là hai điểm yếu của HS Việt Nam khi ra nước ngoài du học. Nếu theo học bài bản chương trình Cambridge, HS sẽ có thể tự tin bắt kịp giáo dục thế giới không thua kém học sinh quốc tế nào”.
 
Chương trình có thích hợp với mọi HS?
 
Đúng như tên gọi “song bằng”, HS sẽ phải học hai chương trình của cả Việt Nam và Cambridge để lấy được 2 bằng. Theo ông Chử Xuân Dũng, Hà Nội sẽ lược bỏ những phần nội dung kiến thức chung có trong cả hai chương trình. Những phần kiến thức giao nhau sẽ chọn dạy ở chương trình Cambridge để tăng cường hơn việc học tập ngôn ngữ tiếng Anh cho HS. Cách làm này nhằm đảm bảo HS học xong chương trình THPT (hoặc THCS) vẫn có đủ kiến thức như HS học chương trình Việt Nam và vẫn đạt đủ điều kiện nhận chứng chỉ A level (hoặc IGCSE với cấp THCS). 
 
Tuy nhiên, dù đã được “tích hợp kiến thức” nhưng HS theo học song bằng chắc chắn sẽ phải cố gắng gấp đôi các HS chỉ học chương trình của Việt Nam. Thực tế, với khóa tuyển sinh đầu tiên, trường THPT Chu Văn An đã phải dành 3 tháng đầu để giúp HS bổ trợ kiến thức, kỹ năng học tập, trang bị cho các em một số khái niệm, thuật ngữ về mặt ngôn ngữ để có thể học được chương trình khi chính thức chuyển sang học chương trình A Level.
 
Ngoài ra, theo bà Trang Lâm, tốt nghiệp xuất sắc song bằng Kinh tế và Toán tại ĐH Wooster, Ohio, Mỹ, nhiều PHHS mong muốn con học hệ song bằng để giỏi tiếng Anh. Đây là quan niệm sai lầm bởi học chương trình Cambridge giáo dục quốc tế là dùng tiếng Anh để học kiến thức chứ không phải học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2. Như vậy, việc lựa chọn học song bằng chỉ hợp lý khi một HS có khả năng ngôn ngữ vượt trội và chịu được áp lực học so với các HS cùng tuổi. 
 
Từ trải nghiệm của bản thân, theo Sỹ Hiếu, đặc thù của những chương trình như Cambridge là càng lên cao càng khó, và bắt đầu phân môn rất sâu (tính từ IGCSE). Với IGCSE là hơn 70 môn và A Level là khoảng 55 môn (theo thông tin chính thống từ website của CIE). Nội dung kiến thức những môn này cũng tương đối mới và khó. Chẳng hạn môn Lịch sử sẽ nghiên cứu sâu về Lịch sử thế giới. Môn Địa lý sẽ học về những yếu tố về địa tầng, địa chất hay phân bố dân cư...
 
Môn Kinh tế là một môn mới không có trong chương trình GD phổ thông của Việt Nam. Khi thi các môn xã hội, HS phải viết những bài luận dài tầm 2-3 trang A4. Vậy nên nếu năng lực tiếng Anh của HS không đảm bảo, sẽ gặp nhiều khó khăn khi theo học chương trình Cambridge thậm chí phải bỏ dở chương trình gây lãng phí thời gian của HS, cũng như tốn kém về tài chính cho gia đình.
 
Những băn khoăn  đang chờ lời giải
 
Trước Hà Nội, TP HCM cũng đã từng đưa chương trình tiếng Anh Cambridge vào triển khai trong giai đoạn từ 2010- 2014. Tuy nhiên, sau đó, vào tháng 6/2014, Sở GD-ĐT TP HCM đã phải chấm dứt chương trình này và chuyển sang chương trình khác. Một trong nhiều lý do được đưa ra là chương trình đã bộc lộ một số nhược điểm như khi “chạy” song song với chương trình của Bộ GD-ĐT dẫn tới việc kiến thức bị lặp lại gây quá tải cho HS. Vì thế, dư luận băn khoăn tới đây, Hà Nội khi triển khai chương trình Cambridge có tránh được “vết xe đổ” của GD TP HCM không? 
 
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, để triển khai chương trình song bằng thành công, đội ngũ giáo viên đủ giỏi rất quan trọng. Các trường không thể huy động giáo viên tiếng Anh để dạy các môn học bằng tiếng Anh được. Bên cạnh đó, với mức lương còn khiêm tốn hiện nay, liệu các trường có thu hút được giáo viên giỏi để truyền thụ đúng tinh thần của chương trình tiếng Anh Cambridge không. Vì thế, đào tạo chương trình song bằng là hướng đi giúp giáo dục Hà Nội hội nhập thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Song, vẫn còn nhiều điều trăn trở phải giải quyết để việc triển khai có hiệu quả. 
 
Theo anh Sỹ Hiếu, các HS, nếu không theo học hệ song bằng, còn có nhiều lựa chọn khác như học lớp chuyên ngữ, hoặc học chương trình VN sau đó học thêm tiếng Anh học thuật, Toán TA, khoa học TA… tùy nhu cầu, năng lực tài chính. Bởi, thực tế cho thấy, dù học ở hệ nào thì năng lực tiếng Anh và khả năng tự học của các em mới là cơ sở báo hiệu thành công của các HS trong tương lai.
 
 Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…